Vừa nghỉ lễ vừa lo sốt xuất huyết

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:23, 02/09/2017

TP Hải Dương có nhiều ổ dịch, điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) nhất tỉnh.




Phun hóa chất diệt muỗi tại thôn Liễu Tràng, xã Tân Hưng (TP Hải Dương)


Đến ngày 1.9, thành phố có 103 trường hợp mắc, nghi mắc SXH, trong đó 69 trường hợp dương tính. Bệnh SXH đã xuất hiện ở 18 trong tổng số 21 xã, phường với 5 ổ dịch và 11 điểm dịch.

Ngay sau khi được phát hiện, tại các điểm dịch và ổ dịch đã được khoanh vùng, xử lý, phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi ổ dịch này được xóa thì ổ dịch mới lại phát sinh. Bên cạnh đó, các địa phương nơi từng xảy ra ổ dịch vẫn có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Tại phường Thạch Khôi, khi ổ dịch ở khu Lễ Quán vừa được công bố xóa thì ngay sau đó lại xuất hiện ổ dịch mới trong khu Phú Tảo. Khi ổ dịch ở khu Phú Tảo được công bố xóa chưa lâu thì tiếp tục xuất hiện thêm 2 ổ dịch tại thôn Liễu Tràng và thôn Bảo Thái (xã Tân Hưng) gần đó.

Anh Khổng Văn Phương, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS và an toàn vệ sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế TP Hải Dương) cho biết: "Dịch SXH năm nay diễn biến phức tạp, không giống với các năm trước và rất khó để đưa ra những phán đoán. Chủng SXH tại Hải Dương giống như ở Hà Nội, trong khi các nhà nghiên cứu đang đưa ra nhiều giả thuyết cho rằng muỗi lây truyền SXH năm nay đang có biến thể".

Muỗi truyền bệnh SXH chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti và Aedes albopictus (người dân thường gọi muỗi vằn hay muỗi hoa), thường sinh sống ở trong nhà, xung quanh các gia đình. Thời điểm muỗi hoạt động buổi sáng từ 6-8 giờ, buổi chiều từ 17-18 giờ. Hai loại muỗi này thường đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước mưa hoặc nước sạch, trong khi năm nay thời tiết mưa nắng luôn đan xen. Sau những ngày mưa liên tiếp là những ngày nắng nóng, tạo thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển. Mưa tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng trong khi nắng là điều kiện lý tưởng để bọ gậy phát triển thành muỗi trưởng thành. Chưa kể vòng đời của loại muỗi này cũng lâu hơn so với muỗi thông thường, với khoảng 34 ngày (muỗi cái) và muỗi có thể bay trong phạm vi bán kính 200 m.

TP Hải Dương là nơi có mật độ dân số đông, nhiều người di chuyển từ vùng có dịch về, các phương tiện giao thông cũng dễ trở thành nơi trung chuyển mầm bệnh. Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 càng làm tăng thêm mối lo về nguy cơ dịch SXH lây lan rộng. Bởi đây là thời điểm nhiều học sinh, sinh viên, người lao động từ các nơi về địa phương nghỉ lễ. Bên cạnh đó, nhiều người dân thành phố có nhu cầu đi du lịch, thăm bạn bè, người thân ở những tỉnh, thành phố khác. Đơn cử như trường hợp tại khu Lễ Quán (phường Thạch Khôi), bệnh nhân mắc SXH từ Hà Nội về nhà điều trị, sau đó bố mẹ và hàng xóm của người này cũng bị SXH. Do đó, sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, số người mắc, nghi mắc SXH có thể sẽ tăng cao.

Với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP Hải Dương đã đề nghị các xã, phường triển khai ngay việc giám sát, lập danh sách những người đi từ vùng dịch về địa phương; tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nếu người nào có dấu hiệu sốt cao kéo dài 3-4 ngày phải đi khám ngay. Những người đi du lịch hoặc thăm bạn bè, người thân ở những nơi đang có dịch SXH cần thận trọng với những dấu hiệu bất ổn của cơ thể, chủ động sử dụng các loại thuốc bôi, xịt chống muỗi để tránh bị muỗi đốt. Đội cơ động phòng chống dịch của TP Hải Dương luôn túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó, xử lý khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Trong dịp nghỉ lễ, người dân cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống SXH để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Ngày 1.9, khu 1, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã đủ điều kiện công bố xóa ổ dịch SXH. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm 1 ổ dịch SXH tại thôn Thái Bảo, xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến ngày 1.9, Hải Dương có 324 ca mắc, nghi mắc SXH, trong đó có 198 trường hợp dương tính. Toàn tỉnh hiện có 2 ổ dịch tại thôn Liễu Tràng và thôn Bảo Thái, xã Tân Hưng (TP Hải Dương).


HUYỀN TRANG