Mối nguy từ xuất khẩu lao động bất hợp pháp
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:56, 26/07/2017
Nhiều người khi tham gia xuất khẩu lao động đã không chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như nước sở tại, gây nhiều rủi ro cho bản thân...
Người lao động trong tỉnh đăng ký đi lao động ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS
Nhiều năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhiều người khi tham gia XKLĐ đã không chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như nước sở tại, gây nhiều rủi ro cho bản thân và những hệ lụy cho xã hội.
Rủi ro
Đầu tháng 7 vừa qua, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin ngư dân Trung Quốc vớt được 9 thi thể nghi là người Việt Nam tại vùng biển thuộc tỉnh Quảng Đông. Qua giám định, cơ quan chức năng của 2 nước đã xác định được danh tính 7 người. Trong đó có thi thể của anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1986) ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số lao động trên không thuộc diện quản lý của cục cũng như các doanh nghiệp XKLĐ. Như vậy có thể khẳng định họ đã đi XKLĐ chui.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, bố anh Dũng cho biết anh rời khỏi nhà vào cuối tháng 3. Đi được mấy ngày, anh nhắn tin về cho gia đình nói là sang Trung Quốc làm việc. Sau đó gia đình hoàn toàn mất liên lạc với anh. Đến cuối tháng 6 vừa qua, khi nhận thông tin chính xác từ cơ quan chức năng, gia đình ông Duẩn sang Quảng Đông (Trung Quốc) nhận xác anh Dũng về. Éo le là anh Dũng mất để lại quá nhiều gánh nặng cho gia đình. Hai đứa con anh còn nhỏ. Căn nhà hai vợ chồng anh đang xây dang dở, không biết khi nào mới có thể hoàn thiện vì các khoản nợ chất chồng. Ngay đợt sang mang tro cốt anh về, gia đình cũng phải chi phí gần 100 triệu đồng.
XKLĐ bất hợp pháp ngoài hình thức đi "chui" còn có tình trạng lao động sau khi sang nước ngoài làm việc đã tự ý bỏ trốn ra ngoài. Một số người trốn ra ngoài không may gặp tai nạn phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Anh Nguyễn Văn Dụ ở xã Kim Giang (Cẩm Giàng) sang làm việc ở Đài Loan được hơn 1 năm thì trốn ra ngoài làm với lý do lương thấp. Sau đó anh bị tai nạn. Vì không có hợp đồng lao động nên anh phải chi phí rất nhiều cho việc điều trị dài ngày trong bệnh viện. Hội Đồng hương Hải Dương ở Đài Loan đã phải đứng lên kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ anh Dụ vượt qua khó khăn.
Hải Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc. Tính đến hết tháng 1.2017 có 879 người sau khi hết hạn hợp đồng lao động đã không chịu về nước mà cố tình ở lại Hàn Quốc làm việc "chui". Hệ lụy của việc làm này đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh liên tiếp trong 2 năm 2016 và 2017 bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS).
Thay đổi nhận thức cho người lao động
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ tính trong năm 2016, các doanh nghiệp tổ chức XKLĐ cho 7.524 người. Trong đó thị trường chủ yếu là Đài Loan với 5.222 người, chiếm 69,4%. Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh ta cũng có nhiều lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. Vì vậy những vi phạm chủ yếu về XKLĐ cũng phổ biến ở 2 thị trường này.
Phần lớn những hành vi bất hợp pháp của người lao động khi tham gia XKLĐ đều không nảy sinh từ đầu. Họ đã từng hoặc đang tham gia XKLĐ hợp pháp, sau đó mới phát sinh vi phạm. Cụ thể như trường hợp của anh Dũng kể trên. Trước đó, anh Dũng đã từng có 4 năm làm việc ở Đài Loan đi theo chương trình XKLĐ của một doanh nghiệp được cấp phép. Sau khi đã có các mối quan hệ quen biết, anh mới đi "chui" để giảm bớt chi phí, thủ tục. Những người lao động đang cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cũng là những người đã tham gia XKLĐ theo ngạch chính thống...
Để hạn chế rủi ro cho bản thân người lao động và tránh những hệ lụy xấu cho xã hội do XKLĐ bất hợp pháp gây nên, các ngành chức năng liên quan, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động trong XKLĐ. Đồng thời, cần tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ những chính sách ưu ái của Nhà nước trong hỗ trợ XKLĐ. Người lao động có nhu cầu cần tìm đến những đơn vị có thẩm quyền được cấp phép XKLĐ trong và ngoài tỉnh.
PV