Thiếu gạo làm bún, bánh đa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:11, 17/07/2017

Hải Dương đang dư thừa nguồn thóc gạo cung cấp cho bữa ăn hằng ngày của người dân, nhưng nguồn nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề làm bún, bánh đa lại thiếu thốn.



Vào lúc khan hiếm nguyên liệu, các hộ sản xuất ở làng nghề bánh đa Lộ Cương thường bị ép giá


Do không chủ động được nguyên liệu nên nhiều hộ sản xuất đã phải nếm "trái đắng" khi mua phải gạo kém chất lượng.

Nhu cầu lớn

Tỉnh ta có nhiều làng nghề làm bún, bánh đa. Tuy nguồn thóc gạo phong phú song ít loại gạo phù hợp để làm bún, bánh đa. Nhiều năm qua, các làng nghề chủ yếu sử dụng giống VN10, Q5, Khang dân 18 để chế biến vì những loại gạo này mới tạo ra bún, bánh có độ dai hoặc giòn mà nhiều loại gạo khác không đáp ứng được. 

Làng nghề bún Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) hiện còn gần 70 hộ làm nghề. Mỗi ngày, làng nghề cung cấp ra thị trường 15 - 20 tấn bún. Để có được lượng bún như vậy, các hộ phải sử dụng 7 - 10 tấn gạo. Hơn 20 năm nay, người dân trong làng đều làm bún bằng gạo giống VN10. Trước đây, 70 - 80% lượng gạo nguyên liệu phục vụ nhu cầu của làng nghề lấy từ các vùng sản xuất trong tỉnh. Nhưng nhiều năm nay, giống lúa này không còn trong cơ cấu giống của tỉnh nên rất ít địa phương gieo cấy. Do đó, các hộ sản xuất của làng nghề hầu như phải nhập gạo từ tỉnh Thái Bình.

Theo bà Lê Thị Kiểu, Trưởng thôn Đông Cận, hiện nay, số lượng hộ làm nghề của thôn tuy giảm nhưng do được làm chủ yếu bằng máy nên lượng hàng tăng thêm khoảng 30% so với trước. Xã có cấy giống VN10 nhưng mỗi năm chỉ cung cấp được nguyên liệu cho làng nghề hoạt động vài ngày.

Anh Lê Văn Bằng, đại lý cung cấp thóc, gạo ở làng nghề Đông Cận cho biết: "Mỗi tháng, gia đình tôi cung cấp cho các hộ sản xuất 40 - 50 tấn gạo, trong đó gần 90% nhập từ tỉnh Thái Bình. Thỉnh thoảng tôi có thu mua trong tỉnh nhưng số lượng nhỏ lẻ, rất bất tiện". 

Làng nghề bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cũng rơi vào cảnh thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ. Mỗi ngày, làng nghề sử dụng khoảng 40 tấn gạo, chủ yếu là giống Q5. Trước đây giống lúa Q5 được gieo cấy phổ biến trong tỉnh nên làng nghề không phải lo nguồn nguyên liệu đầu vào. Song hiện nay, diện tích cấy giống Q5 ngày càng giảm. Để có đủ nguyên liệu cung cấp cho làng nghề sản xuất ổn định, các đại lý phải đi thu gom ở nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên...

Nhiều rủi ro

Từ việc địa phương không đáp ứng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, phải thu mua từ nhiều địa phương khác nên hầu hết các làng nghề gặp phải tình trạng nguồn nguyên liệu bấp bênh, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Anh Lê Văn Tần ở làng nghề Đông Cận cho biết làng nghề chỉ được cung cấp gạo bảo đảm số lượng, chất lượng và giá cả ổn định trong thời gian từ tháng 5 - 9 hằng năm. Những năm thời tiết bất thường ảnh hưởng đến năng suất lúa, anh phải mua gạo với giá cao. Ngoài ra, gạo rất dễ bị pha trộn với loại khác. "Nếu bị pha với gạo Q5 thì đỡ, còn lẫn những loại gạo dẻo thì bún bị ướt, quá mềm, không còn độ dai cần thiết. Đặc biệt, khi giá gạo tăng, các hộ không thể tăng giá bán bún ngay được nên càng làm nhiều càng lỗ", anh Tần nói.

Anh Vũ Văn Vì ở làng nghề bánh đa Lộ Cương cũng cho biết trong mấy chục năm làm nghề, gia đình anh thường xuyên mua phải gạo bị pha trộn. Anh Vì kể: "Cách đây vài năm, khi giá gạo cao, gia đình tôi mua phải mấy tấn gạo kém chất lượng. Bánh làm ra không trắng, dai như bình thường. Một thời gian sau khi chúng tôi giao hàng, các nhà hàng đều đem trả lại. Những mẻ hàng đó coi như chúng tôi mất trắng. Những lúc gạo khan hiếm hay bị thương lái ép giá".

Để chủ động việc sản xuất, nhiều hộ phải xây nhà kho, bỏ ra số tiền lớn mua hàng dự trữ. Anh Tần cho biết thêm vào thời kỳ giáp hạt, lúc nào gia đình anh cũng tích trữ 15 - 30 tấn gạo để đủ dùng trong 3 tháng. Gia đình nào không có tiềm lực kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

DANH TRUNG

Trong 2 năm 2016 và 2017, Công ty CP Giống cây trồng tỉnh thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất trình diễn giống lúa mới SHPT 3 chịu ngập, năng suất cao tại các vùng hay ngập úng trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Đề tài sản xuất trình diễn 50 ha tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Qua thực tế gieo cấy, giống lúa này đạt năng suất 69 - 75 tạ/ha. Nếu thâm canh tốt có thể đạt 80 tạ/ha. Đặc biệt, giống lúa này có chất lượng gạo tương tự như giống Khang dân 18, Q5, phù hợp để chế biến bún, bánh đa. Thời gian tới, nếu giống này được nhân rộng trên địa bàn tỉnh sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các làng nghề bún, bánh đa của tỉnh.