Kinh Môn phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:06, 30/08/2017
Những năm qua, huyện Kinh Môn luôn đi đầu trong thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em.
Trên 99% số trẻ trên địa bàn huyện Kinh Môn được theo dõi cân nặng và đo chiều cao
Nhưng hiện nay nguồn kinh phí Chương trình phòng chống SDD không còn nên huyện gặp nhiều khó khăn để duy trì được tỷ lệ trẻ SDD hằng năm ở mức thấp.
Huyện Kinh Môn có dân số trên 18 vạn người, trong đó có trên 15.000 trẻ dưới 5 tuổi. Hằng năm, tỷ lệ trẻ em được theo dõi cân nặng và đo chiều cao luôn đạt trên 99%. 98% số trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi và phụ nữ sau sinh được uống vitamin A đầy đủ. Tỷ lệ trẻ em SDD giảm dần hằng năm. Năm 2016, tỷ lệ trẻ SDD cân nặng trên địa bàn huyện là 11,3%. 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ này giảm còn 10,9%. Tỷ lệ trẻ SDD chiều cao năm 2016 là 17,5%, hiện giảm còn 16,8%, thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Việc nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ mang thai để phòng SDD bào thai được triển khai và giám sát tốt tại các địa phương. Tất cả phụ nữ có thai được quản lý thai sớm, được tư vấn khám thai ít nhất 3 lần trong thai kỳ...
Chị Lê Thị Nga ở xã Hiệp Sơn cho biết theo đúng định kỳ chị lại đến Trạm Y tế xã để được theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bản thân. Chị Nga được tư vấn uống bổ sung sắt, can-xi D3, dinh dưỡng đủ đạm, vitamin để thai nhi và mẹ phát triển khỏe mạnh. Đối với những trẻ khi sinh bị SDD, cán bộ y tế xã thường xuyên đến tận gia đình để tư vấn về cách chăm sóc trẻ. Chị Nguyễn Thị Hường ở thôn An Cường, xã Hiệp Sơn là mẹ cháu Nguyễn Thắng Hải Sơn (2 tuổi) cho biết: "Khi đẻ ra cháu rất lười ăn, người nhỏ gầy. Được cán bộ y tế xã đến tư vấn về chế độ dinh dưỡng, đến nay cháu đã hết biếng ăn và cân nặng tăng nhanh".
Xã Hiệp Sơn là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình phòng chống SDD tại cộng đồng. Hiện tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD theo cân nặng là 11,4% và theo chiều cao là 17%. Để đạt được tỷ lệ trên, khi nguồn kinh phí chương trình bị cắt giảm, Trạm Y tế xã đã chủ động tham mưu và tranh thủ được sự ủng hộ từ chính quyền và các đoàn thể xã để tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ Tiền hôn nhân. Câu lạc bộ sinh hoạt 3 tháng một lần, tuyên truyền cho thanh niên cách phòng chống SDD trong bào thai. Trạm Y tế xã cũng tích cực viết bài tuyên truyền về dinh dưỡng để phát qua hệ thống truyền thanh, giúp người dân nhận thức rõ tầm quan trọng về phòng chống SDD.
Theo chị Nguyễn Thị Hải, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, phụ trách chương trình phòng chống SDD Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn, từ khi kinh phí chương trình bị cắt, hoạt động phòng chống SDD trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Mọi hoạt động hiện chỉ tập trung vào truyền thông gián tiếp về phòng chống SDD. Trong khi đó, kiến thức và năng lực của cộng tác viên dinh dưỡng hiện chưa đồng đều. Nhận thức của nhân dân về phòng chống SDD trẻ em tuy đã được cải thiện song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc thực hành chăm sóc dinh dưỡng tại gia đình còn hạn chế. Để giảm tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương.
ĐỨC THÀNH