Làm gì để bóng chuyền nữ Hải Dương trở lại đỉnh cao?
Trong nước - Ngày đăng : 07:15, 12/06/2017
Mặc dù vẫn nằm trong 12 đội mạnh toàn quốc nhưng thành tích của đội tuyển bóng chuyền nữ (BCN) Hải Dương thời điểm hiện tại kém xa so với những năm 80 của thế kỷ trước.
Đội bóng chuyền nữ Hải Dương (sân bên phải) mất nhiều tài năng do ảnh hưởng của cơ chế thị trường
Theo ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cách đây 4 thập niên, đội tuyển BCN Hải Dương thuộc diện có “số má” ở sân chơi quốc gia. Bất kỳ đối thủ nào khi gặp đội Hải Dương cũng phải kiêng nể. Khoảng năm 1975-1980, có lần BCN tỉnh Đông đã từng đoạt chức vô địch. Năm 1990, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, BCN Hải Dương cũng xếp thứ ba.
Tuy nhiên, những thành tích trên chỉ là dĩ vãng một thời. Nhiều năm nay, mặc dù vẫn nằm trong 12 đội mạnh nhất toàn quốc và sản sinh ra nhiều vận động viên (VĐV) tài năng nhưng BCN Hải Dương luôn phải nỗ lực cho mục tiêu trụ hạng. Từ năm 2010 đến nay, thành tích tốt nhất của BCN Hải Dương tại Giải vô địch quốc gia là xếp thứ 7 trong tổng số 12 đội mạnh cả nước.
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Từ lâu BCN vẫn là 1 trong 5 môn thể thao mũi nhọn (cùng với bóng bàn, bắn súng, điền kinh và bơi lặn) được tỉnh ta rất quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2010 - 2012 và năm 2016, tỉnh còn mời chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện cho đội BCN. Hiện nay, đội BCN Hải Dương có 40 VĐV, trong đó tuyến đội tuyển có 12 người. Độ tuổi bình quân của các VĐV là 22 - 23, trẻ trung, năng động và có tài năng không thua kém so với các đội bóng mạnh khác. Nhưng vì sao thành tích của đội chưa được cải thiện nhiều?
Ông Thịnh cho rằng, công tác đào tạo VĐV cho đội tuyển BCN nữ tỉnh ta cũng như các môn thể thao khác đang bị tác động rất nhiều từ cơ chế thị trường. Không hiếm VĐV trẻ mặc dù có tài năng chơi bóng chuyền nhưng lại “quay lưng” với trung tâm đào tạo vì lý do kinh tế. VĐV đạt cấp kiện tướng hiện nay mới được trả bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. So với lương của 1 công nhân đang làm trong các doanh nghiệp, rõ ràng số tiền này còn thua xa. Thế nên có những VĐV đã ký hợp đồng huấn luyện, đào tạo nhưng sau đó vẫn xin ra khỏi trung tâm để tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn.
Trong 12 đội BCN mạnh toàn quốc, các VĐV đội BCN Hải Dương đang có tổng thu nhập (lương + thưởng) thuộc diện thấp nhất. Mỗi VĐV nữ đội BCN tỉnh ta đang có thu nhập bình quân khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó ở các đội khác con số này là 10 - 15 triệu đồng. Thu nhập thấp ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của các VĐV. Không ít nữ VĐV tài năng của BCN Hải Dương đã từ bỏ đội bóng quê hương để đầu quân cho đội khác dẫn tới tình trạng “chảy máu tài năng”. VĐV Nguyễn Thị Xoàn (quê Thanh Hà) từng là một chủ công của đội BCN tỉnh ta nhưng đã đầu quân cho đội bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí. Từ năm 2012 đến nay cũng đã có khoảng 10 VĐV khác của BCN Hải Dương xin nghỉ để đi làm và kết hợp thi đấu ở Quảng Ninh vì có thu nhập cao hơn.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho BCN Hải Dương cũng có nhiều hạn chế nếu đem so sánh với các đội bóng khác. Đội BCN các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa… mỗi năm đều nhận được số tiền tài trợ ổn định 1 - 5 tỷ đồng. Trong khi đó, BCN Hải Dương từ trước đến nay mới nhận mức tài trợ cao nhất là 700 triệu đồng của Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông. Trước đó, một số doanh nghiệp cũng tài trợ cho đội nhưng số tiền không lớn và cũng chỉ được một vài năm là dừng. “Mỗi năm đội tuyển BCN tỉnh ta cần khoảng 5 tỷ đồng để chi trả việc ăn ở, tập huấn, đào tạo, thi đấu, lương, thưởng cho các VĐV. Hiện tại nếu cộng dồn cả số tiền được ngân sách nhà nước đầu tư với huy động xã hội hóa cũng mới đáp ứng được một nửa nhu cầu”, ông Thịnh nói.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện cho đội tuyển BCN Hải Dương cũng còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Các VĐV hiện vẫn phải tập luyện trên nền xi măng nên thiếu mạnh dạn, tự tin thực hiện các động tác, khi thi đấu cũng bị ảnh hưởng.
Người hâm mộ hy vọng trong tương lai không xa, đội tuyển BCN Hải Dương sẽ trở lại thời kỳ đỉnh cao như những năm 80 của thế kỷ trước. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt các cấp, các ngành liên quan cần có giải pháp để gỡ những “nút thắt” nêu trên.
TIẾN MẠNH