Nợ tiền bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp trục lợi

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:06, 14/06/2017

Thời gian qua, tình trạng nợ đọng, chậm đóng tiền BHXH trên địa bàn tỉnh diễn ra nghiêm trọng. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đọng để trục lợi.



Công ty TNHH Sợi Vĩ Sơn (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) hiện nợ hơn 1,3 tỷ đồng tiền bảo hiểm


Chây ì

Theo BHXH tỉnh, đến hết tháng 5, trên địa bàn tỉnh có 2.669 đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tổng số gần 142 tỷ đồng. Trong đó, có 1.208 đơn vị chậm đóng, 892 đơn vị nợ đọng, 441 đơn vị nợ kéo dài và 128 đơn vị nợ khó thu.

Nhiều đơn vị cố tình chây ì, dây dưa, không đóng tiền BHXH cho người lao động (NLĐ). Điển hình như Công ty CP Dệt, may Hoàng Lâm (Cẩm Giàng) nợ 29 tháng với số tiền gần 202 triệu đồng, Công ty TNHH Thanh Bình (TP Hải Dương) nợ 18 tháng với số tiền hơn 334 triệu đồng, Công ty TNHH May và Thương mại Phương Nam (Kim Thành) nợ 12 tháng hơn 114 triệu đồng. Nhiều đơn vị có số nợ lớn là Công ty TNHH Falcon Việt Nam (TP Hải Dương) hơn 3 tỷ đồng, Công ty TNHH SD Global (Cẩm Giàng) hơn 2,5 tỷ đồng, Công ty CP Bê tông ly tâm Vinaincon (Nam Sách) hơn 1,45 tỷ đồng, Công ty TNHH Sợi Vĩ Sơn (TP Hải Dương) hơn 1,3 tỷ đồng...

Các đơn vị này đều đã được đoàn thanh tra liên ngành và lãnh đạo, cán bộ BHXH tỉnh, huyện thường xuyên lập biên bản, đôn đốc và yêu cầu ký cam kết trả nợ nhưng hầu hết không thực hiện. Chẳng hạn, Công ty CP Bê tông ly tâm Vinaincon nợ 17 tháng hơn 1,45 tỷ đồng. Trong biên bản làm việc với đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh ngày 28.2.2017, công ty cam kết đóng số tiền nợ BHYT, BHTN năm 2016 và số phát sinh của năm 2017. Công ty sẽ đưa số nợ, số phát sinh BHXH ra bàn bạc tại Đại hội cổ đông trong tháng 3.2017 và có lộ trình trả nợ trước ngày 30.4.2017. Nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện theo cam kết.

Theo BHXH huyện Nam Sách, trong tháng 3.2017, Công ty CP Bê tông ly tâm Vinaincon trả 200 triệu đồng, tháng 4 trả 90 triệu đồng, tháng 5 trả hơn 54 triệu đồng (trong đó có hơn 44 triệu đồng phát sinh để giải quyết thủ tục cho 2 NLĐ nghỉ việc). Kiểu trả nợ nhỏ giọt, cố tình chây ì như doanh nghiệp này rất phổ biến.

Theo quy định hiện nay, hằng tháng, NLĐ trích 10,5% tiền lương để đóng các loại bảo hiểm (8% đóng BHXH, 1,5% đóng BHYT, 1% đóng BHTN). Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp các loại bảo hiểm cho NLĐ tương ứng với 22% tiền lương của họ (18% đóng BHXH, 3% đóng BHYT, 1% BHTN). Đối với những đơn vị có ít lao động thì số tiền đóng BHXH không nhiều nhưng những đơn vị có hàng trăm đến hàng nghìn lao động thì số tiền phải đóng rất lớn.

Ông Vũ Đức Khiên, Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh khẳng định: "Nợ BHXH là hình thức chiếm dụng, trục lợi quỹ BHXH. Hầu hết các đơn vị chưa quan tâm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ nên hằng tháng ngoài chi trả lương, nhiều chủ sử dụng lao động dùng số tiền đóng BHXH để chi trả các khoản khác như điện, nước, thuế..."

Cần chế tài đủ mạnh



Bảo hiểm Xã hội huyện Cẩm Giàng thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền chế độ, chính sách bảo hiểm
 đến chủ sử dụng lao động và người lao động


Tình trạng nợ tiền BHXH kéo dài ở các đơn vị có nhiều nguyên nhân. Nhiều đơn vị đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản. Nhiều đơn vị phụ thuộc vào đơn hàng, thời gian thanh quyết toán của đối tác hoặc chưa thu hồi được vốn. Ngoài những lý do khách quan trên, nhiều đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt nhưng vẫn cố tình nợ tiền BHXH.

Hiện nay, có nhiều quy định chế tài để xử lý những đơn vị cố tình nợ kéo dài, trốn đóng tiền BHXH cho NLĐ. Các cơ quan chức năng liên quan có quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động ra tòa nếu nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, sẽ tính lãi cao gấp 2 lần lãi suất ngân hàng nếu sau 30 ngày chủ sử dụng lao động không trả nợ BHXH.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Thắng, Phó Giám đốc BHXH TP Hải Dương, có những đơn vị không chấp hành nghiêm quyết định của tòa án nhưng không có chế tài đủ mạnh để xử lý sau đó. Nhiều đơn vị còn lợi dụng khe hở là sau 30 ngày mới tính lãi số tiền nợ BHXH nên cố tình nợ theo kiểu gối đầu.

Tình trạng nợ tiền BHXH gây nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, nhất là ở những đơn vị có thời gian nợ kéo dài sau đó phá sản, giải thể, không còn khả năng trả nợ BHXH. Trong thời gian chủ sử dụng lao động nợ các loại bảo hiểm, nếu NLĐ không may bị ốm đau, tai nạn, thai sản, những quyền lợi liên quan của họ sẽ không được cơ quan BHXH giải quyết. Khi NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ khó làm thủ tục hưởng BHTN. NLĐ đến tuổi nghỉ chế độ cũng sẽ rất thiệt thòi, nhất là họ luôn phải ở trong trạng thái lo âu, không yên tâm.

DANH TRUNG