Loay hoay chuyển đổi mô hình quản lý chợ
Thị trường - Ngày đăng : 06:57, 30/05/2017
Nhiều chợ đã xuống cấp, hạ tầng không bảo đảm cho hoạt động kinh doanh, buôn bán nhưng
chính quyền địa phương vẫn khư khư giữ quyền quản lý
Địa phương không muốn
Ông Phạm Văn Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng nhận định rất khó chuyển đổi quản lý chợ (QLC) từ cấp xã sang cho HTX hoặc doanh nghiệp quản lý theo chủ trương của Chính phủ. Sau 14 năm triển khai mô hình này, huyện Cẩm Giàng vẫn chưa chuyển đổi được chợ nào.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Thái cho biết: Hầu hết các chợ của Cẩm Giàng hiện nay là chợ hạng 3, do các địa phương quản lý. Họ tự cử người làm nhiệm vụ trông coi và thu các khoản phí của tiểu thương. Toàn bộ nguồn thu này đều được nộp về ngân sách địa phương. “Nếu chuyển cho doanh nghiệp hoặc HTX quản lý thì địa phương sẽ không còn nguồn thu này nữa. Vì lo mất quyền lợi nên nhiều địa phương không muốn chuyển đổi”, ông Thái nói.
|
Tại nhiều địa phương trong tỉnh mặc dù chợ đã xuống cấp, lụp xụp, hạ tầng không bảo đảm cho hoạt động kinh doanh, buôn bán nhưng chính quyền địa phương vẫn khư khư giữ quyền quản lý. Khi doanh nghiệp ngỏ ý muốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp sau đó chịu trách nhiệm QLC thì chính quyền viện ra nhiều lý do để từ chối. Ông Nguyễn Văn T., lãnh đạo một xã ở huyện Gia Lộc cho biết: “Nhiều doanh nghiệp tha thiết muốn địa phương tạo điều kiện để đầu tư xây dựng chợ nhưng chúng tôi không đồng ý. Doanh nghiệp phải có lợi thì họ mới làm. Để có được chợ mới chúng tôi thường phải cắt một phần đất cho họ sau đó họ mới đầu tư. Nếu chúng tôi đồng ý chuyển đổi khác nào đổi đất lấy hạ tầng? Liệu chợ xây xong, người dân có vào mua bán hay lại để hoang như ở nhiều nơi. Vì vậy chúng tôi chưa muốn chuyển đổi”.
Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay toàn tỉnh mới có khoảng 5% số chợ được chuyển đổi mô hình quản lý. Theo ông Nguyễn Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Gia Lộc, ngoài nguyên nhân các địa phương không muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển đổi thì còn một nguyên nhân khác xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp được kêu gọi đầu tư xây dựng chợ sau đó trực tiếp quản lý nhưng họ cũng không mặn mà. Năng lực hoạt động của các HTX còn thấp nên cũng chưa mạnh dạn đứng ra QLC cho các địa phương.
Chuyển đổi linh hoạt
Chợ Con (TP Hải Dương) là một trong số ít chợ trong tỉnh đã thực hiện thành công việc chuyển đổi mô hình quản lý
Nếu các địa phương còn ngần ngại chuyển đổi cho các doanh nghiệp hoặc HTX đủ năng lực quản lý thì chợ truyền thống khó được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Bởi hiện nay đa phần các địa phương chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của tỉnh để đầu tư, phát triển chợ trong khi nguồn vốn này có hạn. Với kiểu thu phí chợ tùy tiện, không sổ sách, giấy tờ, không thống kê, báo cáo… thì việc xây dựng các chợ theo mô hình văn minh, hiện đại cũng khó có thể thực hiện. Trách nhiệm kiểm soát chống gian lận thương mại, bảo vệ môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn lao động… tại chợ thường ít được các địa phương quan tâm. Do đó việc chuyển đổi mô hình QLC là việc cần làm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình chợ cần linh hoạt. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết Sở Công thương đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi một số chợ để trình UBND tỉnh vào tháng 8 này. Theo kế hoạch, trước mắt tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý ở các chợ thuộc thành phố, trung tâm các huyện, những chợ nông thôn có lượng lưu thông hàng hóa lớn. Theo ông Quang, tỉnh sẽ xem xét chuyển đổi mô hình QLC sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Không thể ép người dân phải theo một mô hình quản lý nào không phù hợp với điều kiện kinh doanh tại chợ. Nơi nào có khả năng chuyển đổi sẽ tiến hành chuyển đổi theo yêu cầu. Nếu các địa phương xây dựng được các tổ hoặc ban quản lý chuyên nghiệp giúp chợ hoạt động hiệu quả thì vẫn nên duy trì. “Mặc dù chợ Thanh Bình do phường này quản lý nhưng họ thực hiện khá bài bản và hiệu quả thì vẫn có thể duy trì. Ngược lại, chợ Lai Cách (Cẩm Giàng) mặc dù đã có doanh nghiệp đến đầu tư, cải tạo và sẵn sàng tiếp nhận QLC này nhưng có thể chưa chuyển đổi do không nhận được sự đồng thuận của các tiểu thương”, ông Quang lấy ví dụ.
Trước khi lựa chọn được mô hình QLC phù hợp, các địa phương cũng cần trích một phần kinh phí để nâng cấp và cải tạo lại các khu chợ, ki-ốt bán hàng đã xuống cấp... để bảo đảm hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân. Sở Công thương sớm xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình QLC trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu, quyền lợi của người dân cũng như tính toán hài hòa giữa lợi ích của địa phương và doanh nghiệp.
HẢI MINH Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có gần 200 chợ đang hoạt động. Trong đó có 150 chợ thuộc địa bàn nông thôn, thu hút hơn 12.000 hộ kinh doanh. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20 chợ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc HTX quản lý. Trên 70% số cán bộ quản lý chợ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.