Gọi về những tháng năm kỷ niệm

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:21, 05/06/2017

Không biết đã bao lâu rồi nhà thơ chưa trở về, chưa gặp lại để bây giờ quả quyết: “Tôi về với sóng đồng chiêm”. Có gì nơi sóng nước đồng chiêm mênh mang mà tác giả thao thiết, đau đáu như vậy nếu không phải là hồn quê, là những gì gắn bó tha thiết đã ngấm vào hồn, vào máu những người xa quê, yêu quê da diết:

Một thoáng trở về


Tôi về với sóng đồng chiêm
Chiều chưa xuống, cái trăng liềm đã lên
Bãi Giang mấy độ thau phèn
Sông Giang mấy khúc lửa đèn chênh chao

Tôi về hoa súng cầu ao
Nở như chưa biết chiêm bao chị buồn
Bước chân gặp lại lối mòn
Sân rêu, cây cỏ che tròn bóng nhau

Tôi về năm cũ em đâu
Mùa xưa chẳng hẹn lá dâu đợi tằm
Đi trong nắng lửa, mưa dầm
Mà thương vạt áo ướt đầm hôm qua

Tôi về bến Cát phù sa
Ngược xuôi con nước chảy qua mùa màng
Bóng tre phủ kín bóng làng
Bao năm tay mẹ dần sàng khổ đau.

BÌNH NGUYÊN


Tôi về với sóng đồng chiêm
Chiều chưa xuống, cái trăng liềm đã lên
Bãi Giang mấy độ thau phèn
Sông Giang mấy khúc lửa đèn chênh chao


Nhịp thơ như chậm lại, không gian như rộng thêm ra theo từng bước chân ký ức của nhân vật trữ tình. Sóng, bãi Giang, sông Giang là quê đấy, cái mảnh đất một sương hai nắng, gánh nhiều bão giông, quanh năm chua mặn, bao đời lam lũ.

Chẳng phải cuộc sống đã đổi thay đã phát triển rồi sao mà lửa đèn bên sông vẫn chênh chao? Hình ảnh ẩn dụ và từ láy thật có sức gợi tả, gợi cảm, gợi cho người đọc cảm giác bùi ngùi, cay cay nơi sống mũi, bao năm cuộc sống của những con người nơi đây vẫn thế vẫn bấp bênh, vẫn chát mặn. Người đọc chợt liên tưởng đến những câu thơ của nhà thơ Huy Cận: "Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp/Con thuyền xuôi mái nước song song/Thuyền về bến lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng". Tác giả “Tràng Giang” chở nỗi buồn điệp điệp, nỗi buồn dầy đặc trong thơ, còn những câu thơ của nhà thơ Bình Nguyên chưa hề nhắc đến nỗi buồn nhưng những câu thơ như nhịp sóng đồng chiêm đã neo vào lòng người nỗi đìu hiu, man mác.

Về với quê hương là về với những ký ức, với những gì gần gũi, thân thương, về với những rưng rưng cảm xúc.

Tôi về hoa súng cầu ao
Nở như chưa biết chiêm bao chị buồn
Bước chân gặp lại lối mòn
Sân rêu, cây cỏ che tròn bóng nhau


Một sự so sánh độc đáo, giữa cụ thể và trừu tượng, một sự đối lập nghèn nghẹn: "Nở như chưa biết chiêm bao chị buồn". Hoa súng vẫn nở, vốn là quy luật của tạo hóa, của tự nhiên, hoa cứ đẹp, cứ tinh khiết còn nỗi buồn của chị thì lại thẳm sâu, chất chứa. Biết bao tâm sự, biết bao khát vọng cứ âm thầm, cứ dồn nén giấu vào đêm, vào trong mỗi giấc chiêm bao, chẳng biết tâm sự, chẳng biết nói cùng ai, đành gửi, đành giấu vào lòng mình vậy. Câu thơ đã gợi cho người đọc bao nỗi niềm, bao sự đồng cảm.
Bước chân trở về, gặp lại lối mòn, chỉ thấy: "Sân rêu, cây cỏ", im lặng đến tuyệt đối và cảm giác hụt hẫng, bùi ngùi, ký ức dường như cũng rêu phong. Không gian đã gần hơn, hẹp hơn nhưng sao cứ có cảm giác chống chếnh, mênh mang, chỉ nghe bước chân mình, chỉ nghe lòng mình. Bóng người thân thương đâu mà chỉ có cây cỏ đã ken dầy, bóng đã rợp bóng. "Che tròn bóng nhau" là biện pháp ẩn dụ nhân hóa, lấy hình ảnh cây cỏ để diễn tả tình người nơi quê ấm áp, đùm bọc, nâng niu che chở bao đời trọn vẹn.

Tôi về năm cũ em đâu
Mùa xưa chẳng hẹn lá dâu đợi tằm
Đi trong nắng lửa, mưa dầm
Mà thương vạt áo ướt đầm hôm qua


Quên sao được những gì là kỷ niệm, những gì đã gắn bó, dẫu trải qua bao thăng trầm cuộc sống, bao bộn bề tất bật mưu sinh, bao ồn ào, bao đắng cay thử thách: "nắng lửa, mưa dầm" mà nhà thơ vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ thương: "vạt áo ướt đầm hôm qua". Thời gian đã xa, đã lâu rồi mà sao vẫn cứ như mới "hôm qua", cái vạt áo đã thấm bao nước mắt đã giấu bao niềm mong nỗi nhớ, bao khắc khoải chờ đợi, bao hy vọng và thất vọng. Vạt áo đi vào thơ anh tự nhiên tha thiết và ám ảnh.

Tôi về bến Cát phù sa
Ngược xuôi con nước chảy qua mùa màng


Điệp từ: "Tôi về" được lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ như bước chân nhà thơ trở về với quê hương (hay trở về trong tâm tưởng), gọi tên bến quê, sông quê, bãi cát là gọi về những ký ức, những tháng năm, những kỷ niệm vơi đầy. Mỗi bước chân về gợi bao da diết, dào dạt. Bước chân ấy về lại làng quê nơi bóng tre vẫn đó, rợp mát, thân thương và bình yên, đùm bọc, bao dung và độ lượng với làng quê nhỏ bé. Nhưng cái sự ôm ấp, cái sự chở che đến nỗi: "phủ kín ngõ làng" phải chăng lại vô hình làm ngôi làng vốn nhỏ bé, vốn cũ kỹ cứ bị quây kín, bó hẹp lại trong cái không gian chật chội, trong cái khuôn khổ cũ rích, trong cái khốn khó. Có phải vì vậy mà bao năm nay cuộc sống của những người dân nơi đây và của mẹ nữa vẫn cứ: "tay mẹ dần sàng khổ đau". Nỗi đau mẹ dần đi, sàng lại mà có mất đi đâu, có tan đi đâu, nó vẫn đeo bám mẹ bao năm. Nỗi đau của mẹ là nỗi đau của đồng chiêm những mùa bão lụt, nỗi đau của mảnh đất bạc màu, nghèo khó, lam lũ. Có những nỗi đau của mẹ đắp thành tượng đài, nhưng có những nỗi đau cứ âm thầm, lặng lẽ.

Đã nhiều lần nhà thơ Bình Nguyên nói đến sự trở về như các bài: "Với sông", "Ta về", "Về dại"… Bài thơ “Một thoáng trở về” cùng trong mạch cảm xúc và chất chứa, ăm ắp những rung cảm, những ưu tư. Mỗi câu từ, mỗi hình ảnh gửi vào thơ được anh nén lại, gói lại, gần lắm, quen lắm mà sao đọc lên cứ mới, cứ lạ.

THÚY NGA