Người đảng viên đi đầu chống suy thoái

Tin tức - Ngày đăng : 10:03, 14/08/2017

Không ngại va chạm, tiếng nói thẳng thắn của người đảng viên ấy đã góp phần tạo nên sự thay đổi rõ rệt.



Gia đình ông Đông đã chuyển đổi 3 ha ruộng trũng sang đào ao thả cá đem lại hiệu quả kinh tế khá


Không làm ngơ khi chứng kiến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết của một số cán bộ, đảng viên trong chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đì đẹt của chi bộ thôn cũng như Đảng ủy xã, ông đã mạnh dạn phê bình, trực tiếp xắn tay vào làm. Tiếng nói thẳng thắn của người đảng viên ấy đã góp phần tạo nên sự thay đổi rõ rệt.

Tiếng nói khác lạ

Đến bây giờ, ông Đỗ Xuân Đông (sinh năm 1954) vẫn không thể quên lần đầu tiên về sinh hoạt Đảng tại Chi bộ thôn Đông Trại, xã Đồng Quang (Gia Lộc). Đó là vào tháng 2.1991, đúng vào hôm chi bộ tổ chức Đại hội. Điều lạ là đồng chí Bí thư Chi bộ chỉ có vài gạch đầu dòng gọi là "Báo cáo chính trị" của chi bộ. Thấy đồng chí Bí thư Chi bộ đọc xong "Báo cáo chính trị" mà không thấy phần phương hướng nhiệm kỳ tới, ông Đông nói: "Đề nghị Ban Chi ủy trình bày luôn cả phương hướng nhiệm kỳ tới để các đồng chí trong chi bộ tham gia ý kiến một thể". Đồng chí Bí thư chi bộ đáp: "Để Ban Chi ủy khóa mới trúng cử rồi làm phương hướng cho nhiệm kỳ mới". Thấy vậy, ông Đông đã thẳng thắn góp ý như việc chuẩn bị cho đại hội phải đúng quy trình, đầy đủ các nội dung. Các đồng chí trúng cử Ban Chi ủy khóa mới cần rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Như chọc vào đúng chỗ ngứa nên ngay sau đó ông Đông được giới thiệu bầu và trúng cử vào Ban Chi ủy và làm Bí thư Chi bộ. "Tôi mới chân ướt, chân ráo về địa phương mà dám nói thẳng, nói thật nên họ bầu để xem mình có làm được không. Không làm được là họ sẽ lập tức kiểm điểm mình, hay nói đúng hơn là dìm mình xuống", ông Đông nhớ lại. Thử thách lớn nhất đối với Bí thư Chi bộ Đỗ Xuân Đông là năm 1993 khi xã thực hiện chia lại ruộng. Nhưng cũng chính trong thử thách, ông Đông đã thể hiện được mình. Với cách làm khoa học, sáng tạo, thôn Đông Trại đã hoàn thành việc chia lại ruộng sớm nhất xã.

"Tôi  nghĩ cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào. Chỉ có như vậy thì khi anh nói dân mới tin, mới làm theo."


Sau một thời gian về địa phương và tham gia làm Bí thư Chi bộ thôn, ông Đông nhận thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đồng Quang còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính theo ông Đông là do Ban Chấp hành mất đoàn kết, buông lỏng việc lãnh đạo các chi bộ, để các chi bộ "tự tung, tự tác". Tình trạng này đã dẫn đến vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ xã mờ nhạt, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như các phong trào của xã Đồng Quang thuộc diện đì đẹt nhất huyện Gia Lộc. Năm 1993, Đảng bộ xã Đồng Quang tổ chức Đại hội. Ông Đông được phân công tham luận về công tác tổ chức. Ông đã trình bày tham luận trong 7 phút với nội dung chủ yếu nói về sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng ủy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu kém, dẫn đến kết quả Đồng Quang luôn thuộc diện chậm tiến nhất huyện. Bài tham luận chứa đầy tâm huyết với những lời nói thẳng, nói thật ấy của ông Đông đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của đảng viên tham dự đại hội.

Khoảng năm 2000, Chi bộ thôn Vĩnh Duệ giới thiệu một đồng chí đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu và đã được miễn sinh hoạt làm Bí thư Chi bộ. Dù biết rõ tình hình như vậy nhưng Đảng ủy xã cũng đồng ý. Tại cuộc họp của Đảng ủy với các Bí thư Chi bộ, ông Đông lại một lần nữa lên tiếng. Sau đó, Ban Tổ chức Huyện ủy phải về tận nơi để vận động đồng chí đó rút không tham gia làm Bí thư nữa.

Tinh thần thẳng thắn trong phê bình, nói thẳng, nói thật trong mỗi lần sinh hoạt Đảng luôn được ông Đông phát huy trong hơn hai chục năm làm Bí thư Chi bộ. Ông chia sẻ: "Ở cơ sở hay có bè phái, cục bộ nên không ít người về nghỉ chế độ như tôi khi sinh hoạt Đảng biết đấy nhưng có thể họ sợ nên không dám nói, hoặc cho rằng nói chẳng để làm gì, rồi cũng không đi đến đâu. Tinh thần phê bình trong Đảng dần bị thủ tiêu. Vì thế việc ở địa phương đã trì trệ lại càng trì trệ hơn".

Nói được, làm được



Hơn 20 năm làm Bí thư chi bộ, ông Đông đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen


Sở dĩ ông Đông luôn mạnh dạn phê bình trong sinh hoạt Đảng như vậy, "đụng chạm" là thế nhưng suốt 26 năm qua, trong đó có 22 năm liên tục từ năm 1995 đến nay ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, thậm chí có lúc kiêm cả Trưởng thôn vì là người luôn "nói được và làm được". Từ khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, ông Đông đã thực hiện nhiều sự đổi mới trong sinh hoạt cũng như trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của thôn như mời đại diện lãnh đạo các hội, đoàn thể tham gia họp chi bộ mở rộng để trực tiếp phổ biến nghị quyết của cấp trên, của Đảng ủy. Cùng với đó, chi bộ tăng cường phát triển đảng viên. Trước đó, từ năm 1961-1991, suốt 30 năm chi bộ không phát triển được đảng viên nên chỉ có 12 đảng viên già yếu. Hiện nay, chi bộ đã có 32 đảng viên. Từ chỗ là thôn đì đẹt trong sự đì đẹt chung của cả xã, đã nhiều thời điểm thôn Đông Trại trở thành đơn vị dẫn đầu xã như chia lại ruộng, các đợt thu nộp sản phẩm, đóng góp làm đường giao thông...

Không chỉ làm tốt vai trò của Bí thư Chi bộ, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng ông Đông không ngừng cố gắng vươn lên. Năm 1980, sau khi lấy vợ là người cùng xã, vợ chồng ông Đông sinh được 3 người con nhưng cả 3 đều nhiễm chất độc da cam. Năm 2009, con trai lớn của ông đã mất. Khắc phục những khó khăn riêng, ông Đông luôn tâm niệm "nói phải đi đôi với làm, cán bộ nào phong trào ấy". Năm 1999, xã Đồng Quang có chủ trương chuyển đổi ruộng cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá, phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng. Trong khi nhiều người còn băn khoăn, do dự thì ông Đông đăng ký xin chuyển đổi hơn 4 ha là ngòi, ruộng cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá, lập vườn trồng cây, xây chuồng trại chăn nuôi lợn. Đưa chúng tôi đi thăm khu ao, chuồng nuôi lợn, ông kể: "Hồi đó, ngày tôi đi làm công việc của chi bộ, của thôn, đêm thì cầm dao xây chuồng nuôi lợn. Tôi nghĩ cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào. Chỉ có như vậy thì khi anh nói dân mới tin, mới làm theo". Nhiều năm qua, khu đất này đã được gia đình ông Đông biến thành khu ao với diện tích 3 ha chuyên nuôi các loại cá trắm, trôi, mè, chép. Còn lại 1 ha trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Mỗi năm gia đình ông xuất chuồng hàng trăm con lợn hơi. Doanh thu từ trang trại của ông Đông mỗi năm đạt 2,5 tỷ đồng, thu lãi hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động gồm vợ chồng ông và 2 người địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Quang Vũ Quang Tạo nhận xét: "Là đảng viên trưởng thành trong quân đội, khi phục viên trở về địa phương dù bản thân và 3 con nhỏ bị nhiễm chất độc da cam nhưng đồng chí Đông luôn cố gắng vươn lên. Đồng chí luôn thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm tấm gương để đảng viên, người dân địa phương học tập".

Đồng chí Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc cho biết trong nhiều năm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ban Chi ủy một số chi bộ, thậm chí Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đồng Quang còn nhiều hạn chế. Đảng bộ có nhiều đảng viên già yếu, nhiều đảng viên không phát huy được tính tiền phong gương mẫu. Trong bối cảnh ấy tính thẳng thắn của đồng chí Đông rất đáng biểu dương. Đồng chí là biểu hiện sinh động của người cán bộ, đảng viên miệng nói, tay làm. Nếu là người khác, với hoàn cảnh như của đồng chí Đông có lẽ không làm được như vậy.

VŨ ÚY

Trong suốt 22 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Đỗ Xuân Đông, 41 năm tuổi Đảng đã nhận được 15 giấy khen, 5 bằng khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2017, đồng chí Đông được Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì có thành tích là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (từ năm 2012-2016).