Nhiều nơi chủ quan, lơ là phòng chống sốt xuất huyết

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 13:25, 02/09/2017

Đến hết ngày 29.8, toàn tỉnh có 295 người mắc, nghi mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 173 người dương tính với SXH Dengue.



Người dân xã Thanh Thủy (Thanh Hà) lật úp các vật dụng chứa nước để tránh muỗi sinh sôi, phát triển

Những năm trước, tỉnh ta chỉ xuất hiện vài ca SXH lẻ tẻ thì năm nay số ca bệnh tăng nhanh. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đã có người mắc, nghi mắc SXH. Trong khi đó, người dân còn chủ quan, lơ là việc phòng bệnh.

Thực tế tại 6 ổ dịch SXH ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Bình Giang và TP Hải Dương cho thấy môi trường sống ở những gia đình có bệnh nhân vẫn tồn tại nhiều nguy cơ phát sinh mầm bệnh. Tại một gia đình có bệnh nhân mắc SXH Dengue ở ngõ141, khu 1, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) còn rất nhiều vùng nước đọng, vườn cây rậm rạp, vật dụng chứa nước mưa lâu ngày. Đây là môi trường lý tưởng để lăng quăng sinh trưởng, phát triển thành muỗi gây bệnh. Ở một số gia đình xung quanh cũng còn nhiều chậu cảnh chứa nước mưa lâu ngày, các khu chứa đồ bày la liệt các vật dụng tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn. Người dân nơi đây chỉ thực sự lo lắng khi có bệnh nhân mắc SXH và ngành y tế đến phun thuốc diệt muỗi toàn khu vực nơi có bệnh nhân sinh sống. Ông Nguyễn Văn Dũng ở khu 1, phường Bình Hàn cho biết: "Trước đây tôi tưởng mắc bệnh SXH thì chỉ bị sốt rồi sẽ khỏi. Nay được ngành y tế tuyên truyền và phun thuốc diệt muỗi chúng tôi mới biết bệnh này rất nguy hiểm. Giờ chúng tôi sẽ quan tâm làm sạch môi trường, diệt lăng quăng để phòng tránh bệnh".

Tại huyện Bình Giang, đến nay ổ dịch ở thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng đã được ngành y tế công bố xóa dịch do sau 15 ngày liên tục không có người mới mắc. Tuy nhiên, đa số người dân, thậm chí cả lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nguy hiểm ở người của xã cũng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Khi chính quyền cơ sở chưa nhận thức rõ tác hại và còn xem nhẹ việc phòng chống dịch thì công tác dập dịch gần như khoán trắng cho ngành y tế. Ông Đào Minh Diễn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Giang cho biết: "Nhiều địa phương vẫn chưa tích cực làm sạch môi trường, phòng tránh bệnh SXH. Thậm chí, lãnh đạo một số địa phương chỉ nghĩ đơn thuần là Trung tâm Y tế huyện cứ cấp thuốc muỗi về, địa phương tự phun xử lý môi trường là sẽ phòng được bệnh. Thực tế việc phun thuốc diệt muỗi chỉ là giải pháp tình thế cấp bách, để giải quyết tận gốc dịch bệnh SXH thì cần phải làm sạch môi trường".

Những ngày gần đây, mưa nhiều, độ ẩm cao, sau đó trời nắng lại là điều kiện lý tưởng để các ổ lăng quăng sinh trưởng thành muỗi gây bệnh. Để loại trừ dịch bệnh SXH, ngành y tế tiếp tục tập trung tuyên truyền phòng chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức đến người dân, các trường học; vận động nhân dân dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đậy lu chứa nước tránh để muỗi sinh sản. Tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại các ổ dịch và nơi cư trú có người bệnh mắc SXH. Các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn cộng đồng cần vào cuộc quyết liệt hơn và thực hiện hiệu quả chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, loại trừ bệnh SXH.

ĐỨC THÀNH


Thanh Miện tổng vệ sinh phòng chống sốt xuất huyết

Chiều 30.8, UBND huyện Thanh Miện triển khai kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết (SXH) và phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng trên địa bàn huyện.

UBND huyện yêu cầu ngành y tế chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, hóa chất cần thiết; giám sát, phát hiện sớm những người mắc và nghi mắc SXH, không để dịch lây lan trên diện rộng. Tổ chức tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi tại các xã, thị trấn, khuyến cáo người dân phòng chống bệnh SXH. Tất cả các xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh tại công sở, trường học, trạm y tế...

Đến ngày 30.8, huyện Thanh Miện đã có 31 người mắc SXH, tất cả đều từ nơi khác về.

KHÁNH HÒA