Tự xử lý vết thương: Coi chừng biến chứng

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:16, 08/07/2017

Người dân không nên chủ quan trước các vết thương nhẹ, trầy xước trên cơ thể, vết bỏng, mụn nhọt, đặc biệt không tự ý đắp các loại lá...



Việc tự xử lý vết thương, mụn nhọt có thể gây ra biến chứng, tổn hại đến sức khỏe, kéo dài thời gian điều trị

Do chủ quan hoặc sơ cứu, xử lý vết thương, mụn nhọt không đúng cách, phản khoa học, nhiều người đã làm cho tình trạng sức khỏe của mình nặng hơn, kéo dài thời gian, chi phí điều trị, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Hồng, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ, bệnh nhân nhập viện điều trị do xử lý vết thương, mụn nhọt không đúng cách chiếm từ 30-40% số bệnh nhân trong khoa, tương đương khoảng 100 ca mỗi năm. Không ít bệnh nhân đến khoa trong tình trạng vết thương bị nhiễm trùng, hoại tử, dù vết thương ban đầu nhẹ. Bởi do trước đó bệnh nhân không vệ sinh sạch sẽ dụng cụ băng bó, không làm sạch các vết thương bẩn, tự ý mua thuốc về bôi, rắc.

Mỗi tháng, Khoa Ngoại - Chấn thương- Phẫu thuật gây mê (Bệnh viện Nhi Hải Dương) cũng tiếp nhận từ 4-5 ca bệnh liên quan đến việc sơ cứu vết bỏng, vết thương không đúng cách. Nhiều gia đình đã dùng các phương pháp dân gian như đắp thuốc lào, nõn chuối non... khiến vết thương bị nhiễm trùng.

Thỉnh thoảng khuôn mặt của ông Đoàn Kỳ L. (56 tuổi) ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) lại nổi mụn. Gần đây, ông L. đã tự nặn một chiếc mụn to, khá giống với mụn trứng cá ở ngay phía dưới mũi. Chỉ vài giờ sau đó, một bên thái dương của ông bị co giật liên hồi, miệng méo xệch, rất khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp. Ông L. đã đi nhiều nơi, tìm đến các bệnh viện lớn nhỏ để chạy chữa. Các bác sĩ cho biết mụn mà ông L. nặn là mụn đinh râu rất nguy hiểm, tự ý nặn có thể gây nhiễm khuẩn và trường hợp xấu nhất là tử vong.

Bà Nguyễn Thị Cắt (59 tuổi) ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) đã phải vào bệnh viện điều trị vài ngày nay vì vết thương ở tay. Trong quá trình làm việc, do sơ ý nên bà Cắt bị xương cá găm vào lòng bàn tay phải. Bà đã tự lấy chiếc xương ra, nhưng rất lâu vết thương không khỏi, lại có dấu hiệu sưng tấy. Bà Cắt nghe lời khuyên từ một vài người nên đã tự mua thuốc về nhỏ vào vết thương nhưng vẫn không khỏi. Khi tới bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết mảnh xương cá còn sót lại khiến lòng bàn tay của bà Cắt sưng tấy. Do xử lý sai phương pháp nên vết thương của bà Cắt tuy nhỏ nhưng lại bị nhiễm trùng.

Theo các y, bác sĩ, người dân không nên chủ quan trước các vết thương nhẹ, trầy xước trên cơ thể, vết bỏng, mụn nhọt, đặc biệt không tự ý đắp các loại lá, hay chữa mẹo theo phương pháp dân gian. Dụng cụ để băng bó, xử lý vết thương cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh để nhiễm khuẩn. Đối với các vết bỏng nên rửa bằng nước mát, tuyệt đối không bôi, đắp bất cứ loại lá hoặc nước mắm, kem đánh răng vì khiến da thêm tổn thương và tăng nguy cơ bị hoại tử. Với các loại mụn không nên cậy, nặn, tránh làm nhiễm khuẩn sang các vùng da khác, hoặc dễ gây chạm vào các dây thần kinh, huyệt gây ra những biến chứng khôn lường.

HUYỀN TRANG