Nhọc nhằn nuôi vịt chạy đồng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:09, 13/06/2017
Vào dịp tháng 5, tháng 6 hằng năm, khi những cánh đồng lúa đã thu hoạch hết, họ tranh thủ lùa đàn vịt vài nghìn con xuống ruộng để nhặt nhạnh những hạt thóc rơi vãi còn sót lại.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè, người nuôi vịt vẫn thường xuyên phải bám đồng
Như dân du mục, người nuôi vịt thả đồng nay đây mai đó lùa đàn vịt kiếm ăn khắp nơi. Ðặc biệt vào dịp tháng 5, tháng 6 hằng năm, khi những cánh đồng lúa đã thu hoạch hết, họ tranh thủ lùa đàn vịt vài nghìn con xuống ruộng để nhặt nhạnh những hạt thóc rơi vãi còn sót lại.
Rong ruổi
Sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được ông Dương Văn Bưởi ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành) - người gắn bó với nghề chăn vịt chạy đồng gần ba chục năm nay. Khoảng 5 giờ sáng hằng ngày, gần 2.000 con vịt của ông Bưởi lại nháo nhác tràn xuống cánh đồng đã trơ gốc rạ. Phải mất chừng nửa tiếng, vợ chồng ông Bưởi mới lùa được đàn vịt xuống khu cuối bãi, nơi có nhiều nước để chúng kiếm ăn.
Phóng tầm mắt nhìn ra cánh đồng mênh mông nước, ông Bưởi bảo nghề nuôi vịt chạy đồng chỉ tranh thủ "dựa" đồng được 1 tháng. Nên ngay từ đầu tháng 4, ông đã tới lò ấp ở huyện Bình Giang để lựa những con vịt khỏe, ưng ý nhất về nuôi.
|
Người nuôi vịt thả đồng rất vất vả vì thường xuyên phải bám theo đàn vịt hết từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nhiều người ví họ chẳng khác nào dân du mục, nay đây mai đó, thậm chí tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. "Thức ăn của vịt chạy đồng hoàn toàn tự nhiên như sâu, côn trùng, ốc bươu vàng, trứng ốc, thóc rơi rụng... Chăn vịt chạy đồng nhìn thì đơn giản nhưng thực ra rất khó. Để quản lý được đàn vịt gần 2.000 con cần ít nhất 2 người. Nếu số lượng lớn hơn, có khi phải 3 hoặc 4 người mới có thể quản lý nổi", ông Bưởi cho biết.
Mới 8 giờ sáng nhưng cái nắng gay gắt của mùa hè trùm xuống cánh đồng khiến bầu không khí càng thêm oi ả. Sau gần 1 tiếng móc máy kiếm ăn, đàn vịt bắt đầu di chuyển. "Nhặt hết thức ăn ở đây, bọn chúng sẽ rủ nhau đi nơi khác. Thói quen của đàn vịt thả đồng bao giờ cũng thế", ông Bưởi giải thích. Được sự giúp đỡ của ông Bưởi, tôi bắt đầu thử vào vai một người nuôi vịt chạy đồng. Vừa lội bùn vừa vác cây diều (vật dụng không thể thiếu của người chăn vịt) dài chừng 5- 6 mét thật là một việc khó khăn. Nếu không đứng vững, người cầm cây diều rất dễ bị chao đảo, thậm chí ngã dúi xuống bùn. Điều khiển cây diều lùa vịt cũng phải theo quy luật để đàn vịt đi theo ý của người chăn dắt. Nếu không khéo, đàn vịt sẽ chạy tán loạn khắp nơi.
Sau khoảng nửa tiếng lội dưới bùn lầy với cơ man gốc rạ tua tủa đâm lên chân đau nhói, đôi vai tôi đã mỏi rời vì luân phiên vác cây diều lùa vịt. Ông Bưởi ra hiệu cho tôi lên bờ ngồi nghỉ. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, tấm lưng ướt đẫm mồ hôi nhưng ông Bưởi vẫn thoăn thoắt lội bùn, khéo léo lùa đàn vịt sang cánh đồng bên cạnh. Có thử làm công việc của ông tôi mới hiểu những người nuôi vịt chạy đồng hẳn phải thật khéo léo, có sức khỏe dẻo dai mới có thể trụ vững được với nghề.
Ông Bưởi tranh thủ quây lưới để làm nơi cho vịt nghỉ ngơi
Ít thâm niên nuôi vịt chạy đồng hơn ông Bưởi, song các ông Trần Văn Bình, Trần Văn Trọng ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) cũng đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Và cũng ngần ấy thời gian, 2 ông như hình với bóng cùng nhau rong ruổi khắp các cánh đồng trong làng ngoài xã. Đều đặn như có đồng hồ báo thức, cứ 3 giờ sáng, 2 ông bắt đầu lùa đàn vịt 2.000 con sang tận cánh đồng của huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Thường phải mất 2 giờ đồng hồ di chuyển, 2 ông mới tìm được địa điểm ưng ý cho đàn vịt dừng chân, tìm kiếm thức ăn. Chăn ở đồng xa nên hai ông phải mang theo cả lều chõng để ngủ qua đêm ở cánh đồng. "Cái vất vả của nghề này khó mà nói ra hết được. Ăn cùng vịt, ở cùng vịt, ngủ cùng vịt. Nhiều đêm mưa gió chúng tôi cũng phải ở lại đồng để trông nom đàn vịt. Có những hôm mưa to quá không về nhà lấy cơm được, hai ông bạn già phải nhịn đói đến hôm sau. Cả đêm trong lều ướt lạnh, đói, không ngủ được, đành thức nói chuyện để chờ trời sáng".
Bấp bênh
Theo ông Trọng, nuôi vịt chạy đồng tiết kiệm được khoảng 20% chi phí so với nuôi công nghiệp, nhưng lắm rủi ro. Khó nhất là giai đoạn 20 ngày tuổi do vịt còn nhỏ, sức đề kháng kém nên dễ sinh bệnh rồi chết. Ngoài ra, do chăn số lượng lớn trên cánh đồng rộng nên vịt dễ bị thất lạc. Để hạn chế tối đa thất thoát, trước khi lùa vịt về, người nuôi phải kiểm tra "quân số". Kết thúc vụ vịt chạy đồng, nếu tổng đàn 2.000 con mà xuất chuồng được 1.800 con thì coi như đã thành công.
Chỉ khi đàn vịt đã ăn no, xuống sông gần đó để rỉa lông, rỉa cánh thì ông Bình, ông Trọng được tạm nghỉ ngơi, uống cốc nước chè tươi, rít điếu thuốc lào. "Vịt chỉ kiếm ăn khi trời mát nên phải chăn vào sáng sớm và chiều muộn. Những hôm nắng nóng từ 39 - 40 độ, nếu không nhanh chóng cho vịt tắm mát hoặc nghỉ ngơi ở bóng râm, chúng dễ lăn ra chết lắm", ông Bình nói. "Vụ vịt chạy đồng năm kia, chỉ độ 3 hôm nữa là được bán, nhưng do chúng tôi chủ quan nên cả đàn gần 2.000 con vịt chết sạch, thiệt hại hơn 70 triệu đồng", ông Trọng tiếp lời.
Giây phút thảnh thơi hiếm hoi của những người chăn vịt thả đồng
Tuy vất vả, phải chịu cảnh ăn bờ, ngủ bụi, lăn lóc với gió, với mưa song điều lo sợ nhất của người nuôi vịt chạy đồng không phải là những hiểm nguy giữa đồng không mông quạnh, mà họ sợ giá cả bấp bênh.
Vịt nuôi chạy đồng thường là giống vịt cỏ hoặc vịt lai, có sức đề kháng cao và nhanh nhẹn. Vận động nhiều nên trọng lượng của vịt chạy đồng không lớn như một số giống vịt khác nhưng thịt lại săn chắc, thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Do là thực phẩm sạch, những năm trước, vịt chạy đồng được thị trường ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định. Nhưng năm nay, giá vịt xuống thấp nên vịt chạy đồng tiêu thụ kém. Người nuôi vịt thấp thỏm như ngồi trên đống lửa.
- Chăn vịt chạy đồng vất vả như vậy, thu nhập của các chú có ổn định không?-tôi hỏi.
- Thu nhập ổn định. Nhưng đấy là chuyện của những năm trước rồi. Còn năm nay, giá vịt giảm một nửa so với năm ngoái, nuôi vịt chạy đồng như chúng tôi còn lỗ ít chứ những người nuôi công nghiệp lỗ nhiều lắm- ông Trọng ngán ngẩm lắc đầu.
Được biết những năm trước, vịt chạy đồng chỉ bán đến giá 37.000 đồng/kg thì người nuôi đã lãi khoảng 22.000 đồng/con (trọng lượng trung bình 2,5 kg/con). Hiện nay, giá vịt giảm sâu chỉ còn từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí nuôi 1 con vịt chạy đồng vẫn mất gần 70.000 đồng, bao gồm tiền cám nuôi vỗ giai đoạn đầu, giống, thuốc thú y... Với mức giá này, người nuôi lỗ từ 13.000 - 15.000 đồng/con.
Ngày nay nhiều người cũng không còn nuôi vịt chạy đồng nữa do rất khó cạnh tranh được với vịt nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Bởi vịt nuôi công nghiệp chỉ nhốt khoảng 60 ngày là xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 3,5 kg/con trở lên, trong khi vịt đồng phải mất tới gần 70 ngày, thậm chí lâu hơn nữa nhưng trọng lượng cũng chỉ đạt từ 2 - 2,5 kg/con.
Nhưng với những người ít vốn như ông Bình, ông Trọng thì không còn cách nào hơn là bám trụ với nghề nuôi vịt thả đồng. Dọc theo những con đường đồng trải dài, không khó để nhận ra những lều ươm vịt thả đồng. Đâu đó giữa những cánh đồng trơ trụi là bóng dáng của người nông dân với lỉnh kỉnh đồ đạc lầm lũi đi theo đàn vịt. Với họ, nuôi vịt chạy đồng không chỉ là kế sinh nhai mà còn như cái nghiệp.
TRẦN HIỀN
Thời điểm từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, khi những cánh đồng lúa đã thu hoạch xong, người nuôi vịt thả đồng thường thả để vịt tận dụng thóc rơi vãi làm thức ăn. Các xã nuôi nhiều vịt chạy đồng là Hồng Quang, Tân Trào, Ngô Quyền (Thanh Miện), Kim Xuyên (Kim Thành), Bình Xuyên (Bình Giang)...