Tìm lời giải bài toán bảo quản nông sản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:12, 25/06/2017

Hải Dương có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp nhưng việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng của nông sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.



Sơ chế, bảo quản cà rốt xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Cẩm Giàng)

Đây là nguyên nhân chính khiến giá trị nông sản của tỉnh không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

"Đầu voi, đuôi chuột"

Mỗi năm, nông dân Hải Dương sản xuất gần 800.000 tấn thóc, 750.000 tấn rau và 100.000 tấn trái cây các loại. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Hải Dương cũng khẳng định vị trí tốp đầu khu vực đồng bằng sông Hồng khi hàng năm cung ứng ra thị trường hơn 130.000 tấn thịt lợn, gia cầm hơi và 70.000 tấn cá thương phẩm.

Mặc dù là vựa nông sản miền Bắc nhưng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Hải Dương không cao do khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn rất yếu kém. Toàn tỉnh có 120 doanh nghiệp, 16.000 cơ sở chế biến nông sản, tập trung vào các loại rau, củ, song năng lực chế biến chỉ đạt khoảng 39.000 tấn/năm. Cách bảo quản chủ yếu ở dạng muối hoặc sơ chế, ít có cơ sở đầu tư dây chuyền để đóng hộp, sấy, nghiền để xuất khẩu. Sự thiếu đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch làm cho nông sản của Hải Dương luôn rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa, mất giá" đeo đẳng.

Theo ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phạm Kha (Thanh Miện), chế biến, bảo quản nông sau thu hoạch là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại là khâu yếu nhất hiện nay. Nguyên nhân là do đầu tư công nghệ chế biến khá tốn kém, đồng thời nhận thức của nông dân còn nhiều hạn chế. Người dân cho rằng nông sản mang tính mùa vụ đặc thù, chất lượng nông sản chỉ được bảo đảm trong thời gian ngắn, dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Điều này khiến nhiều người hình thành tâm lý "ăn xổi", thích bán sản phẩm thô. Vì vậy, thị trường nông sản dễ bị tư thương thao túng, ép giá.

Đi tìm lời giải

Ngành nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro không chỉ gặp phải trong quá trình sản xuất mà ngay cả khi đã thu hoạch. Tổn thất sau thu hoạch sẽ rất lớn nếu như khâu bảo quản, chế biến không được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, người trồng lúa, trồng ngô vẫn phải thấp thỏm trông chờ vào thời tiết để phơi sản phẩm. Sự phụ thuộc này khiến chất lượng hạt thóc, hạt ngô giảm đáng kể.



Phần lớn nông dân trông chờ vào thời tiết để bảo quản nông sản sau thu hoạch

Tại các vùng trồng rau màu, nhiều thời điểm nông dân phải nhổ cho bò, lợn ăn, thậm chí vứt đầy kênh mương vì không thể tiêu thụ cũng không thể bảo quản. Giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng này là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, kết nối các khâu trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ thành chuỗi giá trị ổn định, lâu dài.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản. Theo đó, mỗi năm, UBND tỉnh hỗ trợ từ 1-2 dự án xây dựng khu bảo quản, chế biến nông sản. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa 60% kinh phí (mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án) để xây dựng nhà xưởng và mua thiết bị.

Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Green Farm (Hà Nội) cho biết: Sau khi xem xét tiềm năng và thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp cũng như những ưu đãi trong chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Hải Dương, công ty quyết định xây dựng khu chế biến nông sản tại huyện Thanh Hà với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Doanh nghiệp mong muốn chính quyền và cơ quan chuyên môn tạo điều kiện để dự án sớm được triển khai. Khu chế biến với công suất dự kiến khoảng 200 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh.


DŨNG CƯỜNG