Nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế ở Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:27, 27/07/2017

Đối với giảng viên Trường Chính trị, nghiên cứu thực tế là vấn đề hết sức quan trọng, là hoạt động không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy.


Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị đồng thời phải gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng”. Đối với giảng viên Trường Chính trị, nghiên cứu thực tế là vấn đề hết sức quan trọng, là hoạt động không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị là người giữ vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Giảng viên không chỉ là người trực tiếp truyền đạt những kiến thức khoa học, mang tính chất lý luận mà còn là người hướng dẫn học viên cách thức vận dụng kiến thức lý luận để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế.

Chính vì vậy, việc đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở là vô cùng cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không những giúp cho giảng viên tự cập nhật thông tin thực tiễn ở cơ sở, tạo điều kiện cho giảng viên có thêm bề dày kinh nghiệm, bảo đảm cho công tác giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu lý luận gắn liền với thực tiễn. Nghiên cứu thực tế còn giúp cho mỗi giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ có cơ hội trải nghiệm và nghiên cứu nhiều vấn đề mới của đời sống xã hội.

Thông qua nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên sẽ tích lũy được nhiều thông tin thực tế ở cơ sở và chắt lọc những thông tin đó vào bài giảng một cách hiệu quả nhất. Đối với giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị, việc bám sát thực tiễn, liên hệ thực tiễn để nắm bắt và lý giải những vấn đề thực tiễn sinh động, phong phú của đời sống đang đặt ra trên cơ sở lý luận khoa học là một yêu cầu cần thiết.

Một bài giảng lý luận có tính thực tiễn cao sẽ làm cho lý luận trừu tượng, phức tạp trở nên dễ tiếp thu hơn. Bài giảng chỉ thực sự sâu sắc, dễ hiểu và hấp dẫn người nghe nếu nó được bổ sung một cách thường xuyên những vấn đề sinh động, kịp thời của thực tiễn. Nghiên cứu thực tế còn nhằm mục đích để giảng viên nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, qua đó đối chứng, so sánh với lý luận để bổ sung vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, ngày 21.4.2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG “Về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, trong đó có Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy chế rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên, khẳng định giảng viên phải đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, đồng thời quy định giảng viên tập sự phải nghiên cứu thực tế 10 ngày/năm, giảng viên và giảng viên chính 15 ngày/năm, giảng viên cao cấp 7 ngày/năm.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác với phương châm: gắn lý luận với thực tiễn.

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm và xác định đây là một trong những hoạt động chuyên môn thường xuyên có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho mỗi bài giảng của giảng viên. Từ năm 2015, nhà trường đã ký chương trình phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh: Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh; thông qua chương trình phối hợp, giảng viên có nhiều điều kiện thuận lợi để nghiên cứu thực tế hoạt động của các tổ chức từ tỉnh xuống cơ sở.

Năm 2017, Ban giám hiệu đã liên hệ với Thường trực huyện ủy huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng và Thanh Hà; căn cứ vào nội dung giảng dạy của các khoa, đặc điểm tình hình của từng huyện; Ban giám hiệu chỉ đạo các khoa xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế tại các cơ sở trong huyện. Các khoa xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu thực tế trong năm của khoa và từng giảng viên, báo cáo với Ban giám hiệu, sau đó trao đổi với thường trực huyện ủy và các phòng, ban, đoàn thể có liên quan, thông qua đó nhằm thống nhất nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên trường chính trị, trách nhiệm của địa phương, cơ sở nơi giảng viên đến tìm hiểu thực tế; nắm đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của huyện và lĩnh vực cần tìm hiểu; giới thiệu giảng viên tìm hiểu thực tế ở cơ sở.

Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí cho giảng viên các khoa, phòng khi đi nghiên cứu thực tế. Điều này thể hiện rõ qua việc hằng năm nhà trường tổ chức cho cán bộ, giảng viên các đơn vị khoa, phòng đăng ký đi nghiên cứu thực tế tại cở sở xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; đồng thời Ban giám hiệu nhà trường còn phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức cho các cán bộ, giảng viên nhà trường đi nghiên cứu thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước. Những hoạt động đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu thực tế còn một số hạn chế cần khắc phục như: Nhận thức về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế ở một số cán bộ, giảng viên còn hạn chế, nội dung đăng ký nghiên cứu thực tế còn chung chung, chưa nêu rõ trọng tâm nghiên cứu chưa có chuyên đề phù hợp với công tác chuyên môn, bài giảng.

Một số ít cán bộ, giảng viên còn chưa thấy rõ ý nghĩa thiết thực của công tác nghiên cứu thực tế, chưa thực sự xác định rõ nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế của mình, chưa có ý thức tự giác lên kế hoạch và dành nhiều thời gian cho việc đi nghiên cứu thực tế, còn chưa coi trọng vốn kiến thức có được từ nghiên cứu thực tế là vốn thực tiễn rất phong phú và bổ ích cho công tác giảng dạy lý luận chính trị. Chất lượng báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế cuối năm còn chưa cao, chưa chú trọng đến tổng kết, phân tích, đánh giá những kết quả thu được sau đợt nghiên cứu đó.

Ngoài ra, còn có một vấn đề đặt ra là, một số ít địa phương, cơ sở quan niệm chưa đầy đủ về vấn đề nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị. Một số ít người còn cho rằng nghiên cứu thực tế là “xoi mói”, đồng nghĩa với kiểm tra, thanh tra định kỳ... nên cũng không phải trao đổi, báo cáo; mặt khác, họ ngại nói ra những vấn đề hạn chế, phức tạp, nhạy cảm của địa phương, cơ sở. Từ đó dẫn đến hạn chế chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị tỉnh Hải Dương. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu thực tế, đảm bảo gắn liền công tác nghiên cứu thực tế với công tác giảng dạy của giảng viên.

Hai là, nâng cao nhận thức về công tác nghiên cứu thực tế cho tất cả cán bộ, giảng viên, coi đây là hoạt động thực tiễn mà nhà trường tham gia cùng xã hội. Những vấn đề trong đời sống xã hội ở cơ sở rất đa dạng, phong phú, luôn vận động và phát triển. Vì vậy, qua nghiên cứu thực tế là để nhằm nắm bắt, cập nhật tình hình thông tin kinh tế - xã hội liên quan đến sự phát triển của từng địa phương, cơ sở. Với ý nghĩa đó, nhận thức đúng vai trò và nhiệm vụ của việc nghiên cứu thực tế cũng chính là hình thức tự học tập, tự nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống. Qua đó ta sẽ thu nhận được những thông tin bổ ích trong thực tiễn và biết lồng ghép, xử lý thông tin đó áp dụng vào tình huống trong bài giảng sao cho hợp lý, để cùng trao đổi với học viên tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương.

Ba là, tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối kết hợp chặt chẽ, tốt đẹp giữa nhà trường với các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố và các địa phương, cơ sở trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu thực tế của giảng viên. Với hoạt động nghiên cứu thực tế, việc tăng cường mối quan hệ phối kết hợp giữa nhà trường với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở là đặc biệt quan trọng, quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu thực tế.

Bốn là, giảng viên đi nghiên cứu thực tế phải thường xuyên cập nhật các thông tin tích lũy được từ địa phương. Báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế cuối năm phải có sự phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn những vấn đề đã được nghiên cứu và đưa các thông tin đó vào bài giảng một cách phù hợp, để mỗi bài giảng đều phải được lồng ghép nội dung lý luận với kiến thức thực tiễn đã được nghiên cứu.

Năm là,
không ngừng hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý hoạt động nghiên cứu thực tế. Việc xây dựng một quy chế, quy định cụ thể về hoạt động nghiên cứu thực tế là cần thiết, có cơ chế phù hợp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chỉ đạo, tổ chức triển khai, quản lý và đánh giá hoạt động nghiên cứu thực tế của nhà trường hằng năm.

Nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên đặt ra ở trường Chính trị tỉnh Hải Dương. Bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng sư phạm và tích cực thực hiện tốt mọi mặt để nâng cao chất lượng giảng dạy thì việc nghiên cứu thực tế cơ sở của giảng viên có một vai trò rất quan trọng nhằm giúp cho giảng viên có được những kiến thức thực tiễn sinh động để làm phong phú hơn cho bài giảng.

Mặt khác, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, sự nghiệp đổi mới cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi lý luận phải tiếp tục luận giải để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó cho thấy, lý luận gắn với thực tiễn luôn là một yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên trường chính trị nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay.

ThS. LÊ VĂN THỦY - Trưởng khoa Dân vận