BOT Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Doanh nghiệp được-ăn, thua-Nhà nước chịu?
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 16:08, 24/08/2017
Tuy nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng) nhưng khi thực hiện Dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, VIDIFI lại được giao quản lý, thu phí tại 2 trạm thu phí trên khoảng 100 km tuyến đường này một cách bất thường.
Tuyến đường BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng liên tục chậm tiến độ và đội vốn gấp 2 lần
Doanh nghiệp BOT thua lỗ, mập mờ thu-chi
Nhiều ý kiến cho rằng đây là điều bất hợp lý, “phí chồng phí” và dù đi trên đường của nhà nước hay BOT, thì người dân vẫn phải “nộp” tiền, gánh lỗ cho sự yếu kém của VIDIFI.
Thời gian vừa qua, một số tờ báo đăng tải thông tin Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) – đơn vị BOT thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng liên tục “than” lỗ và gửi một số kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị giúp doanh nghiệp này tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài.
VIDIFI cho hay, tổng các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Cao tốc 5B) là 300 triệu USD, bao gồm 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức. Doanh nghiệp này “than” rằng, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thì sẽ phá vỡ phương án tài chính dự án, làm mất cân đối nghiêm trọng tài chính của chủ đầu tư (!?)
VIDIFI cũng đưa ra thông tin, đơn vị này thu phí bình quân mỗi ngày từ cả 2 tuyến Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 là 5,5 tỷ đồng, trong khi phải trả lãi vay phải trả lên tới 8 tỷ đồng/ ngày khiến doanh nghiệp này lỗ tới 2,5 tỷ đồng/ngày; lãi vay chiếm tới 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Nhưng VIDIFI không đưa ra thông tin cụ thể trong tổng số 5,5 tỷ thu được, doanh thu từ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và thu phí từ 2 trạm trên đường Quốc lộ 5 là bao nhiêu.
Sau khi VIDIFI công bố các thông tin trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng, việc doanh nghiệp này “tay không bắt giặc”, chỉ bỏ một phần nhỏ vốn để thực hiện dự án, còn lại hầu hết phải đi vay… thì khả năng thu hồi vốn rất thấp, thậm chí có khả năng “vỡ nợ” là rất cao.
Xin hàng loạt ưu đãi, VIDIFI vẫn dính “vũng lầy” BOT
VIDIFI là một liên danh quá non trẻ trong việc triển khai thực hiện dự án BOT giao thông, ban đầu được thành lập bởi Liên danh do VDB – Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; VCB – Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam – Vinaconex, với số vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, vốn chủ sở hữu của đơn vị này chỉ còn lại 3.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn góp của VDB.
Việc để VDB góp phần lớn vào số vốn của VIDIFI cũng khiến nhiều người thắc mắc bởi đây là một ngân hàng của nhà nước, trực tiếp đứng đầu liên danh và thu xếp vốn vay cho VIDIFI, về bản chất không khác gì Nhà nước đầu tư dự án chứ không hẳn là doanh nghiệp độc lập tham gia vào dự án BOT để đầu tư xây dựng, kinh doanh và chuyển giao.
Dù được nhiều ưu đãi, VIDIFI vẫn liên tục "than" lỗ và xin hỗ trợ
Những điều này dẫn tới việc VIDIFI đầu tư xây dựng, quản lý kém hiệu quả, nhiều lần bị trì hoãn tiến độ… khiến dự án đội vốn lên tới hơn 45 nghìn tỷ đồng, cao gấp đôi so với dự toán ban đầu.
Điều đáng nói, bên cạnh dự án đầu tư xây dựng tuyến BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3.200 tỷ đồng, VIDIFI lại tiếp tục phải “chia nhỏ” nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng; và một số khu công nghiệp tại Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên…mà doanh nghiệp này được ưu đãi “bất thường” sau khi được giao đầu tư dự án BOT.
Phí chồng phí, dân phải gánh “nợ” cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Không chỉ vậy, VIDIFI còn được quyền khai thác một số trạm thu phí trên Quốc lộ 5; kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đường; độc quyền khai thác quảng cáo dọc tuyến Hà Nội – Hải Phòng… Tuy nhiên, đơn vị này chỉ đề cập tới việc thua lỗ trong công tác thu phí – vận hành – trả lãi (nhiều điểm mập mờ, không rõ ràng) mà không hạch toán các khoản thu không hề nhỏ khác.
Quốc lộ 5 được Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách, người dân đã phải đóng phí bảo trì đường bộ; trong khi đó, VIDIFI không hề bỏ một đồng vốn nhưng lại được quyền khai thác, thu phí “chồng” lên phí bảo trì. Hiện trạng tại tuyến đường này nhiều khu vực cũng đang xuống cấp nghiêm trọng từ lâu nhưng không được duy tu, bảo dưỡng, bởi số tiền phí thu được còn đang phải “bù lỗ” cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
VIDIFI được thu phí 2 trạm trên khoảng 100 km tuyến QL5, trong khi không tham gia đầu tư, xây dựng.
Như vậy, người dân đang phải bỏ tiền ra để trả lãi cho doanh nghiệp BOT trong khi không đi vào đường BOT; “thiệt đơn, thiệt kép” khi bị VIDIFI “móc túi” hàng tỷ đồng mỗi ngày, nhưng lại không được đảm bảo về điều kiện, cơ sở hạ tầng khi tham gia giao thông.
Rõ ràng, việc VIDIFI triển khai dự án xây dựng Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với vai trò là một doanh nghiệp BOT (Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp, có lỗ - có lãi. Do vậy, trước khi xin đầu tư dự án BOT, đơn vị này phải đánh giá tính khả thi của dự án dựa trên các khoản chi phí, lãi suất, thu phí và thời gian hoàn vốn, chứ không phải đến lúc thua lỗ thì đề xuất tăng phí, xin cơ chế ưu đãi…và cuối cùng vẫn là tiền thuế của người dân phải “gánh” cho sự yếu kém, thiếu minh bạch của doanh nghiệp này.
Theo Doanh nghiệp