Tự tổ chức các giải bóng đá phong trào: Bổ ích nhưng còn nhiều mối lo

Trong nước - Ngày đăng : 06:22, 15/08/2017

Hải Dương là một trong những địa phương có bóng đá phong trào phát triển mạnh với hàng trăm câu lạc bộ (CLB) duy trì hoạt động thường xuyên.



Các giải bóng đá phong trào đang nở rộ tại Hải Dương

Thỏa đam mê

Chỉ cần vào mục tìm kiếm trên Facebook gõ dòng chữ “Bóng đá phong trào tỉnh Hải Dương” sẽ thấy tên, địa chỉ của hàng trăm CLB bóng đá phong trào tại tỉnh ta đang hoạt động. Từ các cơ quan nhà nước đến công ty, trường học, các nhóm, hội, thôn, khu dân cư, thậm chí là dòng họ cũng thành lập đội bóng đá.

Các CLB bóng đá này đều có người đại diện, thường là thành viên lớn tuổi nhất trong đội, có uy tín. Cùng với việc duy trì tập luyện đều đặn hằng tuần, 1 - 2 năm trở lại đây, các CLB bóng đá phong trào trong tỉnh thường xuyên tham gia các giải do một CLB hoặc nhiều CLB cùng phối hợp tổ chức. Việc tự tổ chức giải bóng đá phong trào giúp các CLB bóng đá có nhiều cơ hội được cọ xát, giao lưu học hỏi, nâng cao kỹ, chiến thuật trong thi đấu.

CLB Fan Manchester United ở Hải Dương thành lập năm 2014 với hơn 30 thành viên. Từ ngày thành lập đến nay, ngoài việc thường xuyên tham gia các giải bóng đá phong trào ở trong và ngoài tỉnh, CLB còn tự đứng ra tổ chức Giải Reddevils Cup, thu hút 10 CLB bóng đá khác tham gia. Hiện tại, CLB đang chuẩn bị tham dự Giải “We are MU khu vực miền Bắc” sẽ khai mạc ở TP Hải Phòng vào ngày 13.8. “Mỗi lần tham gia các giải bóng đá phong trào là dịp để CLB quảng bá hình ảnh, tên tuổi của mình với những đội bóng khác. Thành viên trong đội ai cũng hứng khởi vì được thỏa mãn niềm đam mê chơi bóng, có cơ hội thể hiện mình”, anh Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch CLB Fan Manchester United ở Hải Dương nói.

CLB Bóng đá Trung tâm Thương mại 19-8 (Tứ Kỳ) thành lập năm 2015 với 21 thành viên. Năm nào CLB cũng tổ chức giải bóng đá mở rộng và tích cực mời gọi các đội bóng khác tham gia. Giải bóng đá Trung tâm Thương mại 19-8 mở rộng lần thứ ba năm 2017 thu hút 7 CLB tham dự, trong đó có FC KDP ở Bắc Giang, tăng 3 đội so với lần đầu tổ chức. Anh Tiêu Văn Vụ, thủ môn CLB Bóng đá Trung tâm Thương mại 19-8 chia sẻ: “Không khí các trận đấu tại giải diễn ra rất sôi nổi, khán giả vây kín xung quanh sân để cổ vũ. Sống trong bầu không khí như vậy khiến tôi rất hào hứng, càng thêm đam mê môn thể thao này”.

Lỗ hổng an ninh

Khó có thể phủ nhận những mặt tích cực mà các giải bóng đá phong trào mang lại nhưng không phải không có hạn chế. Hầu hết các giải bóng đá phong trào diễn ra tự phát nên yếu trong khâu tổ chức. Điều lệ giải đấu do các đội tham dự giải tự vạch ra. Các cầu thủ tự làm công tác tổ chức nhưng đa phần do ít hiểu biết, không có kinh nghiệm làm sự kiện nên lúng túng trong mọi phần việc liên quan đến giải. Điều này tạo ra những lỗ hổng trong khi giải đấu diễn ra, nhất là vấn đề an ninh.



Câu lạc bộ Fan Manchester United Hải Dương là một trong số hàng trăm câu lạc bộ bóng đá
phong trào đang hoạt động tại Hải Dương


Theo chủ nhiệm một CLB bóng đá phong trào ở TP Hải Dương, một số đội bóng khi tổ chức giải chỉ quan tâm mời được càng nhiều đội bóng tham gia càng tốt chứ không cân nhắc xem đội bóng mình mời là ai. Vậy nên mới xảy ra chuyện giải đấu đó mời được đội bóng mà hầu hết các thành viên đều là “dân xã hội”, coi trọng thắng thua, thi đấu không đẹp, thường xuyên có những pha vào bóng ác ý, thậm chí buông những lời lẽ thô tục, đe dọa cả trọng tài. Khi gặp những đội bóng kiểu này, trọng tài và cầu thủ không được bảo vệ, các thành viên ban tổ chức giải loay hoay không biết ứng xử ra sao vì cũng sợ bị trả thù. Có trận đấu đã xảy ra tình trạng cầu thủ trong sân không giữ được bình tĩnh, vào bóng thô bạo làm gẫy chân, vỡ xương gót đối thủ. “Một lần CLB chúng tôi bị loại khỏi giải do chính mình đứng ra tổ chức. Do cay cú nên 1 - 2 thành viên trong đội không giữ được bình tĩnh, có lời qua tiếng lại với cầu thủ đội bạn và sau đó đã xảy ra đánh nhau”, chủ nhiệm CLB này nói.

Một giải bóng đá phong trào khó có thể bố trí lực lượng an ninh bảo vệ cầu thủ, trọng tài và các cổ động viên do ban tổ chức giải không có kinh phí thuê người. Ngay từ tiền thuê sân, mua cúp cho đội vô địch… cũng hoàn toàn do các CLB tham dự giải tự đóng góp. Anh Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch CLB Fan Manchester United ở Hải Dương cho rằng một giải bóng đá phong trào không nhất thiết phải thuê lực lượng an ninh nếu mỗi cầu thủ tham dự đều nêu cao tinh thần “fair play”. “Chúng tôi tham dự nhiều giải bóng đá phong trào ở Hà Nội, Hải Phòng thấy các cầu thủ chơi rất đẹp, hầu như chẳng xảy ra những tình huống vào bóng thô bạo, ẩu đả như ở một số giải phong trào tại tỉnh ta. Khi cầu thủ bị phạm lỗi họ cũng không tính tới chuyện sẽ trả thù, còn những cầu thủ lỡ phạm lỗi với cầu thủ đội bạn sẽ ngay lập tức tiến lại gần xin lỗi”, anh Linh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều giải bóng đá phong trào trên địa bàn tỉnh vẫn có hiện tượng cá độ giữa các cổ động viên, thậm chí chính cầu thủ cũng tham gia. Mức cá cược ít thì 200.000 - 500.000 đồng, nhiều 3 - 5 triệu đồng/trận, thậm chí có những trận “cầu đinh” con số này có thể lên tới 10 triệu đồng.

Các CLB bóng đá phong trào ở tỉnh ta ngày càng phát triển, hệ thống các giải đấu cũng trở nên phong phú hơn. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một quy định chung trong việc tổ chức giải, có sự quản lý của các cơ quan nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý để định hướng cho các CLB thực hiện, hạn chế những bất cập đang diễn ra.

BÌNH MINH