Bộ trưởng có biết nông dân nghĩ gì về bộ trưởng không?
Tin tức - Ngày đăng : 14:29, 13/06/2017
Ông Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trong phiên Quốc hội đang diễn ra.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13.6 - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng 13.6
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng được yêu cầu giải trình thêm. Nói về vấn đề tiêu thụ nông sản - vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp, và tình trạng được mùa rớt giá gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, ông nói: "Tôi rất chia sẻ với bà con nông dân, ví dụ như tình trạng giá thịt lợn rớt trong thời gian qua". Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân của việc ngành nông nghiệp thời gian qua sức cạnh tranh còn thấp là chất lượng quy hoạch, sản xuất không gắn với nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm lớn như cà phê, hồ tiêu đều vượt nhu cầu thị trường rất lớn. "Quy hoạch không đúng thực tế, không phù hợp với thị trường, nhưng điều chỉnh quy hoạch lại chậm, không kịp thời. Đã thế tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, ngoài quy hoạch diễn ra khá phổ biến, ví dụ như cây cao su vượt quy hoạch hàng chục ngàn ha", Phó thủ tướng nói. Tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng còn manh mún, quy mô vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình. Công tác phát triển thị trường còn hạn chế, các thị trường chính vẫn thiếu tính ổn định. "Ví dụ chúng ta xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, khi họ hạn chế nhập khẩu thì như một cái phanh, chúng ta bị ùn ứ lại", ông Trịnh Đình Dũng nói. Theo Phó Thủ tướng, giải pháp là hình thành các vùng sản xuất lớn, gắn với thị trường trong nước, quốc tế và gắn với xây dựng thương hiệu. "Như vậy thì cần phải thay đổi chính sách hạn điền. Nền nông nghiệp cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa, sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng phải tốt hơn. Hình thành các hợp tác xã để liên kết sản xuất. Những người nông dân còn khó khăn phải được hỗ trợ sản xuất, tiếp cận vốn và công nghệ", Phó thủ tướng phân tích. "Cuối cùng cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới trong tái cơ cấu sản xuất, định hướng nền nông nghiệp công nghệ cao".Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham gia giải trình
11h13
Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) tranh luận |
Liên quan đến chuyện tàu thép nằm bờ, đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) tranh luận: Địa phương đang làm những việc bộ chỉ đạo rồi, nhưng các doanh nghiệp đóng tàu đó là do bộ giới thiệu cho địa phương. Vậy trách nhiệm của bộ ở đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định tới đây sau khi có kết luận về nguyên nhân cụ thể thì sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm.
"Đây là chủ trương lớn, nếu có vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện, với tổ chức nào, cá nhân nào, ở khâu nào sẽ xử lý nghiêm", bộ trưởng khẳng định.
11h06
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: "Trước hết phải nói rằng người nông dân không chỉ trông chờ mỗi bộ trưởng, mà họ trông chờ cả hệ thống của chúng ta".
Nhân đó, ông gửi lời cảm ơn vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng với bà con làm được một số việc.
"Thế còn ông bộ trưởng thì ông phải quyết tâm làm tốt, liên kết tốt đi, chỉ đạo cho tốt trong lĩnh vực của mình…", bộ trưởng Cường nói.
Không hài lòng, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận ngay sau phần trả lời của ông Cường: "Tôi chia sẻ với bộ trưởng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Nhưng hôm nay Quốc hội chất vấn bộ trưởng, tôi muốn hỏi bộ trưởng về trách nhiệm của mình chứ không phải nói cả hệ thống chính trị".
Bà Tâm phân tích: "Tôi gặp rất nhiều bà con và có cảm nhận là chúng ta đang ứng xử với nông dân, nông thôn, nông nghiệp theo kiểu cái gì dễ thì làm. Không chỉ bộ trưởng Nông nghiệp mà các bộ trưởng khác cũng vậy, chưa thật sự có giải pháp đột phá.
Tôi xem truyền hình thấy có thứ trưởng bộ Nông nghiệp trả lời rằng sản phẩm dư thừa là do bà con nông dân cứ thấy cái gì lợi là làm. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm, bởi bà con thấy lợi là làm là đúng rồi, còn trách nhiệm của bộ ở đây như thế nào?"
10h48
Trả lời đại biểu Kim Bé, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết vừa qua tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có tăng, nhưng so với các khu vực khác thì còn ít.
"Nguyên nhân là chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp chưa đủ khuyến khích. Vừa qua trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp chỉ đạo rà soát các chính sách từ tín dụng, đất đai", bộ trưởng nói.
"Đặc biệt là chính sách về đất đai, Bộ Nông nghiệp đã kiến nghị 6 vấn đề. Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội tiến hành sửa đổi các quy định của luật, làm sao để kêu gọi doanh nghiệp vào tạo ra được vùng sản xuất lớn".
10h42
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Thực trạng được mùa mất giá là nỗi lo thường trực trong cuộc sống người nông dân. Để giải quyết vấn đề này có vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức, của nhà nước, và vai trò của nhà nước là rất lớn.
"Vừa qua cứ khi xảy ra chuyện, như dư thừa thịt lợn, thì doanh nghiệp bỏ chạy. Xin Bộ trưởng cho biết vai trò của nhà nước như thế nào để giữ chân doanh nghiệp trong những tình huống này?", đại biểu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhận định sức cạnh tranh của nông nghiệp chưa cao, sản xuất chưa gắn với tiêu thụ, nhiều chính sách chưa đi vào đời sống.
Bà Tâm hỏi bộ trưởng Nông nghiệp: "Người nông dân VN rất chăm chỉ, cần cù nhưng cuộc sống vẫn vất vả. Bộ trưởng có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của bộ trưởng không? Bộ trưởng có biết người nông dân đang mong muốn bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình không?
10h35
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) tranh luận |
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) tranh luận: "Tôi rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch, gắn với thị trường và quy mô dân số của chúng ta. Tôi thấy rằng quy hoạch phải có tính giao thoa giữa quy hoạch ngành với quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương.
Nếu không làm tốt vấn đề này thì không thể có quy hoạch chuẩn, hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi. Vừa rồi thảo luận dự án Luật Quy hoạch cũng vậy, chúng tôi chưa thấy rõ vai trò của quy hoạch ngành. Tôi và đông đảo cử tri đề nghị Bộ trưởng quan tâm thích đáng đến vấn đề này và có giải pháp".
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) tranh luận |
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng tranh luận, trước hết là với đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội): Tỉ lệ đóng góp của các nhà khoa học trong phát triển nông nghiệp là rất đáng kể.
Tranh luận với bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, ông Tiến nói không đồng ý với trả lời của bộ trưởng về tạm nhập tái xuất.
"Bộ trưởng nói là tạm nhập tái xuất thịt lợn không ảnh hưởng nhiều là không đúng. Nếu không ảnh hưởng nhiều thì tại sao Thủ tướng lại phải ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại, có biện pháp để hạn chế. Tôi cho rằng chính sách tạm nhập tái xuất ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp".
10h27
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) về việc "thuỷ, hải sản xuất khẩu bị trả lại thì có đem bán cho thị trường trong nước không", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: Khâu xuất khẩu thì chúng ta phải giám sát chặt chẽ.
"Vừa qua tỷ lệ hàng đã xuất đi bị trả lại là rất ít. Các thị trường của chúng ta họ đều yêu cầu rất khắt khe. Thế còn xuất khẩu bị trả lại về nguyên tắc chung là không cho bán thị trường trong nước", bộ trưởng khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời thêm cho câu hỏi này bằng văn bản.
Về tiềm năng sản xuất thuỷ sản, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định VN còn dư địa, nhưng đúng như đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề cập, nếu không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
"Chính vì vậy chúng ta phải thực hiện nghiêm quy hoạch, tiến hành sản xuất theo chuỗi. Chúng ta không thể phát triển sản xuất mà ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến du lịch, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm", ông Cường nói.
10h21
Trả lời chuyện tàu thép nằm bờ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: Về đội tàu đánh bắt xa bờ, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện.
"Cho đến nay, trên cả nước có 235 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện đóng tàu. Đến giờ phút này đã đóng được 666 tàu, trong đó có 297 tàu sắt công suất lớn, phục vụ vươn khơi. Nhìn chung các chuyến ra khơi, theo bà con nhận xét, các tỉnh báo cáo về là phát huy được hiệu quả, đảm bảo an toàn", bộ trưởng Cường nói.
Ông nêu nhiều ví dụ ngư dân ở Nam Định, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa – Vùng Tàu đều báo về là làm ăn có lãi khi có tàu mới.
"Tuy nhiên đã xuất hiện có tàu hư hỏng ở Bình Định, Phú Yên. Bình Định có 19 chiếc hỏng. Khi phát hiện thì bộ đã ra các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Bình Định đã mời ngư dân và 2 đơn vị đòng tàu để đối chất, làm rõ vấn đề", bộ trưởng cho biết.
"Số 19 tàu hỏng ở Bình Định thuộc hai công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu. Bộ đã yêu cầu hai công ty này không được đóng mới nữa, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, hỏng sắt thì phải đóng lại sắt đúng chủng loại…"
Theo ông Cường, địa phương cũng đã thành lập cơ quan thẩm định độc lập, cả chuyên gia độc lập, đánh giá xem 19 tàu hỏng hóc như vậy nguyên nhân cụ thể là gì.
"Tỉnh cũng đã mời công an vào cuộc. Chúng tôi chờ đợi kết quả này và sẽ có các phương án tiếp theo", ông Nguyễn Xuân Cường nói.
10h18
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13-6 - Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời rằng trong phát triển ngành tôm, VN có lợi thế.
"Trên thế giới có 7 tỉ người thì không có quốc gia nào là không ăn tôm. Như vậy, dư địa phát triển là có. VN có vùng đồng bằng sông Cửu Long có mặt nước, nhất là vùng nước mặn có lợi thế nuôi tôm. Chúng ta có vùng duyên hải, khí hậu ấm, thuận lợi để nuôi tôm", bộ trưởng nói.
"Đến nay chúng ta có khoảng 300 doanh nghiệp có kinh nghiệm. Hiện nay chúng ta đã nuôi tôm giá trị mỗi năm 4 tỉ USD. Đó là những cơ sở để xây dựng chiến lược đến năm 2020 và 2025".
Theo bộ trưởng, vấn đề lớn nhất của ngành tôm hiện nay là làm sao để nông dân, doanh nghiệp liên kết lại, phối hợp với nhau, chứ để manh mún, xé lẻ, ô nhiễm môi trường...
"Chúng tôi cũng đã giao cho các viện nghiên cứu giải quyết cho được vấn đề con tôm giống, phải chủ động. Thủ tướng đã phê duyệt khu công nghệ cao về tôm ở Bạc Liêu, rộng khoảng 400ha. Tại đây chúng ta sẽ nghiên cứu, chuyển giao những kỹ thuật, con giống, quy trình sản xuất".
10h04
Số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sẽ ưu tiên cho các đại biểu tranh luận những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng, trong khi cố gắng đảm bảo các đại biểu đều được phát biểu.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) chất vấn: Tại hội nghị phát triển ngành tôm do Thủ tướng chủ trì đã đặt mục tiêu hướng tới phát triển ngành tôm mạnh, đạt doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2025, xin bộ trưởng cho biết giải pháp?
Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt vấn đề: Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng, ra khơi được một vài chuyến đã hỏng, có những tàu phải nằm bờ, để lại nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
"Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?", đại biểu hỏi.
09h46
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh được yêu cầu "chia lửa" trong câu chuyện "giải cứu thịt heo" |
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh được yêu cầu "chia lửa" trong câu chuyện "giải cứu thịt heo". Bộ trưởng Tuấn Anh nói: Quy hoạch phải gắn theo nhu cầu thị trường.
"Nuôi lợn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, chỉ có thể tiếp tục phát triển nếu làm tốt công tác thị trường. Thị trường cho mặt hàng này còn nhiều tồn tại. Ngoài thủ tục hành chính thì câu chuyện mở cửa thị trường còn là về thương mại, thuế suất.
Làm tốt khâu đầu giảm thiểu thuế quan nhập khẩu về 0%, sẽ có dư địa để xuất khẩu thịt lợn. Năm 2016 có 4 đoàn bộ Công thương, Nông nghiệp triển khai các hoạt động, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc".
Ông Trần Tuấn Anh cho biết hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc là ta phải tuyên bố vùng chăn nuôi ở Việt Nam không có dịch lở mồm long móng.
Với Trung Quốc, không chỉ thịt lợn mà thuỷ sản, thực phẩm của VN cũng đang xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không bền vững. Do đó khó hạn chế được việc tạm nhập tái xuất.
Giá cũng phải cạnh tranh, theo bộ trưởng. Với 10,6 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, giá thịt lợn của Việt Nam hiện đang cao hơn ở Mỹ và một số quốc gia khác nếu nhập khẩu vào Việt Nam.
09h34
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Dương Tuấn, bộ trưởng Cường nói: "Chúng tôi không nói là chúng tôi làm tốt hết. Một đoàn tàu có ba khoang, chúng tôi mới làm tốt được một khoang, hai khoang còn lại yếu kém thì trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp chứ không đổ cho ai.
Khoang thứ nhất là khoang sản xuất, nó là con giống, là thức ăn. Khoang thứ hai là chế biến và tổ chức thị trường làm rất kém, đây không nói là "ông Công thương" mà tôi nói về nông nghiệp trong phối hợp, rồi phát hiện, đề xuất, cảnh báo.
Nhưng ngay ở nước Bỉ họ có GDP 500 tỉ USD, có 3% dân số làm nông nghiệp, vậy mà họ vẫn có khủng hoảng thừa… Cho nên chúng ta phải cố gắng để tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, chế biến.
Ví dụ, tổng đàn lợn hiện nay 4,2 con lợn nái là quá thừa. Chúng tôi có kế hoạch giảm từ nay đến cuối năm 2019 xuống còn 4 triệu con.
Thứ hai, 23 triệu tấn cám công nghiệp cũng quá thừa rồi. Chúng tôi thông báo yêu cầu các tỉnh là không cho phát triển nữa, chuyển một phần sản xuất sang cám truyền thống để chăn nuôi truyền thống, giảm nhập nguyên liệu về làm cám công nghiệp. Tổ chức lại sản xuất.
Tất cả các doanh nghiệp lớn nay mai chúng tôi sẽ yêu cầu: đã sản xuất là phải chế biến".
09h20
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng giơ biển tranh luận tiếp chuyện "giải cứu heo" |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về nhận biết các chất nhiễm độc như asen, chì trong đất, nước trồng cây. Cũng như giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo bộ trưởng, xử lý môi trường cho nền nông nghiệp sạch là vấn đề rất lớn. Ví dụ ở khu vực Hà Nội, các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Nhuệ… đều ô nhiễm nặng. Nếu muốn có nền nông nghiệp sạch thì môi trường phải sạch. Tới đây phải bàn cách căn cơ để tháo gỡ.
Với câu hỏi đất nước có hàng ngàn tiến sĩ ngành nông nghiệp, các nghiên cứu của họ có ứng dụng được không, bộ trưởng nhấn mạnh đến quan hệ giữa nhà khoa học và nông dân trong chủ trương liên kết bốn nhà.
"Thời gian qua đã có nhiều nhà khoa học kết hợp với nông dân, có những ứng dụng rất tốt. Chúng tôi mong muốn mời đại biểu Nguyễn Chiến phối hợp với chúng tôi để giúp cho mối quan hệ bốn nhà thật tốt", ông Cường nói.
09h13
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) giơ biển tranh luận |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận: "Tôi thấy bộ trưởng trả lời đại biểu Sơn về căn cứ lập quy hoạch nhưng chưa thuyết phục. Trong việc giải cứu đàn lợn tôi thấy vắng bóng vai trò của quản lý nhà nước.
Nếu quy hoạch lập ra có căn cứ, tiêu chí phù hợp với giai đoạn đó, khi thị trường thay đổi thì vai trò của quản lý nhà nước như thế nào trong việc cung cấp thông tin, định hướng sản xuất.
Bộ trưởng nói bây giờ phải có nhà sản xuất thông minh, còn cử tri thì nói rằng phải có nhà quản lý thông minh.
Có câu hỏi là ngoài lợn thì giải cứu gì nữa? Tôi nghĩ là cây cao su đang cần giải cứu, rồi cam, quýt, bưởi khả năng cũng phải giải cứu nữa.
09h09
Đại biểu Nguyễn Chiến đặt câu hỏi |
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) muốn biết hàng chục nghìn luận văn, luận án tiến sĩ, thạc sĩ trong ngành nông nghiệp đang ở đâu, được áp dụng như thế nào.
Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre): "Xin bộ trưởng cho biết từ nay đến năm 2018 thì trong lĩnh vực bộ trưởng quản lý thì có thêm mặt hàng nào phải kêu gọi tổ chức, người dân giải cứu như hành tím, dưa hấu, thịt heo? Đề nghị bộ trưởng cho biết mặt hàng nào sẽ xảy ra tình trạng như vậy để người dân còn biết mà tránh?"
08h59
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam còn rất kém về việc mở thị trường, trang bị kỹ năng hội nhập thị trường chưa tốt. Trách nhiệm này có phần của ngành nông nghiệp.
Nhưng bộ trưởng lạc quan nhận định rằng giống bản địa cây, con của VN là rất tốt và có thể phát huy.
08h54
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13.6 |
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) về việc quy hoạch đàn lợn, dẫn đến thừa thịt lợn, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là tăng trưởng quá nhanh, riêng thịt đã tăng từ 3,4 lên 5,6 triệu tấn, sữa tăng 15 lần trong 10 năm qua.
Như vậy, nguyên nhân là do khối lượng khổng lồ tăng trong thời gian ngắn. Riêng về lợn tăng còn nhanh hơn nữa. Riêng về lợn, ngoài việc tăng đột biến thì “rổ thực phẩm” có sự thay đổi. Trước đây thịt lợn là thực phẩm chủ yếu nhưng nay có nhiều thứ khác, dẫn tới cung lớn hơn cầu.
Thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, có tới 3 triệu hộ chăn nuôi, vẫn phải duy trì vì nông dân không chăn nuôi thì không biết làm gì. Nhưng cần phải co lại để tổ chức tốt hơn.
Cho đến lúc này khâu liên kết chỉ được 20%, còn lại là rất kém, các doanh nghiệp chế biến sâu rất ít. 90% là tiêu thụ theo kiểu truyền thống.
Hiện nay chỉ mới xuất khẩu được lợn sữa, mỗi năm 20 ngàn tấn, còn lợn thịt chủ yếu xuất qua Trung Quốc.
Như vậy có ba khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường thì hai khâu sau rất yếu. Từ đây dẫn tới thịt lợn dồn ứ như vừa qua.
08h49
Đang bán ở chợ nhà, đang làm để ăn mà ra được thị trường thế giới, để hội nhập là không đơn giản, đặt ra nhiều vấn đề về sản xuất chế biến, đầu tư, quản lý..., theo bộ trưởng Cường, đó là nguyên do trong một thời gian ngắn nữa, ngành nông nghiệp khó tránh khỏi những bất cập.
08h46 Bộ trưởng Cường khẳng định không có “cơ chế xin cho” trong việc hỗ trợ này, bất cứ nơi nào cần đầu tư, có hiệu quả đều được quan tâm. "Không có rào cản nào cả, các bộ luôn sẵn sàng vào cuộc", bộ trưởng khẳng định.
Trả lời đại biểu Ngọc Hạnh về gói tín dụng, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp có mục tiêu nòng cốt là đưa công nghệ cao vào và Thủ tướng xác định cần gói 100 ngàn tỉ đồng để thúc đẩy.
"Sau khi có chủ trương này, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước triển khai tinh thần này. Bộ đã hình thành các bộ tiêu chí đánh giá để hướng vào những phân khúc sản xuất mà có thị trường tiềm năng", bộ trưởng nói.
"Hiện nay Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo 8 ngân hàng thương mại với 120 ngàn tỉ đưa vào gói này. Đã giải ngân được trên 30 ngàn tỉ cho các dự án, cho các khu vực sản xuất... Tuy nhiên, tài sản hình thành trên đất chưa được hoàn thiện tư cách pháp lý để trở thành tài sản thế chấp, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các bộ khác xử lý vấn đề này".
08h41
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng trong 8 giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp thì chủ yếu chỉ có đẩy mạnh, rà soát, tăng cường...
"Đây có phải là giải pháp? Liệu có thể coi câu chữ đó là giải pháp? Liệu người nông dân ngoài việc phụ thuộc vào 'ông trời thứ nhất' là thời tiết, sẽ không bị phụ thuộc vào 'ông trời' thứ hai là giá cá lên xuống đỏng đảnh?", bà Thúy đặt câu hỏi.
08h38
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đặt câu hỏi đầu tiên: Việc triển khai gói tín dụng ưu đãi rất khó khăn, các HTX khó tiếp cận được vốn? Bộ trưởng có kế hoạch gì để tháo gỡ.
Thứ hai là vấn đề được mùa mất giá giá, Bộ trưởng có đề xuất gì để giải bài toán này?
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi căn cứ vào đâu Bộ NN&PTNT quy hoạch ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn năm 2015 là 32 triệu con. Nhưng năm 2015 mới đạt 27 triệu, 2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa, giá cả xuống, thua lỗ nặng.
Đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm.
08h34
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường bắt đầu trả lời chất vấn, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trước khi nhận các câu hỏi ông Nguyễn Xuân Cường đã dành 3 phút để thông tin thêm tình hình lĩnh vực đến ĐBQH.
Ông Cường cho rằng ngành nông nghiệp VN vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, dễ bị tổn thương bởi tác động khí hậu. Đặc biệt việc hội nhập cũng là thách thức không nhỏ với nông nghiệp VN trong giai đoạn đầu. Chính vì thế tái cơ cấu nông nghiệp là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định trách nhiệm chính việc tái cơ cấu thuộc về Bộ NN&PTNT nhưng tất cả các bộ ngành, thành phần xã hội cũng đều có trách nhiệm phải tham gia cùng.
Cá nhân ông nhận thức phiên chất vấn này là cơ hội để tiếp thu những đóng góp, hiến kế cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung.
Theo Tuổi trẻ