Nhớ ngày giành chính quyền ở Thanh Miện
Tin tức - Ngày đăng : 06:06, 03/09/2017
Cách đây 72 năm, người dân Thanh Miện đã vùng đứng lên giành chính quyền. Phát huy truyền thống cách mạng, Thanh Miện hôm nay đang chuyển mình trong nhịp sống mới.
Vùng quê cách mạng Thanh Miện ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Ảnh: TC
Sục sôi khí thế cách mạng
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Miện, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Đông (xã Thanh Tùng) là cơ sở cách mạng quan trọng của tỉnh. Tại ngôi đình lịch sử này, đầu tháng 4.1945 đã diễn ra hội nghị cán bộ cốt cán của tỉnh để triển khai Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương Đảng. Sau hội nghị này, chỉ thị được triển khai sâu rộng đến nhân dân các địa phương, tạo khí thế để bà con trong tỉnh hăng hái tham gia đấu tranh giành chính quyền.
Ngày 6.6.1945, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Miện được thành lập. Đây là bước phát triển mới trong phong trào cách mạng của huyện. Chỉ trong tháng 7 và đầu tháng 8, lực lượng Việt Minh trong huyện đã tổ chức 2 đợt biểu dương lực lượng, khí thế cách mạng ngày càng sục sôi.
Trong lúc tình hình cách mạng có chuyển biến lớn, ngày 13.8.1945, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ tại khu căn cứ đình Đông nhằm khẩn trương đẩy mạnh mọi hoạt động, sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa của cấp trên. Ngày 15.8.1945, sau khi phân công cán bộ phụ trách việc giành chính quyền ở các huyện trong tỉnh, tất cả các cán bộ đều về cơ sở chỉ đạo phong trào.
Ngay trong tối 15.8.1945, một cuộc họp được triệu tập khẩn cấp với sự tham dự của toàn bộ đảng viên trong chi bộ và Ban Cán sự Việt Minh huyện nhằm bố trí, tổ chức phân công cán bộ phụ trách từng khâu cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Ngày 18.8.1945, ngay sau khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, Thanh Miện đã tổ chức giành chính quyền. Từ các căn cứ Thanh - Đoàn Tùng, Thọ Chương (Lam Sơn), lực lượng tự vệ được trang bị vũ khí cùng hàng nghìn nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ rầm rộ tiến thẳng vào huyện đường. Vì hoảng sợ nên tri huyện Thanh Miện đã bỏ trốn từ vài ngày trước đó. Bọn nha lại, binh lính trong huyện không dám chống cự. Lực lượng khởi nghĩa tịch thu hồ sơ, ấn tín, sổ sách, triện bạ. Lúc 13 giờ 30, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã tung bay trên nóc huyện đường.
Tiếp sau đó, các xã trong huyện đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa. Ngày 20.8.1945, huyện tổ chức mít - tinh chào mừng thắng lợi.
Đổi thay
|
Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Thanh Miện đã có nhiều chuyển biến, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Xác định rõ thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế là nông nghiệp, Huyện ủy đã lựa chọn việc chuyển đổi đất nông nghiệp theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13.4.2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa là một trong những khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, huyện đã chuyển đổi được gần 600 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và cây ăn quả có giá trị cao. Bước đầu, các diện tích này cho giá trị kinh tế cao gấp 3-5 lần so với cấy lúa. Thanh Miện là địa phương đầu tiên trong tỉnh xây dựng được hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến cho các vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích khoảng 30 ha tại các xã Tứ Cường và Tiền Phong.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang, Cao Thắng nhằm tạo việc làm cho người dân. Đến nay, đã có 50% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 6,2%.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Miện quan tâm xây dựng, củng cố Đảng bộ và hệ thống chính trị. Thanh Miện là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy về "Sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020". Sau gần 1 năm thực hiện, huyện đã giảm được từ 114 chi bộ nông thôn xuống còn 92, bảo đảm mỗi thôn, khu dân cư chỉ có 1 chi bộ nhằm tạo thuận lợi cho việc "nhất thể hóa" bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu dân cư.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chất lượng hoạt động và phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức được nâng cao theo hướng thiết thực, hiệu quả. Chất lượng các cuộc họp, hội nghị của huyện được cải thiện. Thành phần dự họp đúng, đủ, nội dung họp đi vào trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, chất lượng điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND các cấp trong huyện được nâng lên.
Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được các cấp, các ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và công tác thi đua, khen thưởng được tiến hành nghiêm túc, khách quan, đã có tác dụng thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hằng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của huyện đều đạt từ 75% trở lên.
HOÀNG NGÂN