Thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:03, 26/06/2017
Sau khi loạt bài "Nới hạn điền để tích tụ ruộng đất" được đăng tải, nhóm tác giả thực hiện bài viết nhận được khá nhiều ý kiến cho rằng "bài toán" lớn nhất cần phải giải quyết hiện nay sau khi ruộng đất được tích tụ lại phục vụ làm ăn lớn thì nhiều lao động nông thôn không làm việc ở các khu, cụm công nghiệp nữa sẽ làm gì? Trong một số phát biểu mới đây, người đứng đầu ngành nông nghiệp của tỉnh đang tính tới việc tham mưu cho UBND tỉnh tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp công nghệ cao như cách làm đối với công nghiệp sau khi đi tham quan một số tỉnh.
Nước ta đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4). Các khâu trong dây chuyền sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp cơ bản sẽ được tự động hóa, rô bốt làm thay con người. Khi rô bốt và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên, đặc biệt là lao động thủ công.
Hải Dương hiện có khoảng 150.000 lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó hơn 90% số lao động bản địa. Đa phần lao động trong các nhà máy, xí nghiệp là lao động nông nghiệp chuyển sang, phần lớn chưa từng học nghề. Họ chỉ được đào tạo ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu công việc mà doanh nghiệp cần. Theo tính toán của ngành lao động tỉnh, khoảng 10 năm nữa, phần lớn lao động đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp sẽ vượt qua tuổi 40, nguy cơ bị các doanh nghiệp đào thải rất lớn, đặc biệt cuộc "xâm lược" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến những lao động phổ thông rất khó trụ lại các nhà máy, xí nghiệp. Khi đó, một lượng lớn lao động trong lĩnh vực công nghiệp quay lại nông thôn. Họ sẽ làm gì khi ruộng đất không còn? Đây là bài toán cần phải giải quyết song song với việc tích tụ ruộng đất.
Mở rộng hạn điền tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, đưa công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh là yêu cầu tất yếu. Song, tích tụ ruộng đất không nhất thiết cứ phải chuyển giao đất cho doanh nghiệp làm ăn mới đem lại hiệu quả. Hiện có rất nhiều mô hình tích tụ ruộng đất như mô hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân được cho là bền vững nhất. Với mô hình này, người dân vẫn canh tác trên ruộng đất của mình, doanh nghiệp sẽ "bán" dịch vụ cho nông dân gồm quy trình sản xuất, cây, con giống... và bao tiêu sản phẩm với thương hiệu của doanh nghiệp. Khi đó, người dân được lợi hơn so với họ tự canh tác, còn doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ giá trị gia tăng đối với nông sản sạch mà người dân làm ra.
Ở tỉnh ta đã xuất hiện rất nhiều mô hình tích tụ ruộng đất làm ăn lớn bằng việc liên kết hộ sản xuất rau, củ, quả tập trung tại vùng vải thiều VietGAP ở Thanh Hà; hành, tỏi ở Kinh Môn; su hào, cải bắp ở Tứ Kỳ, Gia Lộc; củ đậu ở Kim Thành; cà rốt ở Cẩm Giàng; cấy lúa một vùng, một giống, một thời gian ở Ninh Giang... đang đem lại hiệu quả tương đối cao khi đầu ra được bảo đảm. Ở những nơi này, người dân canh tác rất tốt trên chính mảnh đất của mình bằng việc liên kết hộ thành những vùng có diện tích lớn để sản xuất một loại nông sản.
Mô hình có sẵn, vấn đề chỉ còn kêu gọi doanh nghiệp tham gia cùng bà con nông dân trong chuỗi sản xuất. Việc này vừa không tốn chi phí mà lại bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Với cách làm trên, khi người lao động không còn làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp sẽ vẫn có ruộng đất để sản xuất. Đây cũng là cách làm bền vững nhất hiện nay mà ngành nông nghiệp tỉnh phải tính toán, nghiên cứu kỹ trước khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị.
SỸ THẮNG