10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 22.7

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:00, 22/07/2017

Khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Thượng viện Ba Lan thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao... là những sự kiện nổi bật ngày 22.7.



Tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia, sáng 22.7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Thượng viện Canmpuchia Samdech Say Chhum, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hoàng cung Samdech Kong Som Ol đã cắt băng khánh thành Đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại tỉnh Preah Sihanouk. Dự buổi lễ có nhiều quan chức cấp cao của hai nước, hàng nghìn quần chúng và bà con Việt kiều tại Campuchia. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Tượng đài Hữu nghị Việt Nam- Campuchia. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN



Chiều 22.7, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Quảng Nam. Trước đo, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017) và tổng kết 20 năm thực hiện chính sách người có công với cách mạng (1997-2017) của xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN



Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Đề án nhằm tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng các tổ chức tín dụng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng SHB chi nhánh Sóc Trăng. Ảnh: Trần Việt – TTXVN



Kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2017 (IMO 2017) được tổ chức tại Brazil từ 12-23.7 với hơn 600 thí sinh của 112 đoàn. Đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi gồm 6 học sinh và đều đoạt huy chương, trong đó có 4 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB), 1 huy chương đồng (HCĐ), đứng thứ ba trong bảng tổng sắp không chính thức (sau Hàn Quốc, Trung Quốc). Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Olympic Toán quốc tế của Việt Nam. Trong ảnh (từ trái qua phải): Hoàng Hữu Quốc Huy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đoạt HCV; Đỗ Văn Quyết, học sinh Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) đoạt HCĐ; Nguyễn Cảnh Hoàng, học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đoạt HCV; Lê Quang Dũng, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đoạt HCV; Phạm Nam Khánh, học sinh lớp 11A, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đoạt HCB; Phan Nhật Duy, học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đoạt HCV. Ảnh: Quý Trung – TTXVN



Mưa lớn và dông tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong 2 ngày 20-21.7 khiến mực nước trên hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục dâng cao lên đến 106,4m. Thực hiện Công điện số 25 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, vào hồi 11 giờ ngày 21.7 và 6 giờ ngày 22.7, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa xả đáy số 3, bảo đảm an toàn cho hồ Hòa Bình có dung tích chứa hơn 9 tỷ m3 nước. Trong ảnh: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa xả đáy số 3. Ảnh: Vũ Hà - TTXVN



Tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết huyết có chiều hướng tăng cao và diễn biến phức tạp so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong 10 ngày đầu tháng 7.2017, số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại một số tỉnh tăng đột biến gần 125 lần so với cùng thời điểm năm 2016. Tại Cần Thơ và một số tỉnh, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7 do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh tăng nhanh, số ca sốt xuất huyết theo đó cũng tăng nhanh so với các tháng trước. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN



Rạng sáng 22.7, sau cuộc thảo luận căng thẳng xuyên đêm, Thượng viện Ba Lan đã thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao, động thái được coi là thách thức lời đe dọa trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và những người chỉ trích trong nước. Để chính thức trở thành luật, dự thảo trên cần được Tổng thống Andrzej Duda  ký ban hành. Ông Duda là một đồng minh của đảng bảo thủ Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền hiện đang kiểm soát cả hai viện. Hàng chục nghìn người biểu tình đã tụ tập tại thủ đô Vácsava và nhiều thành phố trên cả nước trong đêm 21.7 để thắp nến cầu nguyện, nhằm thể hiện sự phản đối dự luật cải cách tư pháp trên. Trong một cuộc thăm dò do đài truyền hình tư nhân TVN thực hiện ngày 21.7, có tới 55% người được hỏi cho rằng Tổng thống Duda nên phủ quyết dự luật trên, trong khi 29% muốn ông ký ban hành văn bản này. Trong ảnh: Cuộc họp của Thượng viện Ba Lan ngày 22.7. Ảnh: EPA/TTXVN



Ít nhất 3 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và các lực lượng an ninh Israel ở khu Bờ Tây và Jerusalem trong ngày 21.7. Căng thẳng đã gia tăng sau khi Israel triển khai các biện pháp an ninh mới tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa - một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông - nhằm hạn chế sự qua lại của các tín đồ Hồi giáo, bao gồm lắp đặt các cổng từ an ninh tại lối vào đền thờ Hồi giáo này. Dự đoán trước về các cuộc biểu tình, cảnh sát Israel đã cấm những người đàn ông dưới 50 tuổi vào thành cổ Jerusalem để cầu nguyện, trong khi tất cả phụ nữ vẫn được phép ra vào khu vực này. Cảnh sát Israel cho biết việc sử dụng các cổng từ an ninh vẫn được tiến hành nhưng không nhất thiết bắt buộc tất cả mọi người phải đi qua cổng để kiểm tra. Trong ảnh: Binh sĩ Israel kiểm tra an ninh tại lối vào khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Ảnh: EPA/TTXVN



Ngày 21.7, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã bổ sung 29 triệu USD để hỗ trợ khu vực Đông Phi giải quyết nạn đói và thiếu lương thực trầm trọng. FAO cho biết số tiền viện trợ trên được sử dụng để cung cấp hạt giống, phương tiện sản xuất, nâng cấp hệ thống thủy nông… cho các hộ nông thôn ở những khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột vũ trang và hạn hán kéo dài. FAO cho biết số người cần được hỗ trợ nhân đạo ở 6 quốc gia Đông Phi (bao gồm Somalia, Nam Sudan, Ethiopia, Tanzania, Kenya và Uganda) hiện ước tính lên tới khoảng 16 triệu người, tăng 30% so với cuối năm 2016. Trong ảnh: Trẻ em Somalia bị suy dinh dưỡng do ảnh hưởng của nạn đói chờ điều trị tại ngoại ô Mogadishu. Ảnh: AFP/TTXVN



Ngân hàng Mỹ Bank of America (BofA) vừa thông báo sẽ chuyển trụ sở quản lý hoạt động kinh doanh ở châu Âu của hãng từ London (Anh) sang Dublin của CH Ireland nhằm chuẩn bị cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Trong thông báo ngày 21.7, BofA cho biết thủ đô của CH Ireland là một "địa điểm thích hợp hơn" cho các thực thể pháp lý của ngân hàng ở EU trong bối cảnh Anh sẽ rời EU. Trước đó, trong tuần này, hai ngân hàng lớn của Mỹ là Morgan Stanley và Citigroup cũng đã ngỏ ý chọn Frankfurt của Đức làm nơi đặt trụ sở mới sau khi Anh chính thức rời EU, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019. Trong ảnh: Hệ thống máy rút tiền tự động của Ngân hàng Bank of America (BofA). Ảnh: AFP/TTXVN