Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 18:45, 10/08/2017

Các trường hợp mắc, nghi mắc SXH xuất hiện ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Chủ yếu là các ca bệnh vãng lai, di chuyển từ vùng dịch về địa phương.




Ngành y tế đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh kéo dài, lây lan ra diện rộng
Trong ảnh: Phun hóa chất diệt muỗi tại phường Thạch Khôi (TP Hải Dương). Ảnh: TIẾN MẠNH


Tỉnh ta hiện đã xuất hiện 4 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) ở các xã Thanh Thủy (Thanh Hà), Tân Kỳ (Tứ Kỳ), Hùng Thắng (Bình Giang) và phường Thạch Khôi (TP Hải Dương). Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trường hợp nghi ngờ mắc bệnh SXH.

Ngay từ khi phát hiện ổ dịch SXH đầu tiên tại xã Thanh Thủy, ngành y tế đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh kéo dài, lây lan diện rộng. Chiều 9.8, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đã tiếp nhận 33 lít hóa chất diệt muỗi, tiến hành phun phòng trừ tại các hộ dân ở khu dân cư Lễ Quán - nơi phát hiện ca bệnh SXH.

Ðến nay, cả 4 ổ dịch SXH trên địa bàn tỉnh đều được giám sát chặt chẽ, khoanh vùng xử lý, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống như phun hóa chất diệt muỗi, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Ông Nguyễn Công Ngũ ở thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) là bệnh nhân mắc SXH nội tỉnh đầu tiên. Ðến ngày 1.8, ông Ngũ đã được xuất viện và tiếp tục được theo dõi diễn biến sức khỏe.

Từ ngày 6.8 đến nay, thôn Ngọc Lâm đã ghi nhận thêm 5 trường hợp có những triệu chứng, dấu hiệu mắc SXH (trong đó có 2 người là trẻ em), 1 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh SXH.

Nhiều năm trước, trên địa bàn xã đã có người tử vong vì SXH nên hiện nay nhiều người dân trong xã rất hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, một số người có dấu hiệu mắc SXH lại chủ quan với tình hình sức khỏe cũng như chưa nhận thấy rõ mối nguy hiểm của bệnh SXH nếu lây lan trong cộng đồng.

Ðó là trường hợp của ông Nguyễn Công D. (57 tuổi) ở đội 15, thôn Ngọc Lâm. Khi có những nốt xuất huyết dưới da, sốt, ông D. tới điều trị tại Bệnh viện Ða khoa huyện Tứ Kỳ, nhưng sau đó đã tự ý bỏ về điều trị tại nhà.

Theo Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), đến ngày 10.8 khoa đang điều trị cho 16 bệnh nhân nghi mắc SXH. Từ đầu năm đến ngày 9.8, toàn tỉnh ghi nhận 72 người mắc và nghi ngờ mắc SXH, trong đó có 47 người dương tính.

Các trường hợp mắc, nghi mắc SXH xuất hiện ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Chủ yếu là các ca bệnh vãng lai, di chuyển từ vùng dịch về địa phương. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm nay số ca mắc SXH có xu hướng tăng đột biến. Thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay sẽ tạo môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển.

Bệnh SXH rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong, tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccine phòng bệnh.

Theo các y, bác sĩ, thông thường bệnh SXH có quá trình diễn biến trong 7 ngày với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, đau nhức hốc mắt, mệt mỏi, phát ban và xuất huyết trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Một số biểu hiện của bệnh SXH dễ nhầm lẫn với cảm cúm hoặc sốt thông thường nên khi có những biểu hiện trên, tốt nhất người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và chỉ xuất viện khi có sự đồng ý của bác sĩ.

HUYỀN TRANG

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả


Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


(Theo Sức khỏe và đời sống)