Nông dân Hải Dương thu lãi trên 200 triệu đồng/ha từ trồng na

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:21, 27/08/2017

Năm nay, giá bán cao hơn khoảng 20% so với vụ trước, nông dân trồng na ở Chí Linh ước tính thu trên 200 triệu đồng/ha.

Chí Linh có trên 60 ha na VietGAP và khi thu hoạch có giá cao hơn 20% so với
giá na không trồng theo VietGAP. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Mấy năm gần đây, na nổi lên là cây ăn quả có thế mạnh số 1 ở vùng đất đồi của thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Tháng 8 hàng năm là thời điểm thu hoạch na chính vụ. Năm nay, giá bán cao hơn khoảng 20% so với vụ trước, nông dân trồng na ở Chí Linh ước tính thu trên 200 triệu đồng mỗi héc ta.

Ở xã Hoàng Tiến, thời điểm này, na đã vào vụ gần 1 tháng nhưng không khí thu mua tại các vườn vẫn rất tấp nập. Không chỉ thương lái các nơi mà mấy năm gần đây còn có thêm nhiều gia đình sắm ô tô để kết hợp vừa bán na vườn nhà, vừa thu gom na ở các nhà xung quanh mang đi tiêu thụ ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.

Xã Hoàng Tiến có khoảng 200 ha na, trung bình mỗi gia đình có từ 1-2 ha. Riêng thôn Tân Tiến có diện tích na nhiều nhất xã với trên 75 ha và khoảng 125 hộ trồng. Theo ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch UBND xã, đầu vụ, na bán tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg, hiện nay từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg.

Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu vào, người trồng na ở Hoàng Tiến có lãi từ 200-240 triệu đồng/ha. Na đã trở thành cây ăn quả chủ lực, cây làm giàu cho nông dân Hoàng Tiến - ông Thiệu phấn khởi khoe.

Do có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây na nên không chỉ xã Hoàng Tiến, na còn được trồng nhiều ở các xã như Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Bắc An (Chí Linh)... Tổng diện tích na của Chí Linh hiện khoảng 700 ha. Thời tiết năm nay có nhiều yếu tố bất thuận với sự ra hoa, đậu quả của na. Nhiệt độ cao, tỷ lệ na đậu quả thấp. Nhưng nhờ nông dân có kinh nghiệm chăm sóc nên na vẫn cho năng suất cao, dao động từ 13-14 tấn/ha. Sản lượng na Chí Linh năm nay ước đạt 10.000 tấn.

Hộ nông dân Trịnh Đức Thưởng ở thôn Tân Tiến, xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh có hơn 2 ha
trồng na, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nhận thấy tiềm năng từ loại cây ăn quả này, năm 2014, địa phương đã áp dụng trồng và chăm sóc na theo quy trình VietGAP. Nông dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Những vùng na VietGAP đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, có giá hơn trên thị trường.

Tính đến nay, Chí Linh có trên 60 ha na VietGAP và khi thu hoạch có giá cao hơn 20% so với giá na không trồng theo VietGAP. Nhiều siêu thị từ Thủ đô Hà Nội đã tìm về các chủ vườn để đặt vấn đề thu mua, tiêu thụ.

Với người nông dân nói chung, trong đó có người trồng na ở Chí Linh, điều quan tâm lớn nhất vẫn là thị trường mở rộng và giá bán ổn định. Hiện nay, đầu ra cho na đã thuận lợi hơn khi cuối năm 2016, na Chí Linh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu nông sản đã được Hải Dương tiến hành thời gian qua, đây thực sự là tín hiệu vui giúp khẳng định chất lượng na Chí Linh trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thiệu, hàng năm, địa phương cũng đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân tập huấn cho nông dân cách trồng, chăm sóc na, phòng trừ sâu bệnh đúng cách. Tuy nhiên, nông dân cũng mong muốn được tăng cường trang bị thêm những kiến thức mới về tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là cách khai thác nhãn hiệu tập thể tốt nhất. Như vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể mới thực sự phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, quả na mới có đầu ra ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập cao.

MẠNH MINH (TTXVN)