10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 7.6

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 17:52, 07/06/2017

Chủ tịch nước chủ trì lễ đón Tổng thống Milos Zeman; Chủ tịch đảng Quốc đại Nepal Sher-Bahadur-Deuba trở thành thủ tướng thứ 40 ... là những sự kiện nổi bật ngày 7.6.



Ngày 7.6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì Lễ đón trọng thể Tổng thống Milos Zeman và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 6-8.6.Sau Lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Milos Zeman. Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Milos Zeman đã chứng kiến Lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước, đó là: Hiệp định về chuyển giao người bị kết án, phạt tù; Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Milos Zeman đã có cuộc gặp gỡ với báo chí, thông báo về kết quả cuộc hội đàm. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Milos Zeman chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm giữa hai nước. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN



Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Nhật Bản, sáng 7.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại tỉnh Saitama. Chiều cùng ngày, tại tỉnh Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm với lãnh đạo các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp vùng Kansai. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm quan các gian hàng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN



Ngày 7.6, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11.6.1912 - 11.6.2017) - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho Ban quản lý Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh: Phạm Minh Tuấn – TTXVN



Ngày 7.6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương để nghe báo cáo về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN



Sáng 7.6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Dự án Luật thủy sản (sửa đội).  Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Từ ngày 7-10.6, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (Hà Nội) diễn ra Triển lãm Quốc tế về Phương tiện giao thông và Công nghiệp phụ trợ 2017 (VIETNAM AUTOEXPO 2017), với hơn 100 gian hàng đến từ các đơn vị kinh doanh, lắp ráp ô tô trong nước và quốc tế trưng bày nhiều sản phẩm là ô tô chuyên dụng, phụ tùng, linh kiện nổi tiếng như: Hyundai, FAW, Mobil, 3M…. Trong ảnh: Khách tham quan gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Trần Việt – TTXVN



Phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Slough (cách thủ đô London 34 km về phía Tây) tối ngày 6.6 theo giờ Anh, Thủ tướng Anh, Theresa May (trong ảnh) đã tập trung vào vấn đề thắt chặt kiểm soát an ninh nhằm giành lợi thế cho đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8.6 tới. Thủ tướng May đã cam kết thắt chặt kiểm soát việc di chuyển tự do của những đối tượng có thể gây ra các hành động khủng bố. Bà tuyên bố sẽ tìm kiếm biện pháp có thể trục xuất những đối tượng này, đồng thời tăng cường kiểm soát những kẻ cực đoan có thể trở thành mối đe dọa, song chính quyền lại không có đủ bằng chứng để buộc tội những kẻ này tại tòa án. Bà tuyên bố sẵn sàng sửa đổi luật nhân quyền để có thể làm được điều này, đồng thời tăng cường các biện pháp điều tra và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bộ được gọi tắt là TPIM. Thủ tướng Anh cũng cho biết các cơ quan an ninh sẽ kiểm điểm lại vấn đề vì sao họ đã không ngăn chặn được cuộc tấn công khủng bố ở Cầu London tối ngày 3.6 vừa qua. Ảnh: EPA/TTXVN



Với kết quả chiếm đa số 388/558 phiếu bầu tại Quốc hội Nepal, Chủ tịch đảng Quốc đại Nepal Sher-Bahadur-Deuba đã trở thành Thủ tướng thứ 40 của quốc gia Nam Á này. Phát biểu ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Sher-Bahadur-Deuba tuyên bố sẽ ưu tiên thúc đẩy cải cách kinh tế, cải thiện cuộc sống của nhân dân, đồng thời triển khai mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, trong đó duy trì mối quan hệ tốt với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong ảnh: Thủ tướng mới đắc cử Nepal Sher-Bahadur-Deuba (giữa, trái) và Thủ tướng mãn nhiệm Pushpa Kamal Dahal (giữa, phải) tại Kathmandu ngày 6.6. Ảnh: EPA/TTXVN



Ngày 6.6, Tòa án Bầu cử tối cao Brazil (TSE) đã mở phiên điều trần được cho là có thể dẫn đến việc phế truất Tổng thống nước này Michel Temer (trong ảnh), động thái có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh rơi vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo thứ 2 trong vòng một năm qua. Phiên điều trần đầu tiên trong tổng số 4 phiên điều trần được dự kiến tiến hành để xem xét liệu việc cựu Tổng thống Dilma Rousseff  và Phó Tổng thống khi đó là ông Temer chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014 có hợp lệ hay không. Bà Rousseff và ông Temer bị cáo buộc liên quan tới những khoản tài trợ bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 2014. Nếu Hội đồng thẩm phán gồm 7 thành viên bỏ phiếu nhất trí bác bỏ kết quả cuộc bầu cử hồi năm 2014, Tổng thống Temer nhiều khả năng sẽ bị phế truất. Trong trường hợp TSE kết tội ông Temer trong phiên điều trần cuối cùng dự kiến diễn ra ngày 8.6, người đứng đầu nhà nước Brazil có thể kháng cáo nhưng vẫn thuộc diện điều tra về cáo buộc tham nhũng. Ảnh: AFP/TTXVN



Mỹ đang đánh giá việc tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đồng thời kêu gọi cải tổ cơ quan này. Đây là thông báo chính thức mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 6.6 trong khuôn khổ phiên họp Hội đồng Nhân quyền LHQ, dự kiến kéo dài 3 tuần tại Geneva (Thụy Sĩ). Trong lần phát biểu đầu tiên tại diễn đàn trên ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố Mỹ đang "xem xét thận trọng" Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng như sự tham gia của Washington. Theo bà Haley, Mỹ muốn xóa bỏ điều mà Washington cho là "những thành kiến đối với Israel" tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bà Haley cũng bày tỏ một số lĩnh vực cần được củng cố đáng kể. Trong ảnh: Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley trong phiên họp Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 6.6. Ảnh:AFP/TTXVN