Gỡ "nút thắt" dự án đường gom quốc lộ 5

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 08:03, 29/08/2017

Do khó GPMB nên dù đã triển khai được hơn 10 năm nhưng dự án đầu tư xây dựng đường gom quốc lộ 5 đoạn qua phường Tứ Minh vẫn chưa hoàn thành.



Hộ ông Trần Văn Tạo ở khu Cẩm Khê B, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) chưa bàn giao đất do chưa thống nhất
cách xác định nguồn gốc đất để tính giá đền bù của Ban Giải phóng mặt bằng TP Hải Dương

Ì ạch hơn 10 năm

Tháng 8.2002, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường gom quốc lộ 5 đoạn từ km45-km59 (từ khu công nghiệp Đại An đến ngã ba Tiền Trung, TP Hải Dương) với tổng chiều dài cả tuyến phía nam và phía bắc là 18,7km. Dự án do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đến năm 2005 dự án phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn và GPMB nên đến nay vẫn còn 3 đoạn tuyến thuộc các phường: Tứ Minh, Nhị Châu, Cẩm Thượng chưa hoàn thành. Tháng 12.2014, UBND tỉnh quyết định giao UBND TP Hải Dương thay Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các phần việc còn lại của dự án.

Sau khi nhận bàn giao, TP Hải Dương tập trung GPMB và bố trí vốn triển khai đoạn đường gom phía nam qua phường Tứ Minh. Theo thiết kế, đoạn đường này dài hơn 2,6 km, bắt đầu từ cổng khu công nghiệp Đại An đến vòng xuyến phía tây thành phố (tiếp giáp đường Nguyễn Lương Bằng). Đến nay, tuyến đường này đã hoàn thành thi công hơn 2,4km, gồm đoạn đầu và cuối tuyến. Tuy nhiên, đoạn đường vẫn còn khoảng 60 m bị thắt ở giữa do 6 hộ chưa bàn giao đất để thông tuyến. Các hộ chưa bàn giao đất gồm gia đình các ông: Trần Văn Tạo, Trần Xuân Đào, Hoàng Khắc Nhi, Hồ Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Chuyển và bà Nguyễn Thị Bẩy ở khu Cẩm Khê B (phường Tứ Minh). Nguyên nhân chưa bàn giao đất do các hộ không thống nhất giá đền bù của Ban GPMB thành phố. Hầu hết các hộ cho rằng Ban GPMB thành phố không xác định đúng diện tích đất ở dẫn đến phần được bồi thường ít hơn so với diện tích đất ở hiện tại. Các hộ cũng không đồng thuận với cách xác định phần đất lưu không tính từ mép quốc lộ 5 đến phần đất của họ.

Ông Trần Văn Tạo cho biết: "Từ năm 1985 gia đình tôi đã ra khu đất ven quốc lộ 5 này sinh sống. Hiện tại, toàn bộ diện tích đất của gia đình là 380 m2, trong đó diện tích đất ở nộp thuế hằng năm là 208 m2. Tuy nhiên, thành phố chỉ tính cho gia đình tôi 115m2 là đất ở và bồi thường với đơn giá 15 triệu đồng/m2. Diện tích còn lại được xác định thuộc phần đất lưu không hành lang quốc lộ 5 nên chỉ tính giá đền bù 25% giá trị đất ở, do đó gia đình rất thiệt thòi".

Các hộ ông Đào, ông Sơn, ông Nhi, bà Bẩy cũng kiến nghị thành phố xác định lại nguồn gốc đất. Riêng hộ ông Nguyễn Văn Chuyển hiện chưa cho các đơn vị liên quan thực hiện đo đạc. Ông Chuyển lý giải: "Tôi không cho đo đạc bởi đất của gia đình tôi liền kề với 5 hộ cùng phải GPMB nhưng áp mức bồi thường khác. Do nhà tôi xây hướng sang mặt đường Nguyễn Cừ, không giáp với quốc lộ 5 nên bị áp mức giá bồi thường 10 triệu đồng/m2, trong khi 5 hộ khác được đền bù giá 15 triệu đồng/m2. Tôi là thương binh, đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng nên rất muốn Nhà nước xem xét mức giá đền bù đất hợp lý bằng các hộ khác".

Kiên trì vận động


Trước những kiến nghị của người dân, các đơn vị liên quan của TP Hải Dương và phường Tứ Minh đã nhiều lần tổ chức đối thoại và có các văn bản giải thích rõ các vướng mắc cho từng hộ. Ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Ban GPMB TP Hải Dương cho biết: Bản đồ năm 1995 có đầy đủ tính pháp lý. Vì khi lập bản đồ có cán bộ đo đạc, cán bộ phường, người dẫn đạc, chủ hộ và các hộ giáp ranh cùng xác lập biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất với đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia. Sau này khi lập bản đồ 2006, diện tích đất của các hộ tăng lên là do các hộ mở rộng thêm phần diện tích đất vườn, ao. Vì thế, không có cơ sở để tính phần diện tích đất này là đất ở.




Đường gom ven quốc lộ 5 đoạn qua phường Tứ Minh bị ách lại do 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng


Để tháo gỡ vướng mắc cho phần đất dôi dư không được tính là đất ở, tháng 11.2016, UBND tỉnh đã chấp thuận đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép 6 hộ có phần diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở vừa được bồi thường theo đất nông nghiệp, vừa được hỗ trợ bằng 25% hoặc 50% giá trị đất ở (tùy vào thời điểm phát sinh diện tích đất).

Riêng đối với hộ ông Nguyễn Văn Chuyển vì không hợp tác nên Ban GPMB thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục để gia đình đồng ý tiến hành đo kiểm. Sau khi đo kiểm, Ban GPMB thành phố mới đưa ra phương án đền bù cụ thể. Đối với các hộ còn lại, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục kiên trì vận động, giải thích các căn cứ pháp luật để các hộ đồng thuận. Riêng các hộ đã gửi đơn khiếu nại, các đơn vị liên quan của thành phố sẽ nhanh chóng xem xét và trả lời theo đúng quy định.

Ông Đặng Vũ Sơn cho biết thêm: "Dự án đầu tư xây dựng công trình đường gom ven quốc lộ 5 có vai trò quan trọng trong việc điều tiết giao thông cho toàn khu vực ven quốc lộ 5. Trong đó, riêng tuyến phía nam nối với khu công nghiệp Đại An có lượng công nhân qua lại lớn. Để tuyến phía nam nói riêng và toàn bộ các tuyến còn lại của dự án được hoàn thành, chúng tôi rất cần sự đồng thuận của các hộ dân thuộc diện phải GPMB. Chúng tôi đã vận dụng linh hoạt các chính sách có lợi nhất cho các hộ dân nên rất mong nhận được sự đồng thuận để dự án tiếp tục triển khai”.

MAI LINH