Có một thành phố dịu dàng đến thế
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 13:27, 21/08/2017
Thành phố Dịu Dàng(*) là tập thơ thứ 20, trong số 42 tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã được xuất bản. Tập thơ này được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015, từng có những ý kiến khác nhau trong thời gian qua, âu cũng là chuyện rất bình thường.
Trong tập thơ này, Trần Nhuận Minh tiếp tục khai thác mảng đề tài thế sự từ những tập thơ trước như Bản Xônat hoang dã, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Miền dân gian mây trắng… mà mọi người đã từng biết đến. Đề tài thế sự được thể hiện dưới bút pháp trữ tình thường được giới chuyên môn gọi là trữ tình thế sự, nhưng nó cũng khu biệt với khuynh hướng trữ tình nói chung viết về đề tài tình yêu đôi lứa, quê hương, đất nước, hôn nhân và gia đình... chủ yếu mang âm hưởng ngợi ca những cái hay, cái đẹp của mảng đề tài nói trên.
Khuynh hướng trữ tình thế sự thường nghiêng về những vấn đề xã hội nóng bỏng, nổi cộm đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. Điều đó giải thích vì sao trong tập, một số bài, nhà thơ lấy cảm hứng của mình từ các tin được đăng chính thức trên các báo chính thống, hay phát trên các chương trình truyền hình trung ương, làm thi liệu. Cách viết này làm thơ ông áp chặt vào cuộc sống và có giá trị cảnh báo cao, nhưng có bài, có ý kiến cho rằng chất thực tế đã át chất thơ, cũng là điều tác giả nên xem xét, để nâng cao cảm xúc và nghệ thuật ngôn từ.
Và đây cũng là một sự thật khá phổ biến của xã hội hiện đại, nhưng không phải ai cũng quan tâm, để ý… nhất là chuyện ấy không phải là chuyện của chính mình… Có thể coi đây là một phát hiện của thơ Trần Nhuận Minh chăng?
“Những ông chồng đêm đêm chỉ muốn vợ bỏ/Những bà vợ ngày ngày chỉ muốn bỏ chồng/Họ tự nói rất hay về hạnh phúc/Và tiệc tùng vui vẻ như không/Và vui đùa ca hát như không/ Những gương mặt ngời ngời hạnh phúc/Nhưng đêm ấy, người đàn bà lại muốn bỏ chồng/ Và sáng sau, người đàn ông lại muốn bỏ vợ/.../Trước ống kính truyền hình/họ lại nói véo von về hạnh phúc/Và lại tiệc tùng nhảy múa như không... (Hạnh phúc).
Xã hội hiện đại với nền kinh tế thị trường, có nhiều mặt trái, khiến cho con người ta không thể sống thật, nói thật, thậm chí không làm chủ được chính mình, ngay cả trong quan hệ vợ chồng. Đã thế nó còn gây cho con người bao bức xúc, dằn vặt đến mức cuối cùng buộc mỗi người phải tự biến mình thành vai diễn trên sân khấu cuộc đời. Thế nhưng người ta vẫn cứ phải sống, ăn uống, đi lại, nói cười, lên lớp dạy đời người khác như không có chuyện gì xảy ra.
Trong xã hội hiện đại, ở các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó có Việt Nam, người già cô đơn thực sự đã trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối tâm can của tất thảy chúng ta. Bởi lẽ ai mà chẳng đến lúc phải già. Quy luật sinh, lão, bệnh, tử không trừ một ai. Ấy vậy mà không ít người bận lao vào các cuộc đua chen quyền lực, bổng lộc, danh vọng... đã quên đi, hoặc không thèm đoái hoài đến điều ấy, khiến người già càng tủi phận, thậm chí đến khi nhắm mắt xuôi tay rồi mà vẫn không hết cô đơn: “Chiến công ông ở đâu... ông cũng không nhớ nổi/ Đồng đội ông, chẳng còn biết những ai/.../Bạn bè ông, bây giờ chỉ còn Đài/ Đài nói chuyện với ông... Thế là ông vui sướng.../Cánh cửa khép hờ, sân rêu đầy lá rụng/Trăng đến rồi trăng đi... Ngày đêm gió thì thào...”.
Anh hùng ca chiến trận và sử thi cổ đại thường hướng sự quan tâm đến nhân vật trung tâm là người anh hùng, vì họ là đại diện cho cả cộng đồng, dân tộc. Người anh hùng trong sử thi cổ đại và trong các bản anh hùng ca chiến trận là tinh hoa của dân tộc và thời đại mà người anh hùng sinh ra để sống, chiến đấu, hy sinh cho cộng đồng. Vì thế ca ngợi người anh hùng là hoàn toàn chính đáng và cần thiết của bất kỳ nhà thơ nào trong những thời khắc lịch sử ấy.
|
Nhưng lịch sử không phải lúc nào cũng là chiến tranh, vì suy cho cùng, chiến tranh chỉ là những thời đoạn bất thường của lịch sử. Vì thế, sau khi chiến tranh kết thúc, nhân vật trung tâm của thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung cũng dần được thay đổi. Từ số phận người anh hùng trong chiến đấu chuyển về số phận của đại bộ phận nhân dân đang hằng ngày phải bươn chải, tìm kế sinh nhai, đối mặt với bao rủi ro đang rình rập, từng ngày từng giờ, từ cả thiên tai lẫn nhân tai. Trước thực tại ấy, nhà thơ Trần Nhuận Minh vẫn có thể tìm cho mình một nơi trú ẩn có vẻ như an toàn hơn chăng? Đấy là nương nhờ vào sự trong sạch đến long lanh, trinh trắng vẫn còn ở của cuộc đời này, mà biểu hiện trong thơ là hình tượng “cát”, “cát trắng”, với niềm tin ở cuộc đời này, cái đẹp, cái trong trắng, tức là chất VÀNG của cuộc sống vẫn còn nhiều lắm (có thể coi bài thơ dài Thành phố Dịu Dàng viết về TP Hải Dương quê hương ông, góp phần bộc lộ chất VÀNG trong đời sống của tập thơ), đủ để ta nương tựa và yên tâm, dù xung quanh, cái ĐEN, cái BẠC vẫn còn rất nhiều. Có lẽ đó cũng là chủ đề của cả tập thơ mà tác giả đã lấy hai câu thơ của mình làm đề từ: “Trời ơi, Vàng đến thế này/Mà sao Đen, Bạc vẫn đầy thế gian…” Bài thơ “Cát trắng” trong tập thơ có thể coi là một sáng tác tiêu biểu: “Cát chẳng nói gì, cát chỉ tự trắng thôi/Trắng đến long lanh, trắng đến ngời ngời/Đi trên cát, như đi trong ánh sáng/Quên ở bên mình, những cướp giật, lưu manh và bội phản/Chao ôi! Sự trong sạch nhường này… vẫn còn ở nhân gian...”.
Trần Nhuận Minh là một trong số ít các nhà thơ hiện nay quan tâm đến các vấn đề thời sự mà không viết một chiều. Có lần ông nói đại ý rằng, bao giờ ông cũng đặt cái trắng bên cạnh cái đen, hoặc đằng sau câu thơ về cái chết, bao giờ cũng có câu thơ về sự sống hay là việc sinh đẻ của sự sống. Đọc thơ Trần Nhuận Minh từ Bản Xônát hoang dã đến nay, thấy ý thức này rất rõ, mà ông nói là ông học tập phương pháp nghệ thuật cổ điển phương Đông là thống nhất các mặt đối lập. Trong tập thơ thứ 20 này, ông cũng có đoạn: “Ừ thì thơ cứ ca tụng mây bay/Nhưng rừng cháy dưới áng mây thì thơ quay lưng lại/.../Dẫu vẫn tin vào sự tinh khiết của khí trời/Dù đây đó đã nhiễm đầy chất độc/Trái tim tôi vẫn đập chẳng bình yên/Trước biết bao chân thành… của tiếng chim và hạt thóc... (Trái tim tôi vẫn đập chẳng bình yên).
Viết nhiều về những mặt tiêu cực của thực tế đời sống, nhưng thái độ xã hội của Trần Nhuận Minh là một thái độ tích cực, một thái độ sống có trách nhiệm của một trí thức, một người cầm bút làm thơ có tâm và đầy trách nhiệm với bản thân, với bạn đọc và với cuộc sống đầy phức tạp này, rất đáng trân trọng.
Có thể nói, Thành phố Dịu Dàng nói riêng và thơ trữ tình thế sự của nhà thơ Trần Nhuận Minh nói chung, có nhiều sự tìm tòi đổi mới về cảm quan thế giới, cách tiếp cận những vấn đề xã hội nóng bỏng bằng thơ.
(*) Thành phố Dịu Dàng. Thơ Trần Nhuận Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2015, tái bản tháng 8.2017.
ĐỖ NGỌC YÊN