10 năm tự nguyện vá đường

Việc tử tế - Ngày đăng : 13:42, 02/07/2017

Hơn chục năm lặng lẽ gắn bó với việc vá đường tự nguyện, bà Nguyễn Thị Phượng Thu vẫn tự tiếp lửa cho mình mỗi khi có ai đó mỉa mai bà làm việc bao đồng.




Bà Thu vá đường tại cù lao xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: T.C.


8 giờ sáng, sau khi hoàn thành công việc phụ bán phở, bà Thu (54 tuổi, ngụ P.4, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) tức tốc về nhà chất đầy cát, đá, ximăng lên chiếc xe máy “cà tàng” rồi dong xe về hướng cù lao An Hiệp (huyện Châu Thành).

Lượm ve chai 
lấy tiền vá đường

Đoạn đường giao thông chính nối cù lao với TP Sa Đéc ngập tràn ổ voi, ổ gà chính là địa điểm mà bà Thu thực hiện công việc vá đường hơn một tuần nay. Vừa chất vật liệu xuống, bà lập tức bắt tay vào thực hiện việc vá đường như một thợ hồ chuyên nghiệp. Có nhiều ổ gà vừa mới vá xong, xe cộ lại chạy ngang cán nát bắt buộc bà phải vá lại. Có ổ gà bà phải vá đi vá lại gần chục lần.

Hỏi bà có thấy tức giận không trước những hành động vô ý của người đi đường, bà chỉ nhoẻn miệng cười: “Có một lần xe hơi cán ngang bắn cả cát đất và ximăng vào mặt của tui, nhưng làm việc này đòi hỏi người ta một chữ nhẫn, nếu không rất dễ bỏ cuộc”.

Hằng ngày bất kể nắng mưa, cứ xong công việc tại quán ăn là bà lại đi vá đường. Ngày nhiều thì vá được khoảng một chục ổ gà, ít cũng dăm ba ổ. Nhìn những vết vá đường chằng chịt trên con đường giao thông liên xã, người dân xung quanh không khỏi ngưỡng mộ hành động cao cả của người phụ nữ tuổi đã ngũ tuần.

“Mọi người đều nghĩ việc vá đường là việc của Nhà nước nên không ai làm, chỉ có mỗi cô Thu là nắng mưa gì cũng làm ráo trọi. Ngộ lắm, có bao nhiêu tiền bạc cổ dành hết vào việc mua vật liệu vá đường. Có lần mọi người góp ý sao không để tiền dành dụm cho bản thân mà lại đi lo việc thiên hạ thế kia, thế là cổ giận cả tuần” - ông Nguyễn Công Hùng, một người dân, nói.

Ít ai biết mỗi lần đi vá đường là bà Thu lại tranh thủ lượm ve chai bán lấy tiền góp vào công cuộc vá đường. Không nhiều nhưng hơn 100.000 đồng mỗi tháng thu lượm ve chai cũng giúp bà mua thêm vài ký ximăng.

Trước việc làm của bà, nhiều mạnh thường quân muốn được hỗ trợ nhưng bà luôn từ chối. “Sức của tui có giới hạn, một ngày chỉ đi vá được vài ổ voi, ổ gà. Người ta hỗ trợ cho mình tiền rồi biết mình có đủ sức khỏe để mần không. Thôi thì sức tui tới đâu tui làm tới đó, nhận tiền người ta rồi kham không nổi lại mang tội” - bà Thu thổ lộ.

Máu từ thiện luôn cháy

Mỗi lần vá đường, bà đều đến trình báo với chính quyền địa phương. Được chính quyền gợi ý sẽ hỗ trợ dân quân giúp bà vá đường, nhưng lần nào bà cũng từ chối. “Dân quân xã cũng có công việc của họ, cũng cần chén cơm để nuôi sống gia đình. Vì công việc của mình mà họ và gia đình họ đói thì mình cũng đâu thấy vui được” - bà Thu bộc bạch.

Bà Thu bắt đầu công việc vá đường 10 năm trước. Những ngày đầu bà đi xin than đá rồi đập ra, lấp đầy vào những ổ voi, ổ gà. Sau này bà dùng tiền kiếm được mua ximăng, đất, đá để vá lại những tấm “áo rách”.

Vốn liếng từ công việc phụ quán ăn khoảng 70.000 đồng/ngày cùng những đồng bạc ít ỏi từ công việc chạy xe ôm, chăm sóc người bệnh... đều được bà dành dụm mua vật liệu vá đường.

Hiện bà Thu vẫn ở nhà thuê, nhưng máu từ thiện luôn cháy trong lòng. Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tặng bằng khen cho bà Thu như một sự ghi nhận cho những việc làm của bà.

Nói về số tiền lãnh thưởng 1.210.000 đồng, bà Thu hóm hỉnh nói: “Tui dùng mua đất với đá hết 1 triệu đồng, công xe chở hết 200.000 đồng. Còn lại tui thưởng cho mình 2 ly nước mía. Dù tiền thưởng sau cùng chỉ còn 2 ly nước mía, nhưng tui thấy mát lòng mát dạ lắm”.

Một tín hiệu tích cực là hành trình đơn độc của người phụ nữ tóc hoa râm này đã nhận được sự hưởng ứng của mọi người. Thời gian gần đây, người dân hai bên đường thường mang máy trộn bêtông, cát, đá ra phụ giúp bà. Sự nặng nhọc từ công việc vá đường của bà đang được chia sẻ...

THÀNH NHƠN (Tuổi trẻ)