10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 10.7
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 17:19, 10/07/2017
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức và làm việc tại Vương quốc Hà Lan, sáng 10.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trường Đại học Wageningen tại TP Wageningen. Rạng sáng cùng ngày, theo giờ Hà Nội, tại thủ đô hành chính La Hay (Den Haag), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Hà Lan. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Vamed của Áo Ernst Wastler; Lãnh đạo Liên minh Doanh nghiệp châu Âu - ASEAN (EABA) và Ban lãnh đạo Phòng Thương mại Hà Lan - Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan khu triển lãm các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của một số công ty Hà Lan và sinh viên Việt Nam tại Trường đại học Wageningen. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Ngày 10.7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn đại biểu Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến thăm Tổng Giám mục Phao lô Bùi Văn Đọc, Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý đức tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam; thăm Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đã đến thăm Hiệp sỹ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, một người Công giáo tiêu biểu trong hoạt động xã hội với tinh thần “tốt đời đẹp đạo” và “kính Chúa - yêu nước”. Trong ảnh: Đồng chí Trần Thanh Mẫn thăm Tổng Giám mục Phao lô Bùi Văn Đọc, Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27.7.1947 – 27.7.2017, sáng 10.7, tại Hà Nội, Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Chương trình gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu TP Hà Nội. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đến dự. Trong ảnh: Đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức họp bàn giải pháp, hướng tháo gỡ, xử lý các dự án chưa hiệu quả của tập đoàn. Theo đó, thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án yếu kém, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia Tổ công tác. Dự án nào có thể tiếp tục triển khai, đi vào sản xuất thì theo nguyên tắc thị trường, các đơn vị, các cổ đông phải vào cuộc tháo gỡ, hỗ trợ để đi vào sản xuất. Dự án nào không khả thi thì nghiên cứu bán cổ phần, thậm chí là cho phá sản. Trong ảnh (tư liệu): Dự án Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Lò lu Đại Hưng (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) là một trong những lò gốm tồn tại lâu năm với gần 160 năm tuổi và đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Các sản phẩm chủ yếu là lu, chum, vại, khạp, hũ... được sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống hàng ngày của người dân. Trung bình mỗi tháng, Lò lu Đại Hưng xuất xưởng khoảng 1 triệu sản phẩm các loại, tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia. Hiện nay, cơ sở sản xuất giải quyết việc làm ổn định cho 30 công nhân với mức lương trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Sản phẩm lu được các ghe thuyền thu mua vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
Ngày 10.7, báo Izvestia đưa tin Nga đang cân nhắc khả năng giảm cấp độ đại diện ngoại giao tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuống đại biện lâm thời, sau khi Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko rời khỏi cương vị hiện tại. Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định trên được đưa ra do NATO không muốn tham gia các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và luôn biến mọi cuộc thảo luận trở thành những cáo buộc chống lại Moskva. Trong ảnh (tư liệu): Ông Alexander Grushko tại văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở Moskva ngày 17.7.2007. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 9.7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã chỉ thị lực lượng Chính phủ nước này truy quét những tay súng cuối cùng thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại thành phố miền Bắc Mosul. Chỉ thị trên được đưa ra trong chuyến thị sát của ông al-Abadi đến Thành cổ Mosul. Thủ tướng cũng chúc mừng lực lượng ủng hộ Chính phủ đã giải phóng thành phố này khỏi phiến quân IS. Tuy nhiên, ông lưu ý “chiến thắng sẽ không được tuyên bố chính thức” cho đến khi những phiến quân cuối cùng bị đánh đuổi khỏi Mosul. Trong ảnh: Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi (phải, phía trước) cùng các sĩ quan chỉ huy tại Mosul sau khi thành phố cổ được giải phóng hoàn toàn khỏi IS ngày 9.7. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Nga tại khu vực Tây Nam Syria nên được mở rộng ra toàn lãnh thổ Syria. Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Qasemi nhấn mạnh: "Thỏa thuận (ngừng bắn) có thể thành công nếu được mở rộng ra toàn Syria và bao trùm tất cả khu vực mà chúng ta đã thảo luận trong vòng đàm phán tại Astana về giảm leo thang căng thẳng (ở Syria)". Mỹ, Nga và Jordan hôm 7.7 đã tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn và "thỏa thuận giảm leo thang" ở Tây Nam Syria sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức). Trong ảnh: Khói bốc lên sau một cuộc không kích tại khu vực do phiến quân kiểm soát tại thành phố Daraa, miền Bắc Syria ngày 22.5. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10.7, hải quân Hàn Quốc đã tiếp nhận một tàu ngầm 1.800 tấn mới mang tên Yu Gwan-sun nhằm tăng cường khả năng đối phó với các cuộc tấn công dưới nước trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Bán đảo Triều Tiên liên quan đến các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc thông báo đây là chiếc tàu ngầm thứ 6 thuộc lớp Jang Bogo-II, dự kiến được đưa vào hoạt động trong tháng 12 tới sau khi thủy thủ đoàn được huấn luyện. Chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel hàng đầu trên thế giới này có khả năng đối phó cùng lúc hơn 300 mục tiêu dưới nước. Tàu được trang bị hệ thống ắc quy nhiên liệu, có thể thực hiện các chiến dịch dưới nước kéo dài ít nhất 10 ngày mà không cần nổi lên. Trong ảnh: Tàu ngầm Yu Gwan-sun được đưa vào vận hành thử nghiệm ngày 10.7. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 9.7 đã bỏ phiếu thường niên bình chọn 33 danh thắng mới tại phiên họp ở Krakow, Ba Lan. Theo đó, UNESCO đã tôn vinh thêm nhiều địa danh vào danh sách Di sản thế giới mới. Trong ảnh (tư liệu): Quang cảnh bên trong mỏ khai thác bạc cổ ở Tarnowskie Gory, miền nam Ba Lan ngày 26.2.2016. Mỏ khai thác bạc cổ này là một trong những di tích vừa được UNESCO công nhận Di sản thế giới mới. Ảnh: EPA/TTXVN