Phòng bệnh sốt xuất huyết: Phải thực hiện đúng thì mới có hiệu quả
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:02, 20/08/2017
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Các biện pháp phòng chống SXH đang được các địa phương khẩn trương triển khai.
Các gia đình cần loại bỏ dụng cụ chứa nước để muỗi không còn nơi sinh sôi, phát triển
Tuy nhiên, người dân cần phối hợp thực hiện đúng cách thì việc phòng chống mới mang lại hiệu quả.
Trước khi khu dân cư có người bị SXH, nghe ti vi liên tục đưa tin dịch bệnh hoành hành, bà Đinh Thị Hòa ở khu 1, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) rất lo lắng cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Bà Hòa đã bỏ 700.000 đồng mua hóa chất diệt muỗi và thuê người phun. Theo bà Hòa, mức giá này tuy hơi cao nhưng đổi lại bà và mọi người trong gia đình đã cảm thấy yên tâm hơn. Dù gia đình có lắp điều hòa, lại phun cả thuốc chống muỗi nhưng để ăn chắc bà vẫn bắt cả nhà phải mắc màn khi đi ngủ.
Sáng 18.8, khi có mặt tại nhà bà Hòa, chúng tôi vẫn thấy khá nhiều đồ phế thải ngổn ngang dưới gốc cây, trong đó có nhiều chai lọ, chậu sành sứ còn chứa nước. Mọi người trong gia đình bà Hòa nghĩ rằng chỉ cần phun hóa chất diệt muỗi là đã có thể ngăn ngừa bệnh SXH. Nhưng thực ra việc phun hóa chất chỉ có thể diệt được muỗi trưởng thành, trong khi đó bọ gậy trú ngụ trong những vật dụng chứa nước vẫn có thể sinh trưởng thành muỗi.
Bà Vũ Thị Tâm cùng ở khu 1, phường Bình Hàn cho biết: "Nhà tôi có trẻ nhỏ nên khi trong khu có người mắc SXH, tôi đã tìm mua tinh dầu và hương chống muỗi. Tóm lại là tìm đủ cách miễn sao bảo vệ được các thành viên trong gia đình".
Ngay sau khi có ca bệnh SXH đầu tiên trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống. Chiều 15.8, phường đã phối hợp phun thuốc muỗi tại 15 hộ dân ở phố An Thái, nơi xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Cùng với việc phun hóa chất diệt muỗi, các cộng tác viên y tế liên tục đến tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt "hang ổ" của bọ gậy. Tuy nhiên do cách phòng chống của nhiều hộ chưa triệt để nên dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh. Đến ngày 18.8, phường Bình Hàn đã có 6 trường hợp mắc SXH.
Ngày 18.8, hai cháu Nguyễn Thị Q. và Nguyễn Thị Minh Th. mắc bệnh SXH tại phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đã chuyển về điều trị tại nhà bà Đặng Thị Hương (bà nội của hai cháu) ở khu dân cư Phú Tảo (cùng phường). Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh tình của hai cháu đã thuyên giảm nên được các bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà. Khi về nhà, hai cháu được cách ly bằng cách nằm màn, hạn chế tiếp xúc với người khác. Chiều 18.8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người phường Thạch Khôi tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại nơi ở và nơi hai cháu chuyển về điều trị. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, khuôn viên nhà bà Đặng Thị Hương có khá nhiều cây cảnh, cộng thêm hòn non bộ chứa nước, có thể là nơi cư ngụ của bọ gậy.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Khôi cho biết: "Ổ dịch SXH tại khu dân cư Lễ Quán vừa được công bố xóa chưa lâu thì trên địa bàn phường đã có thêm 2 trường hợp mắc SXH là chị em cháu Q. và cháu Th. Mối lo lắng bùng phát dịch bệnh càng tăng lên khi trên địa bàn phường có khá nhiều người thường xuyên di chuyển từ vùng có dịch trở về địa phương".
Nhiều học sinh, sinh viên người Hải Dương sẽ từ Hà Nội trở về nhà nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, nguy cơ lây lan dịch bệnh càng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có thể loại trừ muỗi đã trưởng thành. Để phòng chống bệnh hiệu quả người dân phải luôn giữ vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước để muỗi không có nơi sinh sôi và phát triển. Khi có dấu hiệu nghi mắc SXH, nhất là những người đang ở nơi có dịch bệnh thì cần tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
HOÀNG QUÂN