Xét tuyển vào lớp 6: Trường chất lượng cao lo mất học sinh giỏi
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 05:44, 10/07/2017
Từ năm 2015, Bộ GDĐT cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức mà xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập của học sinh các năm trước đó.
Mặc dù đã đề ra nhiều tiêu chí để xét tuyển nhưng Trường THCS Cẩm Giàng vẫn lo để lọt học sinh giỏi
Hình thức tuyển sinh này khiến các trường chất lượng cao không khỏi lo ngại không tuyển được nguồn học sinh thực sự có chất lượng.
Tiêu chí phụ thiếu thuyết phục
Theo quy định hiện nay, học sinh tiểu học chỉ đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm. Trong một năm học, các em chỉ tham gia 2 kỳ thi là thi hết kỳ I và thi cuối năm. Do đó, khi kết thúc lớp 5 sẽ không còn phân loại học sinh khá, giỏi như trước mà chỉ có đạt hoặc không đạt. Đối với các trường THCS bình thường, việc xét tuyển dựa vào kết quả thi của các em trong các năm học tiểu học không có vấn đề gì. Nhưng với các trường chất lượng cao (CLC), đòi hỏi phải tuyển học sinh thực sự có năng lực trên phạm vi địa bàn rộng thì đây là một bài toán khó. Bởi hiện nay, các trường CLC không có nhiều căn cứ phân loại để xét tuyển học sinh và cũng không có khả năng kiểm soát kết quả học tập thực chất của các em trong suốt các năm tiểu học.
2 năm trước, các trường THCS CLC ở TP Hải Dương đều xét tuyển theo kết quả điểm thi cuối năm từ lớp 1 - 5 của các em. Nhưng năm học 2017-2018 này, theo chỉ đạo chung của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, hình thức xét tuyển vào các trường đã thay đổi cho phù hợp. Từ năm nay sẽ tính tổng điểm kết quả học tập trong học bạ cấp tiểu học của các thí sinh đăng ký (nghĩa là lấy cả điểm thi học kỳ 1 và điểm thi cuối năm của các năm học). Trong trường hợp các em có tổng điểm bằng nhau, sẽ xét điểm khuyến khích là tổng điểm thưởng của các giải mà học sinh đoạt được trong các cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng, giải toán trên mạng. Trường hợp có các học sinh cộng điểm khuyến khích vẫn bằng điểm nhau thì tiếp tục xét tiêu chí ưu tiên các em là liên đội trưởng, liên đội phó, lớp trưởng.
|
Các trường đào tạo CLC ở huyện Cẩm Giàng lại xét tuyển bằng cách cộng điểm kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm đối với môn tiếng Việt, toán (từ lớp 1 đến lớp 5); môn khoa học, lịch sử, địa lý (lớp 4 và 5); môn tiếng Anh (các lớp 3, 4, 5). Sau tiêu chí "cứng", trong trường hợp các em bằng điểm, các trường cũng đặt ra tiêu chí phụ là kết quả các cuộc giao lưu, "sân chơi" trí tuệ mà các em tham gia, theo thứ tự ưu tiên cấp bộ, cấp tỉnh, huyện.
Trường THCS Chu Văn An (Chí Linh) thực hiện xét tuyển trên cơ sở tổng điểm kiểm tra cuối năm môn toán, tiếng Việt lớp 5. Đối với những học sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, sẽ xét ưu tiên theo thứ tự các tiêu chí sau: tổng điểm kiểm tra môn toán, tiếng Việt cuối kỳ I lớp 5; tổng điểm kiểm tra môn toán, tiếng Việt cuối năm lớp 4.
Đáng nói là song song với quy định cấm thi tuyển vào lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định không tổ chức thi học sinh giỏi, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các "sân chơi" trí tuệ đối với học sinh tiểu học. Vì vậy, các cuộc thi này hoàn toàn mang tính tự nguyện. Do đó, nếu các trường lấy các tiêu chí phụ là kết quả các cuộc thi, hội thi có tính chất như trên là hoàn toàn thiếu tính thuyết phục. Nó sẽ khiến mất đi tính chất tự nguyện của các cuộc thi, thậm chí buộc nhiều em học sinh tiểu học dù không muốn nhưng vẫn phải tham gia để có điều kiện "đủ" khi đăng ký xét tuyển vào các trường CLC. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng kết quả của các cuộc thi trên mạng, "sân chơi" trí tuệ rất khó kiểm soát tính chính xác.
Lo sợ chất lượng...ảo
Nhiều học sinh tiểu học dù không muốn nhưng vẫn phải tham gia các hoạt động giao lưu, các "sân chơi"
trí tuệ để có điều kiện "đủ" khi đăng ký xét tuyển vào các trường chất lượng cao
Dù thực hiện theo đúng quy định nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc xét tuyển theo hình thức này rất dễ khiến cho trường nhận phải học sinh chưa thực sự tốt và để lọt mất những học sinh giỏi thật sự. Thầy giáo Nguyễn Văn Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) thừa nhận việc xét tuyển nếu chỉ tính điểm cuối năm của học sinh sẽ rất khó bảo đảm sự công bằng, chính xác. Vì vẫn có thầy cô có tâm lý cuối năm "nới lỏng" việc chấm điểm cho học sinh để các em có một học bạ đẹp khi kết thúc năm học. Có chăng điểm cuối học kỳ I mới là điểm thầy cô chấm thực chất để các em phấn đấu. Bên cạnh đó thì cũng không ai dám khẳng định "bệnh thành tích" trong ngành giáo dục đã chấm dứt. Và có nhiều lý do khác nữa có thể sẽ giúp cho học bạ của rất nhiều học sinh được "tô màu hồng". Mà tất cả những điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của các trường CLC. Do đó, dù có hay không thay đổi phương thức xét tuyển thì các trường cũng sẽ đối mặt với nguy cơ tuyển phải học sinh chất lượng không cao, mất học sinh có năng lực thực sự.
Trường THCS Nguyễn Huệ (Cẩm Giàng) hằng năm đều có quy chế về tuyển chọn học sinh. Dù nhà trường thực hiện rất nghiêm túc khâu xét tuyển nhưng mấy năm gần đây, sau một quá trình học tập vẫn có những học sinh không đáp ứng được yêu cầu, buộc nhà trường phải chuyển trả lại các trường địa phương.
Ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng cho rằng nên duy trì việc thi tuyển để các trường có thước đo làm chuẩn cho việc xét tuyển đầu vào của mình. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều chuyên gia giáo dục khác.
NGỌC THANH