Chàng trai có 'máu' thiện nguyện di truyền
Việc tử tế - Ngày đăng : 13:58, 18/06/2017
Dù chỉ mới 35 tuổi nhưng Nguyễn Văn Vẹn (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã có ngót nghét gần 15 năm gắn bó với công việc thiện nguyện.
Nguyễn Văn Vẹn (bìa trái) đến thăm và tặng quà cho một gia đình nghèo - Ảnh: Thành Nhơn
Bất kể giờ giấc, địa điểm, hễ ở đâu cần là anh sẵn sàng gác lại công việc còn dang dở, đến với người cần giúp đỡ.
Nói về việc làm của mình, Vẹn cười bảo: “Tôi chỉ đi xoa dịu nỗi đau cho người nghèo. Càng xoa dịu được nhiều hoàn cảnh đáng thương càng tốt”.
Hiểu hoàn cảnh từng người nghèo
Chúng tôi hẹn gặp Vẹn hôm anh đi trao gạo định kỳ hằng tháng cho người nghèo trên địa bàn TP Sa Đéc và các huyện lân cận. Xếp vội 35 phần quà gồm gạo, dầu ăn, nước tương... lên chiếc xe cấp cứu chuyên dụng của mình, Vẹn nhanh nhảu điều khiển vôlăng rồi dò theo danh sách các hộ nghèo đã viết sẵn trên giấy, tìm đến từng hoàn cảnh cụ thể để trao quà hỗ trợ.
Dừng xe trước một căn nhà tuềnh toàng, được bao bọc xung quanh bởi nhiều tấm bạt rách lỗ chỗ, Vẹn nói: “Dì Ba năm nay đã lớn tuổi nhưng vẫn phải cơ cực mưu sinh mỗi ngày để nuôi hai người con bị tâm thần. Lần đầu tiên nhìn thấy hoàn cảnh của dì, tôi đã không cầm được nước mắt. Dì Ba không biết xài tiền, mỗi lần hái được mớ rau, bắt được con cá là lại đem ra chợ bán. Người ta đưa bao nhiêu dì lấy bấy nhiêu”.
Thoáng thấy bóng dáng anh Vẹn, bà Ba vui mừng đến đón nhận phần quà của mình rồi cảm ơn ríu rít. Ánh mắt, cử chỉ của người phụ nữ lớn tuổi thể hiện sự cảm kích khôn xiết đối với Vẹn.
“Tôi nhận gạo của cháu Vẹn hơn ba năm nay rồi. Nhờ cháu Vẹn mà ba mẹ con không phải chạy gạo từng bữa như lúc trước nữa” - bà Ba nói.
Vừa rời khỏi nhà bà Ba, Vẹn lại đảo xe đến nhà của bà Văn Kim Giành tại TP Sa Đéc, người phụ nữ mù phải nuôi người em trai bị bệnh tâm thần.
Nói về hoàn cảnh bất hạnh này, Vẹn chậc lưỡi: “Có những việc phải tự bản thân ta tìm hiểu thì mới thấy hết những cơ cực, khốn khổ mà người nghèo phải chịu đựng”.
Đối với những người nghèo mà anh đến thăm, Vẹn có thể kể vanh vách tên tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh của họ. Anh nói: “Tìm hiểu phải kỹ thì mới có thể biết được người ta thiếu cái gì, cần cái gì”.
Thiện nguyện... di truyền
Sau một thời gian đi phát cháo từ thiện cho các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2013, Vẹn trở về Đồng Tháp, thực hiện việc thiện trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nói về lý do chọn Đồng Tháp sau thời gian dài lập nghiệp nơi xứ người, Vẹn thổ lộ: “Ai cũng tưởng Sa Đéc là đất phồn hoa đô hội nhưng thật sự không phải vậy. Đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh hết sức nghèo khó, những con người côi cút cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội”.
Vẹn bảo rằng “máu” thiện nguyện trong anh được người cha truyền sang. Ngày xưa, năm nào cha Vẹn cũng để dành lúa xay gạo tặng cho người nghèo. Khi gia đình khá giả, Vẹn tiếp quản công việc kinh doanh của cha rồi dùng tiền lời để xây nhà tình thương, bắc cầu giúp người dân vùng quê nghèo bớt cơ cực.
UBND TP Sa Đéc cho biết từ năm 2013 đến nay, Vẹn đã xây 10 căn nhà tình thương cũng như bắc hàng chục nhịp cầu tại địa phương. Đặc biệt mới đây, thấy nhiều gia đình bệnh nhân nghèo không kham nổi tiền xe chuyên chở, Vẹn đã bàn với vợ chung tay mua xe cấp cứu chuyên dụng hơn 700 triệu đồng để tự lái xe chuyển bệnh miễn phí cho người nghèo.
Hàng tháng, Vẹn đều móc tiền túi 20 triệu đồng để trả tiền xăng dầu cho chiếc xe cấp cứu. Anh cho biết: “Mỗi tháng tôi chuyển bệnh nhân hơn một chục người, đi khắp các tỉnh. Có lúc đang ăn cũng phải gác đũa để đi chuyển bệnh”.
Tâm sự với chúng tôi, Vẹn bảo rằng anh chỉ ước mình lúc nào cũng “chân cứng đá mềm” để được tiếp tục đi giúp đỡ những cuộc đời nghèo khổ bất hạnh ở xung quanh...
Với những việc làm giúp đỡ cộng đồng của mình, Vẹn được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng nhiều bằng khen về công tác xây dựng nông thôn mới.
Ông Lăng Minh Nhựt, phó chủ tịch UBND TP Sa Đéc, đánh giá Vẹn là mẫu thanh niên “tròn việc gia đình, tốt việc xã hội”. Ông cho rằng địa phương nào cũng cần những tấm gương như Vẹn để những thanh niên khác noi theo.
THÀNH NHƠN (Tuổi trẻ)