Bế mạc G20: Đồng thuận về thương mại, bất đồng về biến đổi khí hậu
Tin tức - Ngày đăng : 16:09, 09/07/2017
Các nước G20 ra tuyên bố chung đồng thuận trong vấn đề thương mại nhưng lại không thể xóa bỏ bất đồng với Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Bà Merkel (phải) và ông Trump tại G20. Ảnh: BBC
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 8.7 đã bế mạc tại thành phố Hamburg, Đức.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, Mỹ có quan điểm khác biệt với những nước còn lại trong G20 về vấn đề chống biến đổi khí hậu. Bà cũng không đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Anh Theresa May hôm 7.7 cho rằng Mỹ có thể đảo ngược quyết định rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Đó là lý do trong tuyên bố cuối cùng được lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên nhất trí, 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.
“Tôi rất mừng là tất cả các nước trong G20 ngoài Mỹ đều đồng ý rằng hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược, và trách nhiệm của chúng ta đối với Hiệp định này cần được thực hiện càng nhanh càng tốt và chúng ta đã nhất trí về kế hoạch hành động đối với khí hậu và năng lượng, còn được gọi là kế hoạch hành động Hamburg”.
Giới quan sát nhận định, tuyên bố chung của G20 thừa nhận quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Mỹ là một thắng lợi đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi các chủ trương về thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, tuyên bố này cũng mở cửa cho các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn bị cho là nguyên nhân gây ấm toàn cầu.
Tuy nhiên, phía Mỹ cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.
Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.
Thủ tướng nước chủ nhà của Hội nghị G20, bà Angela Merkel cho biết, tất cả các nước thành viên đều sẵn sàng thực hiện các biện pháp chống chủ nghĩa bảo hộ, và việc thực thi các biện pháp này sẽ do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) giám sát.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria cho rằng, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này vẫn chưa thể đưa ra các biện pháp kiên quyết đối với việc chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại và điều này cần phải thay đổi. Nếu các nhà lãnh đạo nói rằng họ sẽ chống chủ nghĩa bảo hộ, thì hãy có hành động cụ thể chứ đừng chỉ là những lời nói suông.
“Cũng giống như các cuộc họp trước, cuộc họp lần này cũng kết thúc bằng một tuyên bố chung nói rằng chúng ta sẽ chống chủ nghĩa bảo hộ, thế nhưng chúng ta sẽ còn bế tắc trong vấn đề này ít nhất là 2 năm tới, và sau đó chúng ta thậm chí là còn quay lại với một số biện pháp bảo hộ”, Angel Gurria nói. “Từ năm 2008 tới nay chúng ta đã có tới 1.400 biện pháp bảo hộ”.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong hai ngày 7 và 8.7 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm thành phố Hamburg, Đức. Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên 7.7, các nước đã ra tuyên bố chung nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn tài trợ khủng bố. Tuyên bố chung của các nước G20 lên án mạnh mẽ việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật.
THÙY LINH (VOV)