Ngôi chùa có vị thiền sư đầu thai làm vua
Di tích - Ngày đăng : 08:30, 11/06/2017
Ở thôn Hậu Bổng (tục gọi Trạm Bóng, xã Quang Minh, Gia Lộc) có một ngôi chùa đặc biệt mang tên Quang Minh Tự.
Chùa Quang Minh nơi thiền sư Huyền Chân tu hành
Ngôi chùa này không chỉ nổi tiếng vì thời Pháp từng được Viện Viễn đông Bác cổ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa mà còn mang câu chuyện ly kỳ về thiền sư Huyền Chân từng tu hành tại nơi đây nhiều thế kỷ trước.
Là mảnh đất có bề dầy lịch sử, với vị trí giao thông thuận lợi, Hậu Bổng xưa nằm trên đường kinh lý của các vua chúa phong kiến Việt Nam, vì vậy có tên gọi Trạm Bóng. Trạm ở đây chính là trạm dừng chân của các đoàn đi kinh lý qua đây.
Chùa Quang Minh nằm ở cuối làng Hậu Bổng, xung quanh là con ngòi thơm ngát hương sen. Cổng chùa được thiết kế tam quan với những mái cong mềm mại theo kiến trúc truyền thống. Ngôi chùa 7 gian tọa lạc trên một khu đất cao trong khuôn viên hơn mẫu. Trong chùa Quang Minh ngoài tòa tam bảo thờ chư Phật, khu vực thờ mẫu, còn thờ tượng đức thiền sư Huyền Chân.
Tượng thiền sư Huyền Chân trong chùa Quang Minh
Ông Hồ Đình Đốn, cán bộ văn hóa xã Quang Minh cho biết: chùa Quang Minh có từ thời Lý. Ngày xưa, ngôi chùa có kiến trúc quy mô với hệ thống tượng Phật độc đáo. Chính vì vậy, vào thời Pháp, chùa được Viện Viễn đông Bác cổ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Thế nhưng qua thời gian và chiến tranh, ngôi chùa bị hủy hoại, các công trình kiến trúc bị đổ nát. Sau này chùa được các nhà sư và nhân dân công đức xây dựng như hiện trạng.
Mặc dù không còn nguyên vẹn song về chùa Quang Minh vẫn bắt gặp rất nhiều những dấu tích xưa còn lưu lại. Ấn tượng đầu tiên là 2 văn bia cổ phủ rêu xanh dưới hai gốc thị trên trăm tuổi ở trước cửa chùa. Theo những người dân ở đây, 2 văn bia này đã có vài trăm năm tuổi. Nằm rải rác xung quanh chùa còn rất nhiều linh vật đá, chân tảng bằng đá, cầu đá… Kết quả khảo cổ tại đây cho thấy chùa Quang Minh là một trong những ngôi chùa cổ kính của tỉnh Hải Dương. Nhiều hiện vật thời Lý- Trần được phát hiện ở đây làm phong phú sưu tập hiện vật Lý - Trần trên địa bàn tỉnh.
Giếng chùa nơi lấy nước để vua Minh Thần Tông tắm
Không chỉ là nơi cổ tự, chùa Quang Minh còn mang câu chuyện ly kỳ về vị thiền sư Huyền Chân từng tu hành tại nơi đây biết trước kiếp sau của mình sẽ đầu thai làm vua. Bà Nguyễn Thị Bằng, một người cao tuổi trông nom chùa cho biết: từ lúc nhỏ, chúng tôi đã được ông bà kể cho nghe về câu chuyện này. Truyền thuyết không chỉ lưu truyền trong dân gian mà còn được ghi chép trong các tài liệu Phật giáo trong nước. Tương truyền, thiền sư Huyền Chân thời Lý, hiệu Minh Không trụ trì chùa Quang Minh là người hết lòng tu tập, ăn chay niệm Phật. Khi đã về già, một hôm, thiền sư nằm nghỉ trước hiên thì mơ thấy Phật A Di Đà đến nói: "Ngươi dày công tu hành, hết lòng phụng sự Phật pháp, lòng từ bi đã được chứng giám. Thế nhưng do công quả chưa tới nên chưa đắc đạo thành Phật. Vì thế, kiếp sau, ngươi sẽ được làm vua ở phương Bắc". Tỉnh dậy, thiền sư Huyền Chân không khỏi ngỡ ngàng. Ông nghĩ chắc do kiếp này mình tu tập còn gì đó thiếu sót liền gọi các tăng ni đến kể lại giấc mơ và dặn: "Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son mài ra viết lên lưng ta mấy chữ sau: An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu, sau đó mới đem hỏa thiêu”. Một dạo sau, thiền sư Huyền Chân viên tịch. Các tăng ni ghi nhớ lời ngài dặn liền lấy son mài ra và viết lên lưng các chữ trên sau đó mới đem hỏa táng.
Đời vua Lê Kính Tông (1599-1619), triều đình cử Nguyễn Tự Cường, tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn (1604) dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nước Minh triều cống. Sau buổi chầu, vua Minh Thần Tông cho sứ thần nước Nam ở lại để hỏi chuyện. Khi vào gặp, vua Minh Thần Tông hỏi sứ thần Nguyễn Tự Cường: "Người ở nước Nam có biết chùa Quang Minh ở đâu không?". Rồi nhà vua kể lại, lúc mới sinh ra, trên vai đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước là thiền sư tu hành ở chùa Quang Minh, nước Nam. Mặc dù đã dùng mọi cách để tẩy xóa nhưng vẫn không hết. Nghe chuyện, Nguyễn Tự Cường rất bất ngờ bèn thưa: "Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu bệ hạ là kiếp sau của thiền sư trụ trì chùa Quang Minh ở nước Nam thì phải lấy nước giếng của chính chùa ấy mới có thể rửa được. Đợt này về nước thần sẽ tìm xem".
Bia đá cổ trước cổng chùa
Về nước, sứ thần Nguyễn Tự Cường đem việc trên tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi về khắp các vùng quê tìm kiếm. Trong một lần từ Kinh đô về quê nhà ở Hải Phòng, nghỉ chân tại chùa ở Trạm Bóng (Gia Lộc), Nguyễn Tự Cường bất ngờ khi phát hiện đó chính là Quang Minh tự. Vua Lê Kính Tông sai múc nước giếng của chùa, sau đó cử Nguyễn Tự Cường đích thân mang sang trao cho vua Minh Thần Tông. Sau khi vua Minh Thần Tông tắm bằng nước lấy ở giếng chùa, kỳ lạ thay, chữ ở trên lưng liền biến mất. Vua Minh mừng lắm ban thưởng rất hậu cho Nguyễn Tự Cường và bảo: Trẫm tuy làm vua phương Bắc nhưng kiếp trước lại là thiền sư ở nước Nam. Để nhớ về chốn cũ, ta cấp cho ngươi bạc vàng tu tạo chùa khang trang cho nhân dân trong vùng hương khói. Ngoài ra xây một ngôi tháp cao để ta hướng về ngưỡng vọng.
Thực hiện sự ủy thác của Minh Thần Tông, về nước Nguyễn Tự Cường đã dùng tiền bạc được ban xây dựng chùa Quang Minh với quy mô 36 gian. Ngoài ra, còn xây dựng ngôi tháp cao trăm tầng ở khuôn viên chùa.
Dấu tích ngôi tháp cổ trăm tầng ngày trước
Dẫn chúng tôi ra chiếc giếng rộng chừng 1 sào ở cổng chùa, bà Nguyễn Thị Bằng cho biết: Người già trong làng truyền nhau, nước mà vua Minh Thần Tông tắm được múc ở giếng này. Mấy chục năm trước, giếng là nơi cung cấp nước ăn quanh năm cho người dân trong làng. Giờ có nước sạch nên các gia đình mới không ra đây lấy nữa. Rồi bà dẫn chúng tôi ra một khu vực trong vườn chùa nơi có khối đá lớn đỡ một khối tròn hình chiếc hồ lô giới thiệu, còn đây chính là nơi xây dựng tòa tháp trăm tầng năm xưa. Qua thời gian, dấu thích ngôi tháp chỉ còn lại quả lựu này. Cũng theo bà bằng, không chỉ được thờ tại chùa, thiền sư Huyền Chân còn được nhân dân thôn Hậu Bổng tôn là thành hòa thờ tại đình làng. Với kiến trúc đặc sắc, đình Hậu Bổng đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2001. Tại đình làng, có pho tượng thiền sư cao 98 cm, được tạc vào thế kỷ XIX, tư thế ngồi ung dung đĩnh đạc, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo triều phục có trang trí rồng chầu mặt nguyệt.
Trong lịch sử Phật giáo nước ta từng lưu truyền câu chuyện về việc thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) thời Lý chủ động đi đầu thai làm vua, để trả ơn cứu mạng. Câu chuyện thiền sư Huyền Chân chùa Minh Quang đầu thai làm vua đất Bắc đã trở thành một giai thoại thú vị được nhân dân nơi đây lưu truyền.
NGỌC HÙNG