Khổ vì chậm giải phóng mặt bằng
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:02, 20/07/2017
Do chậm giải phóng mặt bằng, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh triển khai dở dang, tác động xấu đến môi trường kinh doanh của tỉnh...
Sau 4 năm triển khai, dự án khu dân cư Thanh Bình (TP Hải Dương) vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng
Nhiều dự án chậm
Dự án khu dân cư (KDC) Thanh Bình (TP Hải Dương) do Công ty CP Đầu tư Newland làm chủ đầu tư được UBND tỉnh giao đất từ năm 2013. Sau gần 4 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành GPMB. Hiện tại, dự án vẫn còn gần 4.100 m2 đất của 11 hộ dân chưa GPMB. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến kiến nghị của các hộ dân về đơn giá bồi thường thấp và vị trí đất giao tái định cư không phù hợp. Mặc dù UBND TP Hải Dương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng chưa nhận được sự hợp tác từ các hộ dân. Ông Nguyễn Đình Khuyến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Newland chi nhánh Hải Dương cho biết ngoài dự án KDC Thanh Bình, một số dự án khác công ty đang triển khai như: KDC phía nam đường Tôn Đức Thắng, khu nhà ở phường Nhị Châu, KDC đô thị Tân Phú Hưng, KDC mới thuộc khu 9 phường Hải Tân cũng đang vướng trong GPMB. Do chậm GPMB nên công ty chưa thể xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, tiến độ dự án không bảo đảm, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thành phố.
Tại thị xã Chí Linh, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KDC tập trung thị trấn Sao Đỏ (nay là phường Sao Đỏ) do Công ty CP Việt Tiên Sơn làm chủ đầu tư được phê duyệt và triển khai từ năm 2004 với tổng diện tích gần 16,6ha. Hiện tại, dự án vẫn còn gần 1,6 ha của 36 hộ dân chưa được GPMB. Đã hơn 12 năm triển khai đầu tư nhưng nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa có mặt bằng để thực hiện, nhất là các công trình giao thông, công viên, hồ nước, cây xanh... Nhiều điểm của dự án chưa thể đấu nối, liên kết với các khu vực lân cận theo quy hoạch đã được phê duyệt...
Cùng trên địa bàn thị xã Chí Linh, dự án KDC đô thị hồ Mật Sơn cũng rơi vào trường hợp tương tự. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành. Giai đoạn 2 vừa được điều chỉnh quy hoạch do ảnh hưởng của dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 37. Còn khoảng 1 ha đang khó khăn trong GPMB, liên quan đến 12 hộ dân vì những yêu cầu về mức bồi thường, hỗ trợ không phù hợp. Các hộ dân không cho kiểm kê tài sản, hoa màu trên đất hoặc không ký vào biên bản đã kiểm kê... Vì vậy, nhiều năm qua, dự án này cũng vẫn không thể hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị và nhất là bảo đảm liên kết quy hoạch với các khu vực lân cận.
Tất cả đều thiệt
Chậm GPMB ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân có đất bị thu hồi. Đặc biệt, việc chậm GPMB một số dự án trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường đầu tư, kéo lùi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm vừa qua. Ông Đoàn Trọng Thái, cán bộ GPMB Công ty CP BOT38, chủ đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38 đoạn nối quốc lộ 1 và quốc lộ 5 qua tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương cho biết do chậm trễ trong GPMB nên dự án đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm. Là dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT, nguồn vốn vay chiếm tới 85% tổng mức đầu tư nên việc đưa dự án vào khai thác càng chậm, chủ đầu tư càng thiệt hại. Ngoài lãi vay, nhà đầu tư còn phải trả thêm hàng loạt chi phí phát sinh về nhân lực, máy móc, vật tư, trang thiết bị...
Ông Nguyễn Đình Khuyến cho rằng chậm GPMB sẽ ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể dự án. Việc bố trí máy móc, con người trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chưa hoàn thành GPMB nên việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước cũng không thể thực hiện được.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, toàn tỉnh còn hàng chục dự án chậm tiến độ do vướng trong GPMB, tập trung ở các dự án xây dựng khu đô thị, KDC mới, giao thông, điện... Bà Nguyễn Thị Như Trang, Trưởng Phòng Giá đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết do cơ chế, chính sách liên tục thay đổi, nhận thức của người dân về chế độ bồi thường, hỗ trợ chưa đầy đủ, công tác quản lý hồ sơ, tài liệu, giấy tờ chưa chặt chẽ...; nhiều trường hợp chây ỳ, cố tình đòi hỗ trợ, bồi thường không đúng với quy định là những nguyên nhân chính dẫn đến vướng mắc trong GPMB của nhiều dự án. Việc chậm GPMB các dự án khu đô thị, KDC mới ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu của tỉnh, tác động không tốt tới tâm lý người dân. Một số dự án sản xuất không thể triển khai khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi muốn đầu tư vào Hải Dương. Điều này tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, kéo giảm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo các nhà đầu tư, để công tác GPMB thực sự hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành thì công tác tuyên truyền, vận động cần được chú trọng để người dân đồng thuận trong triển khai các dự án. Mấu chốt quan trọng nhất là duy trì ổn định cơ chế, chính sách theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
VỊ THỦY - THÀNH LONG