Mùa hoa khế

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:33, 25/06/2017



Thuỳ Mai trở lại đây đến lần thứ ba mà tay bảo vệ vẫn còn nhìn cô với cái nhìn đầy khó chịu: “Cô có vào thì cũng thế thôi. Có gì đâu mà điều với chả tra, phóng với chả sự. Rõ là phức tạp”. Lần trước khi Mai đến, bắt cô phải chờ đến mười phút rồi cuối cùng quay ra gã đánh thượt với cô một câu ra chiều cảm thông, lấy làm tiếc cho cô lắm: “Xin lỗi cô! Ban Giám đốc đang có cuộc họp quan trọng. Không gặp bây giờ được đâu. Mong cô thông cảm nhé!”. “Không sao, tôi đợi được. Họp xong rồi thì tôi vào được chứ anh?”. “Muốn gặp thì cô phải đặt một cái hẹn trước mới được. Ông ấy bảo tôi chuyển lời xin lỗi cô, hôm nay kín lịch rồi. Hẹn cô khi khác đi”.

Lần thứ hai, khi xe Mai vừa tắt máy, chưa kịp dựng chân chống xe cũng chưa cần phải giơ tấm thẻ nhà báo ra, anh ta đã nhớ ra Mai. Sau câu đầu đon đả chào khách, câu sau gã bảo: “Cô đến chậm một chút rồi. Giám đốc có việc đột xuất, vừa ra khỏi…”. “Thế còn Phó Giám đốc?”. “Ông ấy đang bận tiếp khách”. Lần này do nhờ sếp Huy Hùng của cô điện sang trước nên cô mới đang đứng đây. Nhà máy rộng mênh mông với diện tích hơn 80 ha, chuyên sản xuất, chuyển hóa quặng apatit thành phân bón. Riêng bãi thải đã chiếm 1/8 diện tích nhà máy. Trước mặt cô là một quả núi khổng lồ. Nếu như không đọc trước đơn thư từ bạn đọc, thoáng nhìn cô ngờ tưởng đó là núi than. Thật không thể tưởng tượng được, bãi chứa gyps của một nhà máy lớn như thế mà nằm phơi mình hiên ngang giữa đất trời không có gì che chắn, hệ thống cây xanh bao quanh thì quá mỏng, lác đác có vài cây làm cảnh gọi là. Chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài, chắc chắn sẽ làm cho khối chất thải từ đỉnh trên tràn xuống, rò rỉ và ngấm sâu vào nền đất rồi chảy ra sông ngòi, mương đầm bao quanh nhà máy. Cá của các hộ dân ở đây mà còn sống sót được mới là lạ.

Cũng may lần này đi cùng với cô còn có Huỳnh. Anh là một cây bút sắc sảo, rắn rỏi và đầy bản lĩnh. Đi cùng anh cô cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Anh vốn là dân hóa - sinh, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp nên vấn đề này anh nắm khá chắc. Thế nên nhiều câu hỏi anh đưa ra làm cho phía nhà máy phải loay hoay tìm cách lý giải. Cuốn sổ tay và cây bút Phước tặng cho Mai quả là có ý nghĩa. Mới cách đây vài ngày, trong lần hai đứa giận nhau, món quà ấy đã giúp Phước nhận được nụ cười xòa của Mai. Trong lúc tác nghiệp, nó giúp cô ghi lại chi tiết những điều cô quan sát, nghe được, thấy được ở đây.

Trong tiếng u u của dây chuyền đang vận hành sản xuất, những công nhân áo xanh đứng máy với đôi bàn tay dầu mỡ, mồ hôi nhễ nhại, những ánh mắt chăm chú vào công việc không rời.

- Chị yên tâm về nghề nghiệp của mình chứ?

Người tổ trưởng phân xưởng gỡ bỏ khẩu trang trả lời cô bằng gương mặt khá mệt mỏi:

- Cảm ơn cô nhà báo. Thu nhập tuy không cao nhưng cũng hơn hẳn so với làm ruộng cấy lúa cô ạ. Ba mẹ con giờ trông mong cả vào đồng lương của tôi.

- Vậy anh nhà chị…?

- Anh ấy mất vì tai nạn giao thông từ hồi năm ngoái.

Mai khựng lại vì bất ngờ trước câu trả lời với ánh mắt buồn của chị. Cô ngập ngừng:

- Xin lỗi chị. Chị có biết người dân đang kêu rất nhiều về ô nhiễm xả thải từ nhà máy không?

- Biết chứ. Chính ông bác tôi là một trong những người đứng đơn và đôi lần cùng với dân làng kéo ra trước cổng nhà máy biểu tình, yêu cầu ngừng hoạt động, di dời đi nơi khác. Ông bảo tôi nên nghỉ việc ở đây. Nhưng nếu nghỉ thì tôi biết lấy gì để mà nuôi chị em cái Na cái Mận. Đứa lớn đang học đại học, con bé út chuẩn bị bước vào cấp 3. Tiền đất ruộng đôi sào được đền bù nhờ giải phóng mặt bằng, dồn vào mua đất, xây được cái nhà, sắm sanh được một số tiện nghi, vật dụng là hết. Giờ lấy ruộng đâu ra để mà cấy trồng.

Câu chuyện của chị Vân gieo vào lòng Mai một nỗi buồn sâu thẳm, bước chân như nặng nề hơn. Đúng là từ ngày nhà máy mọc lên, không phủ nhận là đã giải quyết được việc làm cho khá nhiều lao động. Chỉ bắt đầu từ vài tháng nay mới xảy ra sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường, khiến đời sống sinh hoạt của người dân lao đao, làm cho họ phản ứng gay gắt đến thế.

Ông Tiềm, bác của chị Vân lại là một trong số những người dân chịu nhiều thiệt hại nhất do xả thải từ nhà máy gây ra. Cây trồng trên mảnh đất vườn trước kia xanh tốt, hoa trái trĩu trịt là thế, giờ chết khô, cây lá rũ rượi. Cá nơi đầm sát bãi thải nổi lên chết trắng dày đặc. Hôm ông Tiềm lội xuống vớt cá lên còn bị mụn mẩn ngứa khắp người.

- Đây là số điện thoại của tôi. Nếu có thông tin cần trao đổi, tôi rất mong chị gọi cho tôi vào bất cứ lúc nào.

 Lúc ghé thăm nhà chị, trước khi ra về Mai để lại một xấp vở tặng cho bé Mận kèm theo lời hẹn sẽ trở lại. Chị Vân tiễn Mai và Huỳnh ra cổng, ngần ngừ định nói thêm điều gì nhưng rồi lại thôi.

*

Mai ngồi vào bàn làm việc mà vẫn còn quẩn quanh bởi giọng nói mềm mỏng, cái nhìn nửa như thân tình cởi mở, nửa như hăm dọa của ông Phó Giám đốc khi cô thư ký đưa cho Mai một tệp tài liệu dày mà ngay ở trang đầu đã kẹp chiếc phong bì cố lòi ra đến một nửa. Mai khéo léo từ chối nhưng cũng tỏ ý dứt khoát:

- Thưa anh, chúng tôi đến đây là để làm nhiệm vụ. Bài viết của chúng tôi sẽ phản ánh đúng thực tế những gì đã thấy, đã nghe, nhất định sẽ không làm bạn đọc thất vọng.

Mai vừa đứng lên, rời khỏi ghế chưa bước ra khỏi phòng đã nghe ông ta chào tiễn bằng giọng mai mỉa:

- Cô cứ xem kỹ tài liệu đi. Đã có kết luận rõ ràng, có dấu đỏ chót của cơ quan chức năng rồi thì những gì cô viết còn có tác dụng gì nữa không? Mà cô viết dựa vào đâu chứ? Đúng là trẻ người non dạ!

Cái phong bì dày cùng những lời ngọt nhạt và ánh mắt của ông ta làm Mai càng ngờ ngợ về cái bản kết luận “đúng quy trình” của cơ quan chức năng kia, về sự im hơi lặng tiếng của chính quyền trong khi đơn tố cáo ngày một dày hơn gửi về Phòng Bạn đọc. Hẳn nhiên, cái kết luận “đúng quy trình” ấy chẳng liên quan gì đến việc nước sông thực tế có màu, bốc mùi khó chịu. Trong bản kết luận ấy khẳng định nước rò rỉ từ bãi gyps có tính axit trong ngưỡng cho phép. Nếu thế thì động thực vật bỗng nhiên chán sống mà tự giãy lăn ra chết ư? Thật là khôi hài.

Đồng nghiệp gọi điện báo Huỳnh vừa vào viện từ đêm hôm trước. Xe anh bị va quệt mạnh bởi hai thanh niên đi ngổ ngáo ở một khúc quanh nơi đoạn đường vắng. Gây tai nạn xong chúng bỏ chạy. Mai hớt hải đến bệnh viện tay xách theo chùm vải chín mọng mẹ cô cứ dúi vào tay bảo mang vào chờ lúc Huỳnh tỉnh dậy còn có thức để bồi bổ. Lúc đầu Mai sốt ruột muốn đi ngay, không kịp chờ mẹ ngoài vườn về. Nhưng thấy vẻ mặt rối cả lên của mẹ, cô trêu: “Anh ấy chỉ là đồng nghiệp của con thôi. Có gì mà mẹ phải cuống lên thế. Mẹ làm như Huỳnh sắp là con rể của mẹ không bằng”. “Cha bố cô, nó với cô chả là chỗ đồng nghiệp thân thiết à. Khổ thân, bình thường thấy thằng bé nó mau mắn vui tính là thế. Mẹ lo cho nó thì có gì là không phải sao”. Lúc mẹ theo chân ra cổng, Mai quay lại nói để mẹ an lòng: “Biết mẹ lo lắng cho anh ấy thế này, chắc là anh ấy sẽ mau khỏe thôi ạ”.

Mai phải ở ngoài chờ vì chưa đến giờ được vào thăm người bệnh. Cô ngồi nơi dãy hành lang giữa đám đông người nhà bệnh nhân với những gương mặt rầu rĩ lo âu. Mùi đặc trưng của bệnh viện và không khí ngột ngạt xung quanh làm cô oải người lơ đễnh. Một người ở dưới cầu thang đi lên, tay cầm chiếc cặp lồng chắc vừa ra ngoài mua cháo vào nuôi người thân rẽ đám đông xin đường làm Mai chú ý. Người phụ nữ cũng vừa đi gần đến chỗ Mai, cô mới nhận ra đó chính là chị Vân.

- Mẹ tôi phải nhập viện từ hôm qua, phải mổ vì bị u, cô ạ - chị Vân nói trong đôi mắt đỏ hoe. Thoắt cái bóng chị đã khuất tầm.

Huỳnh bị gãy chân phải đóng đinh, nằm viện. Anh bảo hai thanh niên gây tai nạn không phải là vô tình mà anh ngờ rằng chúng đã có chủ ý từ trước. Chúng đi theo Huỳnh đoạn đường khá dài. Vài lần chúng cua, ép sát xe anh, anh đã lạng tránh được. Anh vọt ga, chúng cũng tăng tốc độ. Đến đoạn đường vắng thì bỗng nhiên anh chỉ còn nghe tiếng “rầm” một cái. Khi tỉnh lại, mở mắt ra đã thấy mình trong bệnh viện rồi. Từ chỗ phòng Huỳnh bước ra, Mai ghé thăm mẹ con chị Vân. Hôm sau và hôm sau nữa cứ mỗi bận đến thăm Huỳnh, Mai lại xách cặp lồng cháo mang lên cho bà cụ. Mẹ nghe kể về gia cảnh của chị Vân thì động lòng trắc ẩn. Bảo sẵn tiện mẹ không bận bịu, tranh thủ mỗi bữa nấu thêm bát cháo, bát cơm để Mai mang vào cho mẹ con chị. Cơm rau, cháo nhà vẫn bảo đảm hơn ở chốn công cộng. Bà cụ và chị Vân thấy Mai tình cảm gần gũi thân thiết như người nhà thì cảm động lắm. Hôm nào Mai vào thăm muộn một chút là lại thấy trông ra ngoài cửa mong ngóng. Lạ thế, từ những người không quen biết mà bỗng dưng lại trở nên gắn bó thân thương.

*

Chị Vân gọi điện đến ngập ngừng:

- Chị muốn cung cấp cho em thông tin này, không biết có giúp gì cho em không?

- Chị cứ nói đi ạ.

Mai phóng ngay xe đến gặp chị. “Cô có để ý ngôi nhà cao ngất ngưởng ở ngay đầu ngõ nhà tôi không?”. “Căn biệt thự màu vàng ấy hả chị. Thì sao ạ?” “Hắn là Trưởng Phòng Vật tư của nhà máy đó. Trước đây nhà hắn đâu có gì. Là nhờ được chia phần từ những hợp đồng béo bở thôi”. “Chị biết được điều gì đúng không ạ?”. “Tôi nghe người ta xì xào những trang thiết bị của nhà máy nhập về thực tế toàn là đồ cũ của nước ngoài. Những hợp đồng mua bán như thế cũng giúp hắn ăn đủ”. Trang thiết bị với công nghệ cũ, máy móc thiết bị lạc hậu không bảo đảm tiêu chuẩn bên nước ngoài người ta đã thải bỏ mà mình còn nhập vào sử dụng. Nhưng những người trong cuộc thì được trục lợi, hưởng chênh lệch từ phần trăm khá lớn. Khói thải đen, người dân phải hứng chịu cái thứ mùi tanh hôi khó chịu nồng nặc phát tán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sức khoẻ bao người.

Chị lấy điện thoại, lần tìm ảnh rồi đưa cho Mai:

- Tấm ảnh này là sao?

- Cô nhìn kỹ đi. Đây chính là cổng sau của nhà máy. Quẹo sang bên tay trái có một cái hồ điều hòa. Có những ống ngầm từ hồ này dẫn ra con sông đó. Nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy được đâu cô. Và vì sao nước sông lại bốc mùi ô nhiễm nặng, điều đó có ngay câu trả lời, phải không cô?

Chị Vân nói ra với Mai điều này như muốn cởi bỏ hết những ấm ức trong lòng mình. Chị thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Cũng không biết có thay đổi được tình hình không và cũng không rõ Mai sẽ viết như thế nào. Công việc tới đây của chị sẽ ra sao. Những bức xúc của bà con có được giải quyết triệt để hay không nhưng thấy Mai sống tình cảm, thân tình và hơn hết ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra đã khiến chị không thể im lặng. Công việc ai cũng cần nhưng chắc chẳng riêng chị mà bất kỳ người dân địa phương nào cũng mơ ước công nghiệp ở vùng đất này sẽ phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Không lẽ nhà máy được dựng lên để giúp người dân có được việc làm, nâng cao thu nhập rồi lại huỷ hoại dần cuộc sống của họ?

*

Huỳnh đưa Mai một xấp ảnh chụp qua màn hình trích xuất từ camera an ninh của cây xăng gần đoạn đường nơi anh bị tai nạn làm cô khá bất ngờ. Ảnh chụp cảnh hai gã thanh niên lúc rượt đuổi theo Huỳnh. Khuôn mặt của hai gã nhìn không rõ lắm nhưng loại xe và dáng dấp của chúng thì không khó để tìm ra. Cũng may, Huỳnh nhanh trí chuyển ảnh nhờ bên công an điều tra rõ vụ này. Chúng khai là được người thuê để răn đe anh chứ chúng không hề biết người thuê mình là ai và vì sao phải làm vậy. Từ sự kiện cái phong bì đến vụ tai nạn với Huỳnh đã khiến cô và anh càng quyết tâm tìm hiểu, khai thác thêm thông tin từ nhiều nguồn để hoàn thiện bài viết của mình. Bài phóng sự dài kỳ của Huỳnh và Mai được đăng liên tiếp trong nhiều số. Loạt bài “Vì sao nông dân ở Đồng Nam biểu tình đòi nhà máy Định An phải ngừng hoạt động?”, “Đâu là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường ở nhà máy Định An?”, “Những thiệt hại do xả thải từ nhà máy Định An gây ra”, “Lãnh đạo nhà máy Định An nói gì?”, “Phát triển công nghiệp bền vững cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường”.

…Mai bận rộn trả lời những cuộc điện thoại gần đây liên tiếp gọi về cho cô. Những số vô danh cô đều nghe tất thảy. Bởi cô biết, họ đang tin tưởng và hy vọng vào cách giải quyết thấu đáo của chính quyền. Và có tin tưởng cô thì họ mới gọi điện về để chia sẻ những khấp khởi trong lòng như thế. Cô vuốt nhẹ màn hình định nhấn số quen thuộc nhưng rồi lại thôi. Nếu Phước đã cố chấp, cứ hết lần này lần khác ghen bóng ghen gió một cách vô cớ như vậy, không có sự cảm thông cho công việc của cô thì tiếp tục nữa liệu có được bền vững không hay chỉ là ngày một ngày hai? Mới là người yêu thôi mà Phước đã vậy, sau này thành vợ thành chồng rồi thì còn ra sao nữa. Cô thèm lắm một chốn bình yên để nương dựa sau những dặm đường. Mai đứng dưới cầu ao nhìn lên. Cây khế nơi bờ ao năm nay được mùa với những chùm hoa khế tím rịn, đang đơm bông, đậu những chùm quả nhỏ chíu chít, khoe mình trong nắng sớm. Tuyệt quá. Mai thấy lòng mình thắm lại, nhẹ nhàng và êm ái như vừa mới có một cơn mưa rào ngày hạ ghé ngang qua đây, gột rửa bao nỗi ưu tư. Bất giác, cô nghĩ đến Huỳnh. Nhà anh cũng có cây khế, to hơn thế này. Không biết cây khế bên đó đã đơm hoa chưa. Cô nhớ đến chiếc máy ảnh mà anh vừa mới sắm. Chiếc máy ảnh anh luôn mang theo bên mình. Nếu Huỳnh ở đây lúc này, thế nào cô cũng được ngay kiểu ảnh đẹp. Cô thoáng thấy nụ cười nhẹ của Huỳnh nghe như đang ở rất gần.

Truyện ngắn của VŨ THỊ THANH HÒA