10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 1.9

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:00, 01/09/2017

Tổng Bí thư cùng Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng thống Thổ Nhĩ chỉ trích Mỹ.... là những sự kiện nổi bật ngày 1.9.



Kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2017) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2017), sáng 1.9, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt hoa và vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.Dự lễ viếng có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lão thành cách mạng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng dự Lễ viếng. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN



Chiều 1.9, tại Phủ Chủ tịch, Đại tướng Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang trao Quyết định thăng quân hàm cấp Thượng tướng cho các đồng chí: Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và trao Quyết định thăng quân hàm Trung tướng cho Thiếu tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng các đồng chí mới được thăng quân hàm. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN



Ngày 1.9, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP),Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO) của Nhật Bản, Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí PTT (PTTEP) của Thái Lan tổ chức Lễ ký Thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển cho chuỗi Dự án khí Lô B – Ô Môn. Việc ký kết Thỏa thuận nói trên có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ để các Bên Nhà thầu ra quyết định đầu tư cuối cùng và đưa chuỗi Dự án vàotriển khai với mục tiêu đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2021. Trong ảnh: Ký kết thỏa thuận cước phí vận chuyển dự án khí Lô B&48/95 và Lô 52/97. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN



Ngày 1.9, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) tổ chức lễ hợp long  cầu Cao Lãnh thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông. Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Cầu Cao Lãnh dài gần 2.015m gồm : phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính 350m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực cao 123,4 m, nhịp thông thuyền 37,5 m, mặt cắt ngang 24,5m. Cầu sẽ có 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trong ảnh: Lễ hợp long cầu Cao Lãnh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN



Nhân dịp Kỷ niệm 72 năm Quốc Khánh 2.9 (2.9.1945-2.9.2017), ngày 1.9, Bảo tàng Đà Nẵng cùng với các nhà sưu tập đồ xưa trên địa bàn tỉnh đã tổ chức chương trình "Chợ phiên đồ xưa Đà Thành năm 2017". Chợ phiên trưng bày, giới thiệu và bán các hiện vật cổ xưa qua các thời kỳ như: Các bộ sưu tập đồ đồng, đồ gỗ, gốm sứ cổ, đồ thờ, các loại tiền xu, tiền giấy những năm trước đổi mới; các vật dụng thời bao cấp như: bát sành, lọ hoa, đồng hồ, mũ; các kỷ vật chiến tranh như: ba lô, bi đông, áo giáp, điện thoai … Phiên chợ tạo sân chơi lành mạnh, là nơi giao lưu trao đổi hiện vật của người yêu thích đam mê đồ xưa, qua đó, nhằm nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc và địa phương. Đây cũng là một địa chỉ hấp dẫn cho du khách khi đến tham quan du lịch tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Đồ xưa được trưng bày giới thiệu tại Chợ phiên. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN



Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan ngày 1.9 đã chỉ trích việc Mỹ truy tố nhóm vệ sĩ của ông sau khi xảy ra vụ ẩu đả giữa các vệ sĩ này với những người biểu tình bên ngoài dinh thự của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Washington khi ông Erdogan có chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5 vừa qua. Phát biểu trước báo giới sau khi tham dự lễ cầu nguyện Hồi giáo Eid al-Adha, Tổng thống Erdogan cho rằng đây là một vụ việc "bê bối" cho thấy "cách thức xử lý vấn đề của ngành tư pháp Mỹ". Ông Erdogan cũng phản đối nhà chức trách Mỹ phát lệnh bắt giữ 12 nhân viên an ninh trong đoàn tháp tùng ông. Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại một sự kiện ở Ankara ngày 14.8. AFP/TTXVN



Ngày 1.9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này đã ký thỏa thuận với Tajikistan về thành lập cơ chế trao đổi tình báo an ninh, một phần của hoạt động nâng cấp quan hệ ngoại giao nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon. Theo tuyên bố chính thức đăng tải trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Rahmon đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai bên nhất trí thông qua cơ chế trao đổi tình báo an ninh, sẽ tăng cường nỗ lực chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo cũng như các tổ chức tội phạm quốc tế và buôn ma túy. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhký thỏa thuận với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 31.8. EPA/TTXVN



Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trả cho nước này một nửa chi phí bảo vệ biên giới nhằm kiềm chế dòng người nhập cư ồ ạt vào khu vực. Phát biểu với báo giới ngày 31.8, Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Janos Lazar cho biết Thủ tướng Hungary Orban đã đưa ra yêu cầu trên trong bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, đề nghị cơ quan này trả cho Hungary một nửa trong tổng số chi bảo vệ biên giới ước tính khoảng 800 triệu euro (952 triệu USD). Kể từ khi xảy ra khủng hoảng người di cư, Hungary đã giữ biên giới EU an toàn thông qua việc xây dựng hàng rào biên giới và huấn luyện lực lượng nhằm bảo vệ người dân nước này cũng như các nước khác trong châu lục trước dòng người nhập cư trái phép. Trong ảnh: Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest ngày 19.7. AFP/TTXVN



Ngày 31.8, chính quyền Iraq tuyên bố các lực lượng nước này đã giành lại quyền kiểm soát khu vực phía bắc của thành phố Tal Afar và phần còn lại của tỉnh Nineveh, một trong những thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền bắc Iraq, sau chiến dịch kéo dài gần hai tuần qua. Thông báo từ Văn phòng của Thủ tướng Haider al-Abadi khẳng định "tỉnh Nineveh hiện đã hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát" của các lực lượng Iraq. Hiện IS chỉ còn kiểm soát một thành phố duy nhất là Hawija ở tỉnh Kirkuk, cách Baghdad khoảng 300 km về phía bắc và một số khu vực sa mạc nằm dọc biên giới với Syria. Trong ảnh: Các lực lượng Iraq tiến vào làng al-Ayadieh, phía bắc khu vực Tal Afar trong chiến dịch giải phóng khu vực này từ phiến quân IS ngày 28.8. AFP/TTXVN



Một báo cáo do truyền thông Australia công bố ngày 1.9 cho thấy Commonwealth Bank of Australia (CBA) - ngân hàng lớn nhất Australia - đã không giám sát hàng tỷ USD giao dịch toàn cầu, một thiếu sót có thể khiến ngân hàng này gặp rắc rối với giới quản lý tài chính quốc tế. Theo một báo cáo nội bộ do hãng tin tức Sky News Australia công bố, CBA đã không giám sát hoặc giám sát không đủ chặt chẽ đối với hàng loạt giao dịch tài chính thực hiện tại khoảng 60% các chi nhánh quốc tế của ngân hàng này. Với thông tin trên, CBA có thể sẽ phải đối mặt với kiểm tra từ giới điều phối tài chính tại các thị trường như Singapore, Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), London (Anh) và New York (Mỹ). Trong ảnh: Chi nhánh ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) tại Sydney, Australia ngày 8.8. AFP/TTXVN