Bé đi dã ngoại: Chơi mà học

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:08, 13/08/2017

Được vui chơi, trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống là bài học bổ ích trẻ nhận được từ những chuyến dã ngoại.



Học sinh Trường Mầm non Song ngữ Việt Anh tập chăm sóc những con vật  tại vườn nuôi của trường


Hòa nhập

Khoảng 4-5 năm trước, một vài trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Hải Dương bắt đầu tổ chức các hoạt động dã ngoại cho trẻ. Nhưng khi đó, hoạt động dã ngoại của các trường còn rất đơn điệu. Hầu hết các trường chỉ cho học sinh đi dạo quanh hồ Bạch Đằng, siêu thị Big C và một số chợ trên địa bàn thành phố. Vài năm gần đây, các hoạt động dã ngoại được duy trì, tổ chức đều đặn hơn, điểm đến cũng mở rộng hơn với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.

Hằng tháng, một số trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố như Cleverland, Hoa Linh, Hoa Sữa, Việt Anh, Thiên Thần, Thủy Tiên… thường tổ chức cho các em đi tham quan một số điểm vui chơi, cửa hàng bán đồ dùng, đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP Hải Dương; tham quan, hái quả tại các vườn vải ở huyện Thanh Hà; hái sen tại một số vườn sen xung quanh khu vực TP Hải Dương; tham quan, tập làm gốm sứ tại Công ty CP Gốm sứ Chu Đậu ở xã Thái Tân (Nam Sách)…

Trường Mầm non Cleverland đã đầu tư xây dựng trang trại rau sạch của trường tại huyện Kim Thành và thường xuyên tổ chức cho học sinh dã ngoại tại đây. Các bé được cùng cô giáo trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản tại trang trại như táo, chuối, rau xanh, cà tím, bầu, bí… Trường còn trang bị các bộ quần áo dân tộc cho trẻ mặc và tham gia một số trò chơi dân gian như đi cầu bắt vịt, nhảy dây, ô ăn quan, bập bênh… Còn học sinh của Trường Mầm non Song ngữ Việt Anh được học cách nhận biết, chăm sóc các con vật trong vườn nuôi của nhà trường như ngựa, khỉ, đà điểu... Một số trung tâm, dịch vụ giáo dục còn đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại ở tỉnh ngoài như khu đô thị Ecopark, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).

"Dù các sản phẩm không hoàn chỉnh nhưng tôi thấy lần trải nghiệm thực tế này rất có ích, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ."


Ngoài việc tham gia dã ngoại theo chương trình của các trường, trung tâm giáo dục, hiện nay nhiều phụ huynh lựa chọn hình thức đi theo nhóm, theo tour. Chị Hoàng Thu Hằng ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) cho biết: "Cuối năm 2016, hai mẹ con tôi được tham gia một chuyến dã ngoại rất ý nghĩa cùng với một trung tâm dịch vụ giáo dục. Từ đó tôi tìm hiểu thêm về các nhóm, tour đi tham quan, dã ngoại để cho con đi cùng". Đến nay, mẹ con chị Hằng đã đi được rất nhiều điểm như trang trại Dê Trắng ở Hà Nội; Trạm Đa dạng sinh học ở Vĩnh Phúc; Tràng An, vườn chim Thung Nham, suối khoáng Kê Gà, rừng Cúc Phương ở Ninh Bình; khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, khu du lịch Thác Hiêu ở Thanh Hóa…

Học từ thực tiễn

Theo nhận xét của giáo viên và nhiều phụ huynh có con được tham gia các chuyến dã ngoại, việc này có tác dụng rất tích cực đối với trẻ. Chị Trương Thị Mai Hương, đại diện Trường Mầm non Cleverland (TP Hải Dương) cho biết trong các chuyến dã ngoại, giáo viên thường tranh thủ dạy các con cách nhận biết, trồng, chăm sóc, thu hái các loại rau, củ, quả quen thuộc trong bữa cơm mỗi gia đình; nhận biết, phân biệt đặc điểm các con vật thường được nuôi trong nhà như gà, vịt, chó... Đồng thời, nhà trường đều kết hợp việc rèn luyện thể chất, tổ chức chơi trò chơi theo nhóm. "Trước mỗi sự vật, hiện tượng, các cháu đặt rất nhiều câu hỏi, là cơ hội để trẻ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, khơi gợi tính tò mò, ham học hỏi, khả năng sáng tạo của trẻ", chị Hương nói.

Một lần được cùng con tham gia chuyến dã ngoại do trung tâm Anh ngữ cháu đang theo học tổ chức tại làng gốm Bát Tràng, chị Nguyễn Thị Dung ở khu 15, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) thấy rất bổ ích. Các chú trong lò gốm vừa giới thiệu về vật liệu làm gốm, vừa hướng dẫn các cháu cách làm một chiếc bát, đĩa, cốc. Sau đó, các cháu được tự tay làm thử một sản phẩm gốm. Cháu nào cũng hào hứng, hăng say làm, không để ý đến việc quần áo lấm lem bùn đất. Có bé làm được chiếc cốc miệng hình trái tim khá đáng yêu, có bé làm được một chiếc bát… "Dù các sản phẩm không hoàn chỉnh nhưng tôi thấy lần trải nghiệm thực tế này rất có ích, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ", chị Dung nhận xét.

Còn với chị Hoàng Thu Hằng thì bài học bổ ích từ mỗi chuyến đi có giá trị hơn rất nhiều so với những lời dạy bảo suông của bố mẹ, thầy cô. Những chuyến đi dã ngoại của bé không chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi mà còn là cơ hội rèn kỹ năng hòa nhập, làm việc với tập thể, làm việc nhóm, ứng xử khi ra môi trường mới, học lịch sử, học về các loài vật... Ví dụ như khi đi Trạm Đa dạng sinh học ở Vĩnh Phúc, các bé được các cô chú của trạm giới thiệu về các loài động vật như rùa đầu to, rắn, trăn, các loài khỉ, vượn... "Những câu hỏi của các bé đều được các cô chú trong trạm giải đáp cặn kẽ. Giữa buổi các con được ôn lại, tổng kết bằng trò chơi về các con vật, nhắc lại đặc điểm của chúng bằng trò chơi dán chữ. Do đó bé nhớ rất lâu, rất kỹ", chị Hằng cho biết.

Rõ ràng những chuyến dã ngoại có tác dụng rất tích cực đối với trẻ. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có các trường mầm non tư thục và các trung tâm giáo dục trên địa bàn TP Hải Dương tổ chức được các hoạt động này. Hy vọng trong thời gian tới các trường trong toàn tỉnh sẽ quan tâm, chú trọng hơn đến hoạt động dã ngoại để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ.

HẢI ĐĂNG