Bão số 4 tăng tốc, chiều nay đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Trị
Môi trường - Ngày đăng : 15:12, 25/07/2017
Bão số 4 di chuyển nhanh lệch Tây, trong khoảng 16-19h hôm nay sẽ đổ bộ vào khu vực nam Hà Tĩnh - Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Tại cuộc họp trực tuyến với 6 tỉnh từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế ứng phó với bão số 4 sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, những giờ qua, bão số 4 (tên quốc tế là Sonca) chủ yếu di chuyển theo hướng Tây thay vì Tây Tây Bắc như ban đầu.
Lúc 8h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 180km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Chiều tối nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào nam Hà Tĩnh - Quảng Trị
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Trong khi suốt cả ngày hôm qua, bão số 4 gần như không dịch chuyển.
16-19h hôm nay, bão cập bờ khu vực nam Hà Tĩnh - Quảng Trị, trong đó trọng tâm là Quảng Bình - bắc Quảng Trị với sức gió còn khoảng cấp 7-8, giật cấp 9-10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trước khi bão đổ bộ, từ trước đó 3 giờ, vùng tâm bão đã có gió mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) hiện có gió mạnh cấp 6, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh.
Ông Cường cảnh báo, bão số 4 sẽ kèm theo mưa rất lớn, ngay từ sáng nay khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa và sẽ mưa cấp tập đến tối với lượng từ 200-250mm, nguy cơ lũ cấp 1-2 rất cao, lũ quét, sạt lở đất rất đáng ngại. Khi vào sâu đất liền, mưa sẽ giảm.
Về tình hình tàu thuyền, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết vẫn còn 520 tàu với gần 3.400 phương tiện hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa chưa vào nơi trú tránh an toàn. Trong đó Bình Định nhiều nhất với 240 tàu.
Cưỡng chế ngư dân lên bờ
Báo cáo tại cuộc họp, các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho biết đã yêu cầu cấm biển từ chiều qua.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã tiến hành di dời ngư dân trên các lồng bè, chòi canh; các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích được 75-100% nước, do đó sẽ chủ động điều tiết giảm lũ, riêng thuỷ điện Hố Hô, theo tính toán sẽ còn chịu được lượng mưa 400mm; đã cử cán bộ giám sát tại các hồ xung yếu 24/24.
Tại Nghệ An, Phó chủ tịch tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết, chậm nhất 2h chiều nay, các tàu sẽ vào nơi neo đậu an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương kiên quyết đưa ngư dân lên bờ
Việc tìm kiếm tàu chở than VTB26 với 2 thuyền viên mất tích phải tạm ngưng. Tỉnh cũng hoãn các cuộc họp không cần thiết để chống bão số 4, yêu cầu các địa phương không được chủ quan.
Đáng lo, đã có 263/625 hồ của Nghệ An tích đầy nước, số còn lại đạt trên 70% dung tích. Do đó tỉnh yêu cầu các hồ xung yếu không được tích nước.
Đánh giá bão số 4, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đây là cơn bão trái vụ, thông thường từ cơn bão số 1-4 đều đổ bộ vào Bắc Bộ.
“Chỉ 8 ngày hình thành 2 cơn bão, thời gian gấp gáp. Bão số 4 lại đổ bộ đúng vào nơi vừa chịu tổn thương bão số 2, khu vực này địa hình dốc, cả đất và rừng đều đã trương no nước”, Bộ trưởng lo lắng.
Bão đổ bộ sớm đúng giai đoạn mẫn cảm với sản xuất nông nghiệp, hơn 9.000 ha lúa đang trong thời kỳ làm đòng.
Bộ trưởng Cường đề nghị các địa phương không chủ quan, khu vực bão vào là vùng xung yếu, do đó chỉ cần bão cấp 5-6 và mưa chỉ 100-150mm đã gây nguy hiểm rồi.
Các địa phương đặc biệt chú ý đến việc sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền, kiên quyết không để dân trên tàu, cần thiết có thể áp dụng biện pháp hành chính để cưỡng chế, không để tai nạn đáng tiếc như vụ chìm tàu VTB26 vừa qua.
Bộ trưởng cũng lưu ý dọc sườn Tây các tỉnh Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ phải đề phòng lũ ống, lũ quét. Khu vực càng gần rừng càng rủi ro nhiều hơn, do đó những chỗ xung yếu kiên quyết di dời dân. Tại các đập tràn khi mua lớn phải có lực lượng canh gác.
Với các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện, tuyệt đối không tích nước tại những hồ xung yếu, phải xả lũ đúng quy trình, tổng kiểm tra các đê điều xung yếu.
“Tại Hà Tĩnh, phải đặc biệt lưu ý thuỷ điện Hố Hô, tránh trường hợp xả lũ như tháng 11.2011 khiến huyện Hương Khê ngập sâu 11m”, Bộ trưởng lưu ý.
Theo Vietnamnet