Các môn thể thao dưới nước: Mỏi mắt tìm vận động viên kế cận

Trong nước - Ngày đăng : 09:02, 13/06/2017

Bản thân nhiều người rất muốn cho con theo học lớp năng khiếu thể thao nhưng vì nghe theo lời khuyên từ giáo viên nhà trường nên đã từ bỏ ý định...



Việc tuyển chọn các vận động viên cho môn thể thao dưới nước gặp nhiều khó khăn


Mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt khoảng 30 ngày, các huấn luyện viên của Trung tâm Thể thao dưới nước (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại lên đường về các vùng quê để tìm kiếm lớp vận động viên kế cận. Hành trình của họ cũng lắm gian truân nhưng hiệu quả nhiều khi không như mong đợi.

Rong ruổi khắp nơi

Hằng năm, cứ vào thời điểm giữa và cuối năm học, các cán bộ, huấn luyện viên (HLV) Trung tâm Thể thao dưới nước lại lên đường đi tuyển mộ lớp vận động viên (VĐV) kế cận cho môn đua thuyền canoeing, rowing. Họ chia nhau thành từng nhóm đến tất cả các trường THCS trong tỉnh để tìm kiếm những học sinh có chiều cao tiêu chuẩn (nữ cao tối thiểu 1m65 trở lên, nam cao 1m72 trở lên) để sơ tuyển. Riêng với môn đua thuyền rowing, đòi hỏi VĐV phải có tầm vóc cao hơn (1m75 trở lên) nên HLV còn phải sang các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái… thậm chí vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm chọn người.

Ngoài 2 đợt “tuyển trạch” nêu trên, các HLV môn thể thao dưới nước còn nhờ người thân, bạn bè ở khắp nơi tìm hộ những học sinh có thể hình đẹp, cao lớn. Chỉ cần nhận được điện thoại thông báo là họ sẽ tranh thủ về tiếp cận, lấy thông tin. Một số HLV không ngần ngại hủy cả kỳ nghỉ lễ hoặc những ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ bên gia đình để rong ruổi khắp nơi tìm kiếm VĐV. Những chuyến đi như vậy, họ phải tự bỏ tiền túi lo tiền ăn, xăng xe. Gặp được học sinh ưng ý, các HLV còn phải vất vả chờ đợi, nhiều khi đến tận 20 - 21 giờ mới tiếp cận được phụ huynh để xin ý kiến vì họ bận đi làm.

Vất vả là vậy nhưng hiệu quả nhiều khi lại không được như mong muốn. Mặc dù đi nhiều nơi nhưng số lượng VĐV tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng là nguyên nhân khiến môn đua thuyền rowing từ năm 2010 đến nay luôn thiếu hụt khoảng 5 - 9 VĐV so với chỉ tiêu. Môn canoeing tuy số lượng đủ nhưng chất lượng chưa thực sự tốt, nhất là nhóm các VĐV nữ. Mấy năm nay, đội tuyển đua thuyền nữ của tỉnh ta không mạnh như những năm trước.

"Có giáo viên thể chất còn yêu cầu được bồi dưỡng nếu tuyển được học sinh của họ. Nếu chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu thì họ sẽ khuyên phụ huynh không cho con theo học lớp năng khiếu
thể thao."


HLV canoeing Lê Thị Vân cho biết ngày trước do kinh tế khó khăn nên nhiều phụ huynh muốn cho con theo học các lớp năng khiếu thể thao để có cơ hội phát huy khả năng của bản thân, gia đình cũng đỡ phải vất vả lo nuôi ăn học. Bây giờ, điều kiện kinh tế của các gia đình đã khá giả hơn, ngay cả những hộ khó khăn cũng vay vốn cho con theo học ở trường cao đẳng, đại học hoặc trường nghề để sau này có công việc và thu nhập ổn định. Việc cho con theo các lớp năng khiếu thể thao gần như chỉ là phương án dự bị. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc tuyển chọn lớp VĐV kế cận của môn thể thao dưới nước gặp khó khăn.

Bị tác động từ nhiều phía

Theo các HLV của Trung tâm Thể thao dưới nước, đại đa số nhà trường đều tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ trong quá trình tìm kiếm, tuyển chọn VĐV. Thế nhưng cũng có một số trường không đồng ý với lý do trường ít học sinh, không muốn sĩ số bị thiếu hụt, xáo trộn. Có những VĐV giàu tiềm năng nhưng khi muốn làm thủ tục chuyển trường từ huyện lên TP Hải Dương lại không được tạo điều kiện.

Đa số phụ huynh bị tác động và thường nghe theo ý kiến của nhà trường. Bản thân nhiều người rất muốn cho con theo học lớp năng khiếu thể thao nhưng vì nghe theo lời khuyên từ giáo viên nhà trường nên đã từ bỏ ý định. Vì thế mới có chuyện một số trường hợp phụ huynh đã đồng ý cho con vào học tại Trung tâm Thể thao dưới nước nhưng sau đó vài ngày lại thay đổi ý định. Chị Trần Thị Kim Oanh, HLV môn đua thuyền rowing kể: “Năm 2016, tôi rất vất vả mới tìm được 1 VĐV nữ ở tỉnh Yên Bái. Trong 1 tháng ròng, tôi phải nuôi em ăn ở, tập luyện. Nhưng đến khi chuẩn bị ký hợp đồng thì em lại nằng nặc đòi bỏ về”.

Giáo viên thể chất ở một số trường cũng gây khó dễ cho các HLV trong quá trình tuyển chọn VĐV. Nhiều trường hợp là người nhà, bạn bè của HLV ở các trung tâm thể thao ngoài tỉnh. Họ am hiểu tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV nên khi thấy nhà trường có học sinh tiềm năng liền gọi điện cho HLV ở các trung tâm đó về “hớt tay trên”. Với mỗi trường hợp giới thiệu được, họ sẽ nhận được tiền bồi dưỡng 1 - 2 triệu đồng. Một HLV ở Trung tâm Thể thao dưới nước cho biết: “Có giáo viên thể chất còn yêu cầu được bồi dưỡng nếu tuyển được học sinh của họ. Nếu chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu thì họ sẽ khuyên phụ huynh không cho con theo học lớp năng khiếu thể thao hoặc giới thiệu học sinh cho các trung tâm khác để có tiền bồi dưỡng”.

Việc tìm kiếm, tuyển chọn lớp VĐV môn thể thao dưới nước đang gặp nhiều khó khăn. Nếu không được tháo gỡ kịp thời thì e rằng trong tương lai môn thể thao luôn gặt hái được nhiều thành tích cao của tỉnh ta sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

BÌNH MINH