Tan hoang Mường La
Môi trường - Ngày đăng : 09:43, 07/08/2017
Bao trùm khắp nơi là sự đổ nát, ngổn ngang đất đá, nhà cửa, củi gỗ, đường vào các xã vẫn bị chia cắt. Tới nay, Sơn La có 10 người chết, 5 người mất tích.
Trận lũ chưa bao giờ thấy
Trận mưa kéo dài từ 21h ngày 2/8, tới rạng sáng 3/8 khiến lũ tràn về, dòng nước đục ngầu kéo theo đất, đá cuốn phăng tất cả những gì trên mặt đất nơi nó đi qua. Cây cầu bê tông cốt thép bắc qua suối Nậm Păm trên Quốc lộ 279D nối vào xã Nậm Păm bị cuốn trôi 2 mố ở 2 đầu cầu, chỉ còn phần nhịp giữa đứng trơ trọi giữa dòng nước lũ. Hai bên suối, toàn bộ kè đá bị nước phá huỷ hoàn toàn, lũ đã nuốt trôi nhiều nhà dân ở cách suối hàng trăm mét.
Cầu không còn, để vào được Nậm Păm đưa hàng cứu tế và giúp người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp đống đổ nát, lực lượng cứu hộ phải bắc các thang gỗ nối lên phần nhịp cầu còn sót lại giữa suối. Riêng đầu cầu phía xã Nậm Păm, lực lượng quân đội kéo dây nối 2 bờ thành ròng rọc đưa hàng sang. Người muốn sang thì bám theo dây thừng và lội qua dòng nước chảy xiết.
Theo những người cao tuổi địa phương, đây là cơn lũ quét kinh hoàng nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Khi nhắc lại cảnh tượng lũ đêm 2/8, bà Quàng Thị Phách (85 tuổi, bản Hua Nậm, xã Nậm Păm) vẫn không khỏi rùng mình. “Khi đó đã nửa đêm, cả nhà đang ngủ say, tôi nghe tiếng ầm ầm, biết lũ về liền bật dậy thức cả nhà và hô hào bà con chạy thoát thân. Lên tới lưng chừng đồi chỉ nghe thấy dòng nước lũ gầm rú”, bà Phách nhớ lại.
Còn gia đình anh Sồng A Lanh (bản Búng Quài, xã Chiềng San) vẫn chìm trong tang thương. Khi đất đá đổ tràn xuống căn nhà nhỏ bên sườn núi nhà anh có 6 người, chỉ 5 người chạy thoát. Riêng cháu anh Lanh mới 9 tuổi mắc kẹt trong đống đất đá. 2 cháu khác của anh Lanh còn bị thương nặng, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chiềng San.
Chiều 6/8, ông Hà Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, tính tới chiều cùng ngày, huyện Mường La vẫn còn 5 xã bị cô lập hoàn toàn. Lũ đã làm 10 người chết, 5 người vẫn còn mất tích, 12 người bị thương. Ngoài ra, đã có 398 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 176 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 191 nhà hư hỏng, nhiều tài sản, hoa màu, vật nuôi bị cuốn trôi… Ước thiệt hại hơn 672 tỷ đồng. Tỉnh Sơn La đã huy động hơn 2.500 người gồm các lực lượng quân sự, công an, cán bộ, thanh niên… tham gia hỗ trợ người dân ứng cứu, khắc phục thiệt hại, di dời tài sản và hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Tỉnh Sơn La bố trí 140 chiến sĩ quân đội và công an tìm kiếm người mất tích dọc các con suối và trên sông Đà. “Lực lượng tìm kiếm phát hiện 2 thi thể trên lòng hồ thủy điện cách Mường La hơn 30km. Nhưng khi 5 gia đình có người thân mất tích tới nhận dạng thì không phải người thân của họ. Cán bộ địa phương đã an táng 2 thi thể trên và lấy mẫu giám định ADN để xác minh”, ông Chất cho biết.
Trong các xã bị ảnh hưởng do cơn lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn huyện Mường La, xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong bị thiệt hại nặng nhất. Hiện nhiều bản của Nặm Păm vẫn bị cô lập, như Huổi Liếng, bản Hốc, Huổi Hốc, bản Piệng, Pá Piệng, Hua Piệng, Nà Ten.
Những ngày qua, người dân và các lực lượng tại chỗ đã chia sẻ hỗ trợ nhau. Nhà nào may mắn chưa bị lũ gây thiệt hại thì chia sẻ nơi ở với những người mất nhà, từng bơ gạo, ca nước ngọt, mảnh chăn, tấm áo cũng được sẻ chia. Nhiều người tự đứng ra đi quyên góp đồ dùng của những gia đình trong bản, ai có gì giúp đó, rồi đem phân phát cho những gia đình bị thiệt hại.
Hàng ngàn chiến sĩ quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, học sinh… thay phiên nhau mang vác gạo, mỳ tôm, thuốc men, nước uống, chăn màn… vào các bản bị cô lập.
Không để dân bị đói
Cũng trong chiều 6/8, đoàn công tác của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH đã tới tỉnh Sơn La làm việc, hỗ trợ địa phương và người dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận những nỗ lực khắc phục thiệt hại của tỉnh Sơn La, đồng thời yêu cầu địa phương tập trung mọi nguồn lực về con người, phương tiện, vật chất để tìm kiếm người mất tích, an táng người đã tử vong, giúp người dân khắc phục khó khăn, vượt qua mất mát để sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Ông Tỵ cũng yêu cầu Sơn La thời gian tới tiếp tục đề phòng mưa lũ, sạt lở đất, cứu trợ khẩn cấp không để người dân nào bị đói, đứt bữa. Ngoài khắc phục các thiệt hại về cơ sở vật chất, nhà cửa, Sơn La cũng cần lưu ý tới vấn đề phòng chống dịch bệch, sớm nối lại điện, nước, thông tin liên lạc. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi người dân cả nước quan tâm chia sẻ, ủng hộ về tinh thần và vật chất cho những nơi bị thiệt hại bởi lũ quét vừa qua ở Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ sẽ cùng Sơn La đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo khẩn cấp để giúp người dân. “Trước mắt, cán bộ, công nhân viên Bộ LĐ-TB&XH đã quyên góp và ủng hộ người dân Sơn La bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua 300 triệu đồng”, ông Dung nói.
Theo Tiền phong