Bảo đảm an toàn giao thông nông thôn: Chính quyền cơ sở còn thờ ơ

Tin tức - Ngày đăng : 05:34, 07/07/2017

Sự thiếu quan tâm trong việc triển khai khiến Đề án "Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương" chậm đi vào cuộc sống...



Trật tự, an toàn giao thông ở các địa phương diễn biến phức tạp song chính quyền nhiều nơi thiếu quan tâm xử lý.
Trong ảnh: Xe công nông vẫn ngang nhiên lưu thông tại xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng)


Từ tháng 2 năm nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương” giai đoạn 2017-2020. Đến nay, một số chính quyền cấp xã vẫn còn coi nhẹ việc triển khai, thực hiện đề án này.

Không nhớ có đề án

Để tìm hiểu về việc triển khai, thực hiện đề án ở cơ sở, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Đỗ Văn Quyên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng). Qua điện thoại, ông Quyên trả lời không nhớ có đề án này, và nếu có thì cũng không nhớ đã triển khai, thực hiện chưa. Ông Quyên cho biết sẽ kiểm tra và liên hệ lại.

Mặc dù Chủ tịch UBND xã không nhớ có đề án nhưng ông Phạm Văn Biên, cán bộ địa chính, phụ trách mảng an toàn giao thông (ATGT) xã Cẩm Đông cho biết đề án đã được triển khai. Xã đã nhận áp - phích tuyên truyền thực hiện đề án từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng để dán tại những nơi công cộng và chuyển đến các trường tuyên truyền cho học sinh. "Để bảo đảm ATGT trong xã, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã. Trước khi có đề án, việc bảo đảm ATGT đã được xã quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, xã đã 2 lần tổ chức giải tỏa vi phạm lòng, lề đường tại thôn An Lại và Tỉnh Cách", ông Biên nói.

Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn xã Cẩm Đông không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, việc tái lấn chiếm lòng, lề đường vẫn diễn ra và tình trạng người dân không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy vẫn phổ biến.

Tại địa bàn xã Liên Hồng (Gia Lộc), tình hình trật tự ATGT cũng diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến đường liên xã. Đoạn thôn Tâng Thượng, người dân bày bán hàng ngay ngã ba, hàng quán che khuất tầm nhìn của người đi đường. Vi phạm phổ biến tại đây là người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, mô tô kéo theo phương tiện khác... Ngày 28.6, khi chúng tôi điện thoại hẹn làm việc, ông Vũ Vinh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng (Gia Lộc) cho rằng việc thực hiện đề án không khó khăn gì... nhưng xã chưa triển khai.

Ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng Pháp chế - An toàn (Sở Giao thông vận tải) cho rằng việc lãnh đạo chính quyền cấp xã thiếu quan tâm đến bảo đảm ATGT tại địa phương mình cho thấy đề án đang bị coi nhẹ. Khi cán bộ UBND cấp xã, các đoàn thể lơ là thì đề án sẽ không phát huy hiệu quả.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Đề án "Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương" giai đoạn 2017-2020 chú trọng đến vai trò của chính quyền cơ sở trong bảo đảm ATGT ngay tại địa phương. Yêu cầu đặt ra là hằng tháng tuyên truyền về đề án tối thiểu 2 lần qua hệ thống truyền thanh tới người dân, tuyên truyền thường xuyên qua hoạt động của các đoàn thể địa phương... Đề án đã nêu ra một số giải pháp cụ thể như kiện toàn lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, xã trong bảo đảm trật tự, ATGT...

Tháng 4 vừa qua, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện đề án ở cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Hầu hết các địa phương đều báo cáo đã tích cực triển khai đề án đến cấp xã. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, phối hợp xử lý vi phạm... Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số xã cho thấy việc triển khai đề án còn hình thức. Thậm chí sau 4 tháng được UBND tỉnh phê duyệt có địa phương vẫn chưa triển khai đề án.

Theo Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên các tuyến đường xã xảy ra 16 vụ TNGT, làm 17 người chết và 6 người bị thương. Tai nạn trên đường nông thôn chiếm tới 18,2% tổng số vụ TNGT xảy ra trong tỉnh, chiếm 23,6% số người chết và 9,8% số người bị thương. Những con số này còn có thể tiếp tục tăng nếu các địa phương không thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm ATGT.

Ông Vũ Đức Hạnh cho biết thêm: "Để đạt được mục tiêu của đề án là phấn đấu hằng năm giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT ở khu vực nông thôn thì không thể thiếu vai trò của người đứng đầu các địa phương. Bên cạnh biểu dương những nơi thực hiện đề án nghiêm túc, bài bản thì cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần kiểm điểm, phê bình người đứng đầu các địa phương coi nhẹ việc thực hiện đề án này".

PV