Sốt xuất huyết rình rập khu trọ

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:21, 30/08/2017

Trong khi dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp thì nhiều người sống trong các khu nhà trọ ở TP Hải Dương vẫn thờ ơ với dịch bệnh.



Môi trường xung quanh các khu trọ ẩm thấp, nhiều muỗi, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết

Những ổ muỗi lớn

Khu nhà trọ của lao động tự do trên đường An Định (phường Việt Hòa) nằm lọt thỏm giữa khu vườn um tùm, xung quanh là cây cối và cỏ dại. Nước thải từ phòng trọ chảy xuống rãnh nước chắn ngang lối vào, rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Vô tình chạm vào bụi cỏ bên lối vào, chúng tôi thấy muỗi bay ra hàng đàn. Ông Nguyễn Văn Phiến thuê trọ tại khu này cho biết: "Ở xóm trọ, nước thải sinh hoạt đổ luôn xuống rãnh, xung quanh toàn cây cối nên rất nhiều muỗi".

"Bên cạnh khu trọ là bãi rác nên ở đây vừa ẩm thấp vừa hôi hám. Chủ phòng trọ lại tận dụng cả phía góc vườn nuôi gà, lợn gần dãy phòng trọ nên muỗi nhiều vô kể", ông Hoàng Kim Mạnh ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) mô tả về khu trọ mà ông đang thuê tại đường Nguyễn Thị Duệ (phường Thanh Bình). Khu nhà trọ gồm 10 phòng, chia làm 2 dãy nhà. Ở giữa là khoảng sân với một vòi nước, cung cấp nước sinh hoạt chung của cả xóm trọ. Bên cạnh là một bể nước giếng khơi và bể chứa nước mưa lâu ngày không sử dụng, nước đọng đen sì, rêu bám kín xung quanh. Ông Mạnh cho biết thêm, ban ngày ở đây có rất nhiều dĩn, đêm đến tiếng muỗi vo ve nghe rõ mồn một.

Tại một khu nhà trọ lụp xụp dành cho sinh viên và người lao động nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở đường Nguyễn Thị Duệ, phòng lợp phi-brô xi măng ẩm thấp, chật chội, thiếu ánh sáng. Những phòng trọ khép kín rộng chừng 12-18 m2, khu nấu ăn và khu vệ sinh chỉ cách nhau 1 m. Rãnh thoát nước thải ứ đọng sát dãy nhà. Môi trường ẩm thấp, ít được vệ sinh tạo thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết: “Khu này không có ao tù nước đọng nhưng rất nhiều muỗi".

Tại các khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, nhiều gia đình xây phòng trọ cho sinh viên, người đi làm thuê. Với giá cho thuê rẻ, có nơi 200.000 đồng/phòng/tháng, các chủ phòng trọ chỉ đầu tư ít vốn xây các dãy phòng cấp 4, lụp xụp. Thậm chí, họ còn tận dụng đất góc vườn, cạnh ao của gia đình để xây phòng trọ. Nhiều khu trọ lâu năm đã xuống cấp, xập xệ. Môi trường ẩm thấp, điều kiện vệ sinh ít được quan tâm khiến những khu trọ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát bệnh, lây lan SXH.

Thờ ơ với dịch

Sống tại khu trọ có nhiều muỗi nhưng nhiều sinh viên, người lao động vẫn chưa trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng tránh bệnh SXH. Ông Hoàng Kim Mạnh chỉ biết mắc màn cẩn thận khi đi ngủ, đập muỗi bằng tay. Buổi tối do quá nhiều muỗi, ông chọn cách ngồi ăn trong màn. Ông Mạnh cho biết: “Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, phun thuốc khử trùng là việc của chủ nhà trọ. Họ không làm thì chúng tôi cũng không biết phải làm sao”.

Với tâm lý đi học, đi làm cả ngày, chỉ về phòng trọ buổi tối nên nhiều sinh viên, người lao động vẫn chưa có ý thức vệ sinh môi trường xung quanh. Nhiều chủ phòng trọ ở cách xa khu trọ, không quan tâm nhiều tới điều kiện sống của người thuê trọ.

Bà Nguyễn Thị Thau ở khu dân cư Tứ Thông (phường Tứ Minh) tận dụng 90 m2 đất của gia đình để xây 7 phòng trọ. Khi được hỏi về việc phòng chống bệnh SXH tại khu nhà trọ, bà Thau cho biết: “Công nhân thuê trọ không thấy kêu ca gì. Sáng họ đi làm, tối về, không ai bị làm sao”.

Nhiều bạn sinh viên biết thông tin về dịch SXH nhưng vẫn thờ ơ. “Xóm trọ của em chưa có ai mắc bệnh SXH nên em cũng chưa lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bạn Nguyễn Đức Hiệp, sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương nói.

HÀ NGA