Khi phụ nữ "quên" xây tổ ấm

Đời sống - Ngày đăng : 08:13, 10/06/2017

Nói về vai trò của người chồng, người vợ trong gia đình, tục ngữ có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".



Các chị em nên biết cân bằng giữa việc làm kinh tế và chăm sóc chồng con

Nhưng trong xã hội hiện đại, không ít chị em trở thành người trụ cột chính lo kinh tế gia đình. Và khi gánh trách nhiệm đó, nhiều người lại quên đi trách nhiệm "giữ lửa" cho ngôi nhà của mình.

Là trụ cột kinh tế

Gần 8 năm nay, ba cha con anh Nguyễn Văn S. (ở xã Lê Lợi, Gia Lộc) đã quen với cảnh vợ anh là chị Nguyễn Thị T. không có mặt ở nhà. Không chỉ thiếu vắng trong mỗi bữa cơm mà từ công to việc nhỏ của gia đình, anh S. cũng tự làm. Vì cuộc sống mưu sinh, năm 2008, hai vợ chồng quyết định vay mượn cho chị T.  sang Đài Loan lao động. Khi chị đi đứa con trai mới 3 tuổi. Những ngày đầu xa vợ, anh S. chỉ dám nhận xây công trình quanh xã để còn lo cho hai đứa nhỏ. Vì muốn kiếm tiền xây nhà, dành dụm lo cho các con sau này nên anh chị động viên nhau cố gắng. Sau 3 năm đầu, anh S. xây được ngôi nhà hai tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Do xây nhà vẫn phải nợ một khoản nên chị T. lại bàn với chồng cho chị đi thêm vài năm nữa. Vì kinh tế, một lần nữa chị T. lại sang Đài Loan làm việc. Đến nay đã gần 5 năm, anh S. nhiều lần gọi điện hỏi vợ bao giờ về thì chị T. lại khất lần. Anh S. cho biết: "Nhiều khi con hỏi mẹ bao giờ về hả bố, tôi cũng chỉ biết động viên con chăm ngoan, học giỏi mẹ sẽ về sớm".

Năm nay là năm thứ 3 chị Phạm Thu Th. (ở khu 3 phường Nhị Châu, TP Hải Dương) xa chồng và các con sang Nhật Bản làm kiếm tiền trả nợ. Trước đây, vợ chồng chị Th. chịu khó làm ăn nên cũng có chút tiền. Nghe lời bạn bè, chị dồn toàn bộ số vốn, cầm cố cả ngôi nhà đang ở để có tiền cho vay lấy lãi. Đến khi những người vay nợ làm ăn thất bại, bỏ trốn đi biệt tích, vợ chồng chị Th. phải đứng ra trả số tiền cầm cố "sổ đỏ" với ngân hàng. Chị Th. sang Nhật Bản làm ăn với hy vọng kiếm tiền về trả nợ. Ngày chị đi đứa con gái mới 2 tuổi, còi cọc, ốm yếu. Mọi việc ở nhà đều do chồng chị là anh Vũ Văn T. lo toan với sự hỗ trợ của ông bà ngoại. Những ngày con ốm nằm viện, rồi chồng phải mổ cột sống vì thoát vị đĩa đệm, chị Th. đều không thể về chăm. Chia sẻ qua Facebook, chị Th. cho biết: "Vì sai lầm của mình trong làm ăn nên giờ kéo theo cả nhà bị liên lụy, con ốm, chồng đau mà mình không thể ở bên cạnh. Cũng muốn về nhưng chồng không đồng ý vì sợ tốn kém. Nhiều khi cảm giác mình đã không làm tròn trách nhiệm của người vợ".

Hiện nay, những trường hợp như chị T., chị Th. không hiếm gặp. Vì mưu sinh nên nhiều người đã phải tạm thời xa gia đình để kiếm tiền nơi xứ người. 

Đừng quên trách nhiệm

Thực tế có nhiều phụ nữ tài giỏi làm tốt vai trò là trụ cột về kinh tế cho gia đình. Nhưng để làm xuất sắc hai công việc "vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm" thì không phải người phụ nữ nào cũng có thể đảm đương được.

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thiên chức và xã hội đã trao cho phụ nữ phần việc lớn hơn nam giới trong gia đình. Đó là sinh con, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ của các thành viên, tạo nên sự ấm áp, yên vui, làm điểm tựa cho chồng con. Tuy nhiên, do không thể cân bằng giữa việc ra ngoài xã hội kiếm tiền và chăm sóc chồng con đã khiến nhiều chị em tự đánh mất đi vai trò của mình trong gia đình. Ở tỉnh ta, có rất nhiều chị em đi xuất khẩu lao động, làm cho kinh tế gia đình khá giả hơn. Nhưng cũng có không ít gia đình xảy ra mâu thuẫn vì nhiều người đi lâu không về hoặc có về thì tình cảm vợ chồng cũng không còn như trước. Sở dĩ có tình trạng này là do hai vợ chồng cách xa nhau về địa lý và thời gian, tình cảm phai nhạt dần. Hơn nữa, nhiều chị em đi xuất khẩu lao động ở những nơi có nền kinh tế khá hơn nên dễ bị choáng ngợp, muốn ở lại lâu dài. Các ông chồng ở nhà thay vợ chăm lo việc nhà, không phải lo lắng nhiều về kinh tế sinh ra nhàm chán, tụ tập rượu chè, cờ bạc, thậm chí bỏ bê con cái, nợ nần chồng chất. Thiệt thòi nhất trong các gia đình này chính là những đứa trẻ vì thiếu hơi ấm, sự chăm sóc từ bàn tay mẹ, còn sự quan tâm của bố thì khó có thể bù đắp hết.

Theo chị Lê Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Phụ nữ tỉnh, trong xã hội hiện đại, chị em phụ nữ có thể ra ngoài làm việc, kiếm tiền, san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Nhưng các chị em nên biết cân bằng giữa việc làm kinh tế và chăm sóc gia đình.


TÂM PHÚC