Nghề báo - những kỷ niệm khó quên

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 12:24, 21/06/2017

Đối với phóng viên, nhà báo, để có những đề tài hay, họ phải dấn thân, thậm chí nhiều khi gặp hiểm nguy để đưa tới bạn đọc những tác phẩm chất lượng...


Một chuyến đi theo gánh xiếc


Tháng 10.2016, chúng tôi đăng ký thực hiện bài viết “Chông chênh nghề xiếc”. Muốn được tận mắt chứng kiến việc mưu sinh của những nghệ sĩ xiếc ở nơi đất khách quê người, chúng tôi quyết định tìm đến xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) gặp đoàn nghệ thuật xiếc Thanh Xuân của xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) biểu diễn tại đây.

Chúng tôi rời TP Hải Dương lúc 8 giờ sáng. Sau hơn 6 giờ trên xe ô tô khách, chúng tôi mới đến nơi. Lúc ấy, trời đang mưa, vùng quê miền núi càng trở nên âm u, hiu quạnh. Địa điểm biểu diễn của đoàn là khuôn viên trụ sở xã Yên Lương. Chứng kiến việc chuẩn bị cho đêm diễn, chúng tôi mới thấy được những vất vả, khó khăn của họ. Các thành viên mỗi người một việc. Người đi quảng cáo, người dựng sân khấu, người chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, người chuẩn bị bữa tối... tất cả đều diễn ra nhịp nhàng, khẩn trương. Vất vả nhất là mấy anh em dựng sân khấu, trồng cột để quây bạt xung quanh khu vực biểu diễn. Tuy thời tiết dịu mát nhưng ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại.

Thật không may cho đoàn, khi tất cả mọi việc đã hoàn tất sẵn sàng cho giờ biểu diễn thì hầu như không có khán giả. Lùi lại thời gian biểu diễn gần 30 phút nhưng vẫn vắng khách, ông trưởng đoàn quyết định thông báo hoãn buổi diễn.

Chứng kiến sự chuẩn bị công phu nhưng cuối cùng lại “xôi hỏng bỏng không” của đoàn, chúng tôi thấy buồn cho những nghệ sĩ xiếc và hiểu hơn nỗi cực nhọc mà họ gặp trong việc mưu sinh và cố gắng duy trì một đặc sản văn hóa của xứ Đông. Chúng tôi còn được biết thêm để sống được bằng nghề, đoàn xiếc Thanh Xuân cũng như các đoàn xiếc khác của tỉnh phải tìm đến các vùng sâu, vùng xa. Họ thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro về tai nạn giao thông, sự sách nhiễu của nhiều địa phương. Dù vất vả và chấp nhận cuộc sống lang bạt nhưng thu nhập của họ không cao. Nhiều buổi biểu diễn bị lỗ nặng và không ít người phải bỏ nghề.

Chuyến đi thực tế đã giúp cho bài viết của chúng tôi chân thực, sống động hơn.

DANH TRUNG - phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội (Báo Hải Dương)


Nhà báo đi cầm đồ

Tôi còn nhớ lần đầu tiên mang chiếc xe máy - người bạn đường thân thiết gần 8 năm của tôi đi cầm đồ. Tôi đem xe máy đi cầm không phải vì thiếu tiền mà vì muốn có thực tế để viết bài "Góc khuất dịch vụ cầm đồ".

Chọn một tiệm cầm đồ đông khách ngay đầu phố Tuệ Tĩnh, nơi có nhiều tiệm cầm đồ nhất ở TP Hải Dương, tôi mạnh dạn dắt chiếc xe máy vào. Thấy tôi, một người đàn ông có khuôn mặt dữ dằn, chân tay xăm trổ chi chít hỏi như quát:

- Muốn cầm gì nói nhanh để tôi bảo bọn nó làm thủ tục cho.

Vì khá run và bất ngờ nên tôi trả lời lắp bắp:

- Em muốn cầm chiếc xe máy.

Cố nắm chặt bàn tay để trấn tĩnh, tôi lấy chiếc điện thoại ra khỏi túi để ghi âm rõ lời chủ quán. Sau đó tìm vị trí để chụp ảnh cho bài viết. Đây là việc khá khó khăn vì từ lúc nào, nhân viên của tiệm này luôn để ý tôi. Lấy lý do đợi bạn đến đón, tôi ngồi đợi để chờ thời cơ chụp ảnh. Đang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp thì một vị khách vừa bước vào quán nói lớn:

- Nhà báo mà cũng phải đi cầm đồ à?

Thấy vị khách nhắc đến hai từ “nhà báo”, chủ quán cầm đồ nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngờ. Tôi lập tức trả lời:
- Em cần tiền gấp nên phải đi cầm tạm chiếc xe máy.

Lúc này chủ tiệm cầm đồ đã bớt nghi nên vẫn đưa tiền cho tôi. Song tôi đã không dám chụp ảnh ở đây nữa. Rút kinh nghiệm mấy hôm sau tôi đem xe máy đi cầm ở thị trấn Cẩm Giàng để tránh gặp người quen và dễ dàng lấy tư liệu. Nhờ bài học từ tiệm cầm đồ ở Tuệ Tĩnh, tôi nhận ra rằng trước khi đi lấy tư liệu để viết bài, nhất là bài phóng sự, điều tra, phóng viên cần có kế hoạch cụ thể, đặt ra các tình huống giả định để có phương án xử lý phù hợp.

LAN ANH - phóng viên Phòng Kinh tế (Báo Hải Dương)