Để thành phố thêm xanh. Bài 2: Vẫn chưa có quy hoạch

Môi trường - Ngày đăng : 08:07, 30/06/2017

Sau cơn lốc đô thị hóa, những nhà quản lý đã nhận thức rõ hơn, quan tâm hơn đến việc phát triển cây xanh cho thành phố nhưng vẫn thiếu quy hoạch bài bản, khoa học.





Nhìn từ trên cao, TP Hải Dương vẫn thiếu những khối cây xanh trồng tập trung

Trồng ồ ạt theo phong trào

Để lấy lại màu xanh cho đô thị, từ năm 1997, ngay sau khi thị xã Hải Dương được nâng cấp trở thành thành phố, phong trào phát triển cây xanh được các cấp chính quyền quan tâm, đông đảo nhân dân hưởng ứng, nhất là dịp Tết trồng cây mùa xuân. Tuy nhiên, do nhận thức còn đơn giản nên phong trào trồng cây phát triển mạnh nhưng thiếu định hướng. Thành phố chỉ tập trung trồng những loại cây lớn nhanh, tán rộng như gạo gai, hoa sữa, trứng cá, thậm chí cả cây độc hại như trúc đào...

Những năm đó, Công ty Thị chính cử người đến các tỉnh Thái Bình, Nam Định mua cây gạo gai, cây hoa sữa giống về TP Hải Dương trồng. Cây giống được phát cho người dân trồng quanh nhà và cả các khu đất trống công cộng. Đến năm 2000, chỉ riêng khu vực nội thành đã có hơn 3.000 cây gạo gai được trồng. Riêng đường Bạch Đằng, cây gạo gai được trồng hàng ba, hàng bốn nên chẳng bao lâu tuyến đường này được phủ một màu xanh mướt.

Việc phát triển ồ ạt các loại cây mà không theo quy hoạch nào khiến TP Hải Dương phải trả giá. Đơn cử như việc phát triển quá nhiều cây gạo gai là một sai lầm. Loại cây này không phù hợp để trồng trong đô thị bởi rễ của nó rất khỏe, có khả năng bám và phá hủy các công trình xây dựng. Ông Nguyễn Văn Thành ở phố Trần Hưng Đạo vẫn ám ảnh: "Rễ cây gạo gai trước cửa nhà tôi to bằng bắp đùi người lớn, luồn qua phá nứt vỉa hè, phá vỡ cả đường cống thoát nước, xuyên qua móng nhà rồi đội lên giữa phòng khách. Thời đó, nhà nào cũng bị ám ảnh bởi cây gạo gai. Vì thế, TP Hải Dương lại phải tổ chức 1 chiến dịch chặt bỏ cây gạo gai".

Sau thời kỳ này, TP Hải Dương vẫn chưa có quy hoạch bài bản cho việc phát triển cây xanh. Việc đưa cây gì, trồng ở khu vực nào vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nên cây xanh ở TP Hải Dương vẫn phát triển tự phát. Ở nhiều tuyến phố, cây phát triển lộ cộ, thậm chí một số cây trồng ở vị trí không phù hợp gây cản trở giao thông, xiên vào hệ thống đường điện chiếu sáng công cộng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Chưa kể, nhiều tuyến phố như đường Lê Thanh Nghị, ven quốc lộ 5, thành phố còn đưa cây hoa trúc đào độc hại vào trồng, sau đó phải chặt bỏ và thay thế bằng cây trồng khác.

Loay hoay


Phát triển thiếu quy hoạch nên cây xanh cứ trồng rồi lại chặt bỏ. Vì thế, trong nhiều năm tỷ lệ cây xanh/người của thành phố tăng rất chậm. Đến nay, TP Hải Dương mới đạt khoảng 7 m2 cây xanh/người. Trong khi đó, để trở thành đô thị loại I, thành phố phải đạt 10 m2 cây xanh/người. Do thành phố không có quy hoạch phát triển cây xanh nên không ưu tiên dành quỹ đất khu vực nội thành để phát triển cây xanh. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: “Toàn phường không còn đất dôi dư xen kẹp để có thể trồng cây, trong khi cây trồng trên vỉa hè cũng đã kín nên có muốn trồng thêm cây xanh phường cũng chịu”.

Đối với các phường ven đô và các xã ngoại thành, việc phát triển cây xanh cũng không đơn giản nếu thành phố không quyết tâm dành quỹ đất. So sánh bài toán kinh tế giữa việc quy hoạch đất để làm nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp hay khu đô thị mới sẽ đem lại giá trị kinh tế trước mắt cao hơn gấp nhiều lần so với việc dành quỹ đất để trồng cây xanh. Cây xanh chưa được quan tâm đúng mức nên trong nhiều năm qua tỷ lệ cây xanh/người của thành phố gần như "dậm chân tại chỗ".

Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương dù đã cố gắng đầu tư thay thế, cải tạo, cắt tỉa và tạo hình dáng độc đáo cho cây xanh nhưng vì kinh phí có hạn nên vẫn làm theo kiểu "bấc đến đâu, dầu đến đấy". Vì thế qua nhiều năm, đến nay thành phố mới chỉ có một số nơi có cây xanh đẹp như khu vực công viên Bạch Đằng, các đường Thanh Niên, Trường Chinh… hay một số tuyến phố trồng một loại cây thống nhất.

Ông Đào Nguyên Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương không phủ nhận việc thành phố loay hoay với bài toán phát triển cây xanh. Theo ông Vỹ, nguyên nhân quan trọng khiến cây xanh ở TP Hải Dương phát triển thiếu bền vững là do thành phố chưa có quy hoạch phát triển cây xanh một cách bài bản, khoa học. Hiện tại, sự phát triển cây xanh của thành phố chủ yếu dựa theo phần phụ lục kèm theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 17.8.2012 của UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị trên địa bàn TP Hải Dương. Đó chỉ là văn bản khuyến khích trồng cây gì, ở tuyến phố nào, có vỉa hè rộng bao nhiêu chứ chưa mang tính bắt buộc và chưa được khảo sát một cách khoa học. Công ty cũng đã đề xuất thành phố làm quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.

THÚY HÀ - THÀNH LONG