Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017: Ít biến động, nhiều thuận lợi
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:00, 06/08/2017
Công tác xét tuyển năm nay thuận lợi cho cả thí sinh và các trường đại học
Xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học đã kết thúc. Các trường đã công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển. Đây là kỳ thi tiếp tục có nhiều đổi mới.
Thành quả của nỗ lực đổi mới
Năm nay, cái được lớn nhất của kỳ thi là công tác xét tuyển nhẹ nhàng, thí sinh không còn phải nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng hay vất vả "canh" điểm, rút - nộp hồ sơ. Anh Nguyễn Kiều Hưng, chuyên viên phụ trách tuyển sinh Phòng Công nghệ thông tin Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương còn nhớ kỳ tuyển sinh năm 2014 - 2015, thí sinh rút - nộp hồ sơ như chơi chứng khoán, người làm công tác tuyển sinh cũng chóng mặt theo.
Kỳ tuyển sinh 2015 - 2016, thí sinh không còn phải rút - nộp hồ sơ nữa nhưng xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Các em được xét tuyển các đợt bổ sung, đăng ký xét tuyển mỗi đợt tối đa vào 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Điều này khiến thí sinh đau đầu chọn lựa. Các trường khổ vì lượng thí sinh ảo quá lớn. "Nhìn trên hệ thống phần mềm rõ ràng nhiều em đăng ký xét tuyển vào trường nhưng nhà trường không nắm số thí sinh đó. Chỉ khi nào các em trúng tuyển, nhập học mới có thể biết trường mình tuyển được bao nhiêu thí sinh", một cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh trường Cao đẳng Hải Dương cho biết.
Năm nay, công tác tuyển sinh nhẹ nhàng hơn. Các thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng lại được phép tăng thêm hoặc thay đổi nguyện vọng giúp các em có thêm nhiều cơ hội đỗ đại học ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Với các trường đại học, từ ngày 28 - 30.7, mỗi ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gửi công văn lọc thí sinh ảo 2 lần. Thí sinh đỗ nguyện vọng trước sẽ được lọc, không xét các nguyện vọng tiếp theo. "Chúng tôi cập nhật lượng thí sinh thực mỗi ngày cho đến khi có kết quả xét tuyển cuối cùng nên không còn phải đối phó với thí sinh ảo như năm trước", anh Hưng cho biết thêm.
Đây cũng là lần đầu tiên, một phòng thi có tới 24 mã đề thi, hạn chế việc thí sinh quay cóp, trao đổi bài, giảm tiêu cực trong thi cử. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, ở tỉnh ta không có thí sinh nào vi phạm quy chế. Ngoài ra, thời gian thi rút gọn giúp thi sinh và người nhà bớt nhiều vất vả. Năm nay, 5 bài thi với lần đầu xuất hiện 2 bài thi tổ hợp: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thí sinh có thể tham dự cả 2 bài thi để lựa chọn bài có điểm cao xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển vào đại học.
Từ hai kỳ thi gộp làm một, chuyển về địa phương chủ trì, tổ chức với nguồn lực chủ yếu của địa phương giúp tiết kiệm chi phí cho cả xã hội. Việc đi lại, ăn ở cho thí sinh và phụ huynh cũng đơn giản, gọn nhẹ hơn các năm trước.
Không ít bất cập cần khắc phục
Không phủ nhận với nỗ lực đổi mới, kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã đạt được nhiều kết quả. Song đây cũng là kỳ thi còn nhiều bất cập, nhất là ở thời điểm sau khi các trường công bố điểm chuẩn.
Cả nước có tới 4.200 bài thi đạt điểm 10, cao gấp 60 lần so với kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ở Hải Dương có 99 bài thi đạt điểm 10 và 2.376 bài thi đạt từ 9 đến dưới điểm 10, cao hơn nhiều so với năm trước. Tình trạng "mưa" điểm 10 khiến nhiều ý kiến nghi ngại về chất lượng của kỳ thi "2 trong 1", vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, tính nghiêm túc của kỳ thi do Sở GDĐT chủ trì có được bảo đảm hay chất lượng đề thi với hình thức thi trắc nghiệm có đánh giá đúng thực lực của thí sinh?
Với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh có thể chọn ngẫu nhiên nhưng người trúng đáp án, người không. Việc 2 bài thi chênh nhau từ 1- 2 điểm chưa thể phản ánh hay đánh giá được thực lực rạch ròi giữa 2 thí sinh. Trong khoảng điểm từ 6 - 8 cũng khó đánh giá được học sinh thuộc loại khá hay giỏi. Như vậy kết quả chưa chắc phản ánh đúng thực lực của từng thí sinh.
Điều đáng nói nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng 1. Để đỗ Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy, thí sinh là nữ phải đạt 30,25 điểm. Tức là ngoài điểm thi, thí sinh phải được cộng điểm ưu tiên để điểm vượt mức tối đa.
Tuy chưa đạt điểm tối đa nhưng với mức điểm khá cao 28,5 khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), em Vũ Đức Hải, học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vẫn không đỗ nguyện vọng 1 mà đỗ nguyện vọng 4. Kỳ xét tuyển này nhiều thí sinh không thuộc diện ưu tiên phải nhường chỗ cho các em ở vùng sâu, vùng xa được cộng điểm ưu tiên. Điều này là không công bằng với những em có thực lực, lãng phí nguồn nhân lực tri thức.
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong năm học 2018 - 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn. "Những điều chỉnh hợp lý trong 2 năm tới là gì, khi đã quyết, Bộ cần sớm công khai để học sinh không bị rơi vào thế bị động, phụ huynh có con đang học lớp 10, lớp 11 bớt âu lo, thấp thỏm", một phụ huynh lo lắng.
LÊ HƯƠNG