Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm và các đồng phạm ra hầu tòa

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 14:33, 28/08/2017

Các hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thiệt hại cho OceanBank gần 2.000 tỷ đồng.



Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương
đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Sáng 28.8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) và 50 bị cáo khác.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, những thiệt hại đối với OceanBank, các cổ đông cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Đây là phiên tòa giữ kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng đông nhất từ trước đến nay được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội triệu tập với tổng số 727 người. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 5 người do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa, thẩm phán Trương Việt Toàn và 3 hội thẩm nhân dân.

Do tính chất quan trọng của phiên tòa, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội còn bố trí thêm 1 thẩm phán dự khuyết và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường và kiểm sát viên Nguyễn Thị Hồng Vân giữ quyền công tố tại tòa. Ngoài ra, Viện Kiểm sát còn phân công thêm 2 kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa.

Trong vụ án này, Hà Văn Thắm cùng 50 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội: “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280 và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.

Trong số 51 bị cáo, có 7 bị cáo bị tạm giam và 44 bị cáo tại ngoại. Có tổng số 57 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank).




Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Tại phiên tòa, 3 bị cáo làm đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, không thể đến dự phiên tòa. Trong đó, nhiều tuổi nhất trong số các bị cáo là bà Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, trú tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ) đã gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, già yếu, có kèm theo giấy xác nhận của bệnh viện.

Ngoài trường hợp của bị cáo Phấn, nguyên Giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước của OceanBank Vũ Thị Thùy Dương cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì vừa mới sinh con. Bị cáo Nguyễn Viết Hiền (nguyên Giám đốc OceanBank - Phòng giao dịch Âu Cơ) cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm điều trị trong bệnh viện.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo này đã có lời khai tại cơ quan điều tra, khi cần thiết Hội đồng xét xử sẽ triệu tập, áp giải những bị cáo này đến tòa. Vì vậy, Hội đồng xét xử đồng ý cho 3 bị cáo này được xét xử vắng mặt và cho tiếp tục phiên tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong quá trình hoạt động, tại OceanBank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng; tham ô; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền; gây thiệt hại đối với OceanBank và các cổ đông; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Các hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.

Cụ thể, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm đã ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank. Theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm, các bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Minh Phương nguyên là các Phó Tổng Giám đốc OceanBank đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội Sở OceanBank gồm: Nguyễn Thị Nga – Trưởng ban Kế toán, Vũ Thị Thùy Dương – Giám đốc Ban Kế toán và giao dịch trong nước, Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Khối nguồn vốn, Nguyễn Thị Thu Ba – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Đỗ Đại Khôi Trang – Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Nguyễn Xuân Thắng – Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược, Nguyễn Trà Mi – Phó Giám đốc Chi nhánh Thăng Long và 34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank thực hiện chi lãi ngoài khi huy động vốn.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhận định hành vi của các bị cáo đã làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng Việt Nam và đồng đôla Mỹ theo từng thời kỳ. Số tiền chi sai nói trên đã bị hạch toán trái quy định của Nhà nước. 34 bị cáo nguyên là Giám đốc chi nhánh, Phòng giao dịch OceanBank đã tiếp nhận chủ trương từ Hội Sở, sau đó phân công, chỉ đạo nhân viên tại chi nhánh thực hiện chi tiền lãi ngoài cho khách hàng, giúp sức cho hành vi làm trái trong việc chi lãi ngoài, gây thiệt hại cho OceanBank.

Viện Kiểm sát xác định các bị cáo này phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ số tiền do đơn vị mình phụ trách đã chi sai nguyên tắc. Về trách nhiệm dân sự, 34 bị cáo này cùng các cá nhân khác tại cùng chi nhánh, phòng giao dịch đã thực hiện việc nhận và chi tiền lãi ngoài, liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền hậu quả thiệt hại còn lại chưa thu hồi được.

Ngoài Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank), còn có bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) cùng bị ra trước vành móng ngựa trong vụ án này. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định bị cáo Sơn đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng.


Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

Theo TTXVN