Yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm: Lúc lờ đi, khi thực hiện dồn dập

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:01, 28/07/2017

Là một quy định không mới nhưng khi có yêu cầu gắn với quyền lợi sát sườn của giảng viên, các trường đại học, cao đẳng mới vội vàng thực hiện.



Trường Đại học Sao Đỏ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên


Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo và giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, chúng tôi thấy họ đều đồng tình với quy định giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vì lớp học nghiệp vụ này cung cấp nhiều kiến thức bổ ích. Giảng viên Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ khẳng định: "Việc quy định giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là cần thiết. Chương trình bồi dưỡng cung cấp những kiến thức tổng quan về giáo dục Việt Nam, thế giới, tâm lý, lý luận, đánh giá, sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ dạy học đại học".

Đối với những giảng viên không tốt nghiệp các trường sư phạm thì lớp bồi dưỡng là đợt trang bị kiến thức nghiệp vụ sư phạm rất bổ ích. Giảng viên Vũ Quang Ngọc, Trường Đại học Sao Đỏ cho biết: "Qua lớp bồi dưỡng, tôi tiếp cận được những phương pháp, kỹ năng sư phạm có tính hệ thống hơn. Sau đợt tập huấn, tôi có sự điều chỉnh, phân phối thời gian, phương pháp dạy học khác so với trước. Đó là không áp đặt kiến thức mà quan tâm đến việc gợi mở, khơi dậy khả năng tự nghiên cứu, tự khám phá của sinh viên".

Chương trình bồi dưỡng chứng chỉ không chỉ hữu ích cho giảng viên không tốt nghiệp các trường sư phạm mà còn có tác dụng tích cực đối với cả giảng viên đã từng được đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở các trường này. Khi học đại học, sinh viên sư phạm chưa được cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng về giảng dạy ở bậc đại học, cao đẳng. Đồng thời, khi làm giảng viên, đối tượng giảng dạy mang tính chuyên biệt cao, mỗi chuyên ngành cần có cách tiếp cận, giảng dạy phù hợp. Vì vậy, giảng viên các ngành cần được học các lớp bồi dưỡng có nội dung khác nhau. Tiến sĩ Tạ Thị Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải Dương vừa tham gia lớp bồi dưỡng do nhà trường tổ chức chia sẻ: "Đến nay, tôi đã có 20 năm làm công tác giảng dạy. Những kiến thức từ các chuyên đề của lớp bồi dưỡng giúp tôi nâng cao nghiệp vụ giảng dạy, quản lý, điều hành, tổ chức chương trình, tiết dạy phù hợp hơn".

Quy định phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên không phải là điều mới mẻ mà đã được nêu tại điểm e, khoản 1, điều 77 của Luật Giáo dục năm 2005, nhưng đến năm nay, một số trường mới dồn dập mở các lớp bồi dưỡng để giảng viên học lấy chứng chỉ.

Tháng 6 vừa qua, Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh) tổ chức lớp bồi dưỡng cho 54 giảng viên của trường còn thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đến nay, toàn bộ giảng viên của trường đều có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Cũng nhằm đáp ứng theo yêu cầu, vừa qua, Trường Cao đẳng Hải Dương mở 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho hơn 100 giảng viên. Ngoài học tại trường, nhà trường còn tạo điều kiện để giảng viên đăng ký học ở những nơi khác phù hợp với điều kiện sinh hoạt, công tác của từng người. Đến nay, hơn 90% số giảng viên của nhà trường có chứng chỉ theo quy định...

Câu hỏi đặt ra là tại sao một quy định có từ 12 năm trước mà đến nay các trường mới thực hiện một cách dồn dập như vậy? Đó là bởi năm 2016, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất tổ chức thí điểm thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), giảng viên chính (hạng II). Trong đó, yêu cầu tất cả giảng viên trước khi dự thi thăng hạng phải được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Khi đó, mới lộ ra thực tế là rất nhiều giảng viên giảng dạy lâu năm ở các trường đại học, cao đẳng chưa có loại chứng chỉ này và các trường mới nhanh chóng “bù đắp” phần thiếu hụt trên. Nếu như không có kỳ thi thí điểm đó thì có lẽ các trường sẽ tiếp tục lờ đi một yêu cầu mà chính họ cho rằng rất cần thiết, hữu ích.

Bị động cộng với công tác tuyên truyền, giải thích của các trường chưa thật rõ ràng khiến nhiều giảng viên bất bình.  Lẽ ra trước khi tuyển dụng hoặc ngay sau khi tuyển dụng, các trường cần yêu cầu giảng viên phải có chứng chỉ và tạo điều kiện cho họ bổ sung, nhưng nhiều trường không thực hiện chặt chẽ.

Để việc học nghiệp vụ sư phạm của các giảng viên có tác dụng thực tế chứ không phải chỉ trang bị chứng chỉ cho đầy đủ, các trường cần nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, mỗi khi có các quy định mới cần tăng cường tuyên truyền cho giảng viên, nhân viên hiểu đúng, đầy đủ để tránh những bức xúc không cần thiết.

DANH TRUNG