Rộng đường xuất khẩu vải quả sang Australia
Kinh tế - Ngày đăng : 07:38, 03/07/2017
Năm nay là mùa thứ ba quả vải tươi Thanh Hà có mặt tại thị trường Australia.
Quả vải Hải Dương đã được người tiêu dùng Australia đón nhận (ảnh do Tham tán
thương mại Việt Nam tại Australia cung cấp)
Quy trình khắt khe
Những quả vải thiều căng tròn, chín đỏ đang được nông dân xã Thanh Khê (Thanh Hà) thu hoạch để xuất sang thị trường Australia. Để có được quả vải vừa ngon vừa bảo đảm các yêu cầu khắt khe của thị trường này, nông dân Thanh Hà đã đầu tư nhiều công sức. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hà cho biết: “Vườn vải phải luôn sạch sẽ. Mỗi lần phun thuốc, bón phân tôi đều dặn bà con phải ghi vào nhật ký để doanh nghiệp và cơ quan chức năng kiểm soát. Năm nay, mặc dù vải thiều không được mùa nhưng chất lượng vẫn bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Cũng không khác quy trình xuất khẩu vải đi Mỹ, quả vải Thanh Hà cũng phải qua nhiều khâu kiểm duyệt trước khi xuất khẩu sang Australia. Năm nay, thay vì phải vận chuyển vải vào TP Hồ Chí Minh như mọi năm, những lô vải xuất khẩu của Thanh Hà được chiếu xạ tại Hà Nội. Quãng đường rút ngắn, thời gian giảm nhiều đã giúp quả vải Thanh Hà có thể giữ được tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng Australia. Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Rồng Đỏ cho biết: "Hải Dương xuất khẩu vải sang thị trường Australia sớm nhất. Ngày 2.6, những quả vải tươi ngon nhất của Thanh Hà đã được chúng tôi lựa chọn để xuất khẩu sang thị trường này. Hơn 2,4 tấn vải đầu tiên đến đất nước này bằng đường hàng không. Ngày 8.6, hơn 7 tấn vải sớm Thanh Hà tiếp tục hành trình sang Australia bằng đường biển. Chúng tôi lựa chọn xuất khẩu bằng đường biển vì chi phí thấp hơn giúp vải Hải Dương tăng sức cạnh tranh so với vải Trung Quốc và Thái Lan".
Để xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Australia, vùng trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại nghiêm ngặt. Một trong những yêu cầu bắt buộc là vùng sản xuất đó phải áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra, cấp mã số. Ngoài ra, quả vải được lựa chọn kỹ càng để không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số… Quả vải phải được sơ chế sạch sẽ và bảo quản trong các thùng carton ghi rõ thông tin phục vụ cho việc truy nguồn gốc xuất xứ.
Thị trường đón nhận
Quả vải đến Australia được người tiêu dùng nơi đây đón nhận và đánh giá cao. Đây là tin vui đối với người trồng vải Hải Dương và doanh nghiệp xuất khẩu. Qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết đây không phải là lần đầu tiên quả vải tươi Hải Dương đến Australia, nhưng lần nào vải cũng được người dân ở đây hồ hởi đón nhận. Khi những quả vải đầu tiên của Hải Dương được bày bán tại chợ Little Sài Gòn ở Footscray, người dân đã đến mua nườm nượp. Người Việt định cư tại Australia luôn ngóng vải Việt Nam để tìm lại hương vị quê nhà. Còn đối với người bản địa, quả vải Việt Nam có sức hấp dẫn riêng. “Một người bạn Australia nói với tôi, quả vải Việt Nam có hương vị rất lạ. Nó không chỉ hấp dẫn bởi vị ngọt thanh mà khi thưởng thức lan tỏa nơi đầu lưỡi mùi thơm thoang thoảng của hoa hồng. Người Australia cảm nhận khi thưởng thức vải của Việt Nam tinh tế như vậy đấy”, bà Thúy nói.
Mặc dù thời điểm hiện nay không phải là mùa vải của Australia, nhưng ở đây ngoài vải Việt Nam còn có vải Trung Quốc và Thái Lan. Quả vải tươi của Trung Quốc và Thái Lan có mặt tại Australia trước quả vải của Việt Nam gần 5 năm. Tuy nhiên, kể từ khi Australia cho phép quả vải tươi Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này thì quả vải "made in Việt Nam" được đánh giá cao hơn hẳn. Anh Nguyễn Hoàng Thuận, chủ một cửa hàng chuyên bán hoa quả tại chợ Little Sài Gòn cho biết: "Vải của Trung Quốc có vỏ màu xanh, vị chát và độ ngọt kém vải Việt Nam. Hơn nữa người Australia rất thận trọng đối với hoa quả Trung Quốc nên đây là cơ hội lớn cho vải Hải Dương chinh phục thị trường này. Nông dân Australia trồng khá nhiều vải nhưng mùa vải của Australia lại rơi vào các tháng cuối năm nên thời điểm này vải Việt Nam có nhiều ưu thế. So với vải Thái Lan và Trung Quốc, giá bán vải Việt Nam vẫn cao hơn. Đây là điểm bất lợi nhất của quả vải Việt Nam tại thị trường Australia. Do đó, nếu giảm được các chi phí không cần thiết để hạ giá bán thì quả vải Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng chắc chắn sẽ chinh phục được thị trường này”.
Australia là một thị trường tiềm năng trong nhập khẩu hoa quả. Quả vải tươi Hải Dương đã được thị trường này chấp nhận là tín hiệu đáng mừng. Song để quả vải xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường khác nữa, nhất là những thị trường khó tính đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm hơn đến quy trình sản xuất để quả vải của Hải Dương bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với vùng vải sớm, ngoài quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP cần mở rộng sản xuất theo hướng GlobalGAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn mới này sẽ giúp quả vải Hải Dương xuất khẩu dễ dàng sang nhiều quốc gia khác ngoài Australia. Công tác xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp hoặc đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài để quả vải có thêm cơ hội được hỗ trợ, từ đó rộng đường xuất khẩu.
HẢI MINH