Thanh tra yếu nghiệp vụ, dân biết độc vẫn dùng
Tin tức - Ngày đăng : 14:26, 05/06/2017
Mở đầu buổi thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2011 - 2016.
Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế. Trong đó đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo; quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa khoa học và rõ ràng, cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.
Nhiều người biết độc nhưng vẫn dùng
Thời gian vừa qua, tình hình ngộ độc thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở các địa phương. Có 7 bệnh truyền qua đường thực phẩm, trung bình có hơn 686.000 người chết/năm, nguyên nhân chính là do sử dụng thực phẩm không an toàn.
Ông Dũng nêu thêm: “Việc kiểm soát an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa được chú trọng, đặc biệt là trong quản lý đối với rau, thịt tươi sống, đã xử lý hàng nghìn cơ sở sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ sở nhỏ lẻ giết mổ chiếm 97%, những điểm này giết mổ trên sàn, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm nghiêm trọng; vận chuyển gia súc gia cầm còn phức tạp, chủ yếu được thực hiện bằng phương tiện thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm".
Ông Dũng cũng cảnh báo đỏ các cơ sở bán rượu không có chất lượng, không nhãn mác, nhiều ca ngộ độc rượu xảy ra. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm ở địa phương còn thấp, còn có sự đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng, việc công khai thông tin chưa tốt, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu là phạt hành chính nếu vi phạm, ít xử lý hình sự nên không tạo sức răn đe.
"Theo đó, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trong an toàn thực phẩm; trách nhiệm của chính phủ trong việc phân bố, tổ chức bộ máy; hoạt động điều phối của ban chỉ đạo TƯ còn chậm, giải pháp đưa ra không khả thi, đặc biệt như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tiếp tay kinh doanh hàng buôn lậu. Người dùng thì dễ dãi, không có trách nhiệm với sức khỏe của mình trong việc sử dụng thực phẩm, nhiều người biết độc nhưng vẫn dùng", ông Dũng nêu.
Ông Dũng cho biết hiện nay chưa có chế tài xử lý cơ quan chức năng khi không thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, phải chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc những yếu kém của các bộ, ngành; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu của các cấp; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Lực lượng thanh tra yếu nghiệp vụ
ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn ĐB Tiền Giang) cho rằng thực trạng an toàn thực phẩm không phải mới phát sinh mà đây là vấn đề nóng xưa đến nay, mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn chậm. ĐB Mai cũng cho biết kết quả một khảo sát cho thấy có 59% người dân chưa yên tâm lắm, chưa tới 10% yên tâm, còn lại là không yên tâm.
Trách nhiệm chính là do cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù đã ban hành nhiều văn bản quy định pháp luật, nhưng thực tế công tác quản lý nhà nước trong an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa tốt, lực lượng thanh tra chuyên ngành yếu về nghiệp vụ, ĐB Mai cho biết thêm.
ĐB Nguyễn Hoàng Mai kiến nghị thiết lập đường dây nóng số dễ nhớ để dân dễ nhớ, vì hiện nay người dân có phát hiện cơ sở mất ATVSTP không biết phải báo cho ai, ở đâu mà nếu có báo thì thủ tục cũng phức tạp. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt các nguồn nước ở các khu công nghiệp không được xử lý, thực tế nhiều thực phẩm bị mất ATVS ANTP do nguồn nước này.
Chia sẻ trước Quốc hội, bà Dương Minh Ánh (Đoàn TP.Hà Nội) cho biết việc sản xuất, kinh doanh rượu lậu, rượu giả, rượu truyền thống có nơi đến mức báo động đỏ; rượu kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo thống kê, 80% rượu tiêu thụ trên thị trường không có nhãn mác và không kiểm soát được chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, giống nòi của dân Việt Nam. Vì vậy cần tăng chế tài xử phát đối với cơ sở, cá nhân vi phạm; sửa luật ATTP thành xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Không để trẻ em ăn chất độc vào người
Thực phẩm bẩn ở trường học cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, một đại biểu Quốc hội phát biểu, hiện nay các quán hàng ở ngay cổng trường bán đồ ăn tràn lan, không đảm bảo VSATTP. Có loại đồ ăn được tẩm chất tạo màu để nhìn bắt mắt, đồ ăn bỏ thêm gia vị độc hại thơm ngon hơn.
Theo đại biểu này, độc tố sẽ ngấm vào người theo thời gian chứ tác hại không tức thì. Việc ăn thực phẩm bẩn thường xuyên sẽ làm tăng bệnh béo phì, tiểu đường, gây mất ngủ, căng thẳng, ảnh hưởng đến học tập.
Giải pháp trong thời gian sắp tới, các em phải nói không với thực phẩm bẩn, bố mẹ phải quản lý, giám sát việc xài tiền của các em. Đồng thời trường học phải mở căng tin, bán đủ đồ ăn đảm bảo vệ sinh cho các em, để các em tránh xa đồ ăn không nguồn gốc, độc hại ở cổng trường.
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn ĐB Lai Châu) cũng nêu ý kiến ATTP là vấn đề quan trọng của toàn xã hội, hệ thống chính sách pháp luật khá đầy đủ, nhưng thực trạng ATTP đáng báo động, tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh rau quả, ăn uống, thịt đủ điều kiện được cấp giấy phép chỉ từ 43 - 57%, người tiêu dùng khó của khả năng lựa chọn, các cơ sở bị phạt tiền chỉ vài trăm ngàn.
Ông Toàn cho rằng nguyên nhân chính là do nhận thức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm hạn chế, một bộ phận kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận. Tình trạng nhức nhối như vậy nhưng việc xử lý theo pháp luật chưa đủ sức răn đe, ĐB Toàn nhấn mạnh.
Sắp tới, Đoàn kiểm tra không chỉ những tháng cao điểm về VSATTP mới kiểm tra và xử lý mà phải đi kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đặc biệt, phải kiểm soát an toàn thực phẩm ở chợ đầu mối, kiểm tra các phụ gia nhập khẩu ở biên giới. Đây là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài vì vậy ông Toàn kiến nghị 100% tiền phạt cho địa phương sử dụng vào việc khen thưởng, đầu tư cơ sở vật chất.
TTXVN - TT