Đánh hội đồng

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:47, 31/07/2017

<b>Một vấn đề đáng quan tâm ấy là hội chứng đám đông, thích đánh hội đồng khi chưa rõ đúng sai thế nào của một bộ phận người dân, nhất là cư dân ở nông thôn.</b><br>

Vụ đốt xe, giữ người vì nghi bắt cóc trẻ em xảy ra tại xã Hồng Lạc (Thanh Hà) tuần trước gây chấn động không chỉ dư luận trong tỉnh mà trong cả nước. Người ta nói nhiều đến chuyện tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc bắt cóc trẻ em làm dư luận hoang mang, dẫn đến phản ứng thái quá của người dân như vụ việc ở xã Hồng Lạc hay vụ hai phụ nữ đi bán tăm bị đánh ở Hà Nội. Nhưng cần phải nói đến một vấn đề đáng quan tâm nữa từ các vụ việc trên, ấy là hội chứng đám đông, thích đánh hội đồng khi chưa rõ đúng sai thế nào của một bộ phận người dân, nhất là cư dân ở nông thôn.

Chuyện không mới nhưng vẫn tái diễn và có vẻ ngày càng nghiêm trọng. Một gã trộm chó bị bắt quả tang, lập tức được dân làng hô hoán, giữ lại. Và chỉ cần ai đó hô to “đánh chết nó đi” thì tên trộm khó lòng tránh khỏi thương tích, thậm chí mất mạng, bởi sẽ có hàng chục người xông vào đá đấm cho hả dạ. Tương tự, những kẻ ăn cắp tài nguyên, gây sạt lở bờ bãi, hoa màu của dân như “cát tặc”, nếu rơi vào tay một đám đông quá khích, thì rất có thể án mạng cũng xảy ra. Một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng dân làng lại bao vây trụ sở công ty, ngăn cản việc đi lại khiến người ta muốn khắc phục hậu quả cũng không được…

Có người nói rằng tính cố kết cộng đồng vẫn luôn là đặc trưng của văn hóa làng xã. Chỉ cần trong làng có chuyện, thì người ta sẽ tập trung lại, sẵn sàng tấn công đối tượng được coi là “địch” vì lợi ích của người làng mà không cần biết đúng sai thế nào, không biết rằng đánh người, hủy hoại tài sản của người khác chính là phạm pháp. Nhiều người tự cho mình là người nghĩa khí, “thấy việc bất bình chẳng tha”. Nhưng không phải. Đây đích thị là hành vi a dua theo đám đông, ưa dùng bạo lực. Dường như với họ, đánh hội đồng, đánh hôi sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý, bởi công an khó điều tra, xác định xem có đích xác là mình tham gia hay không. Người ta cũng tự cho rằng một đòn của mình không làm người khác bị thương hoặc mất mạng được mà không nghĩ mỗi người một đòn như vậy thì kẻ bị đánh chỉ còn nước “thừa sống thiếu chết”.

 Đánh người, hủy hoại tài sản của người khác bất chấp đúng sai đang là vấn đề đáng lo ngại của đám đông mỗi khi có chuyện ồn ào tại làng quê. Vấn đề đó cũng phản ánh một thực tế là niềm tin của dân chúng vào tính nghiêm minh của pháp luật, của cơ quan công quyền đang giảm sút. Vì sao dân muốn mình tự xử thay vì giao những kẻ tình nghi bắt cóc trẻ em, bắt trộm chó hay "cát tặc" cho cơ quan chức năng? Bởi lẽ, họ đã từng chứng kiến nhiều kẻ vi phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Họ từng thấy chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Và cũng còn một lý do nữa, họ tự cho rằng mình thuộc về chính nghĩa.

Vụ việc ở xã Hồng Lạc vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Cho dù người bị hại trong vụ việc có khởi kiện hay không thì hành vi đốt xe, hủy hoại tài sản cũng phải bị xử lý nghiêm. Bởi nếu không, sẽ có thêm nhiều người bị hại do đám đông thích đánh hội đồng.

HOÀI ANH